26/09/2022 06:12 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Có câu chuyện cười khá nổi tiếng lan truyền trên mạng kể về một ông bố kén vợ cho con trai mình, dù chưa có gì trong tay cả, kiểu nôm na hay gọi là “tay không bắt giặc”.
Đầu tiên, ông bố nói chuyện với con trai, người mãi vẫn chưa chịu lấy vợ. Anh ta khăng khăng rằng muốn “chọn vợ theo ý mình”, cho đến khi ông bố thủng thẳng: “Nhưng cô gái này là con của Bill Gates”.
Thế là anh chàng đồng ý vội. Sau đó, ông bố đi gặp Bill Gates, bảo rằng có một chàng rể muốn tiến cử. Tất nhiên là Bill Gates từ chối, cho đến khi nghe ông bố bảo rằng anh ta là “Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới”. Nhận được cái gật đầu xong, ông bố đi đến địa điểm cuối cùng, là nhà của Chủ tịch ngân hàng thế giới, giới thiệu rằng con rể Bill Gates đang muốn tự ứng cử vào ghế Phó chủ tịch ngân hàng thế giới.
Thời đại “nước bọt”
Vậy là ông bố sắp xếp xong một cuộc hôn nhân rất hời chỉ nhờ… nước bọt. Tất nhiên đấy chỉ là một câu chuyện cười, nhưng nó cũng nói lên ẩn dụ cay đắng để nói về cách xã hội này đang vận hành: Chính các câu chuyện, chỉ là nước bọt đơn thuần thôi, cũng có thể là một dạng đòn bẩy mạnh mẽ, thậm chí nâng vị thế của bất kỳ ai từ con số 0.
Chúng ta gần như đang sống trong một thời đại nước bọt kiểu thế thật. Năm 2013, Anna Sorokin, một cô gái Nga, chỉ bằng tài ăn nói đã làm cho giới thượng lưu ở New York (Mỹ) tin rằng cô là con gái một gia đình đại gia ở Đức, để vay tiền thanh toán các khoản ăn chơi, thậm chí thuyết phục được những ngân hàng lớn đầu tư hàng chục triệu USD cho các dự án bánh vẽ của mình. Phải bốn năm sau, Anna mới bị bắt, và được thả cách đây một năm. Cô trở thành cố vấn cho chính bộ phim nổi tiếng mang tên chính mình Inventing Anna trên Netfllix sau đó không lâu.
Bộ phim này trở thành trend (xu hướng) tại Việt Nam sau khi một Anna phiên bản Bắc Giang mới bị tố cáo trên mạng cách đây không lâu. Cô gái này sinh ra trong một gia đình không lấy gì làm khá giả, nhưng bằng tài buôn nước bọt, đã cho một cơ số nhà giàu vào tròng, tổ chức nhiều đám cưới, và được cho là lừa số tiền lên đến cả trăm tỷ. Cô thậm chí còn thuê một diễn viên đóng vai ông bố “đại gia”, và huy động được hàng trăm người đến ăn đám cưới giả của mình. Thật khó tin là chúng ta đang sống kiểu như vậy: Một vở kịch vụng về, nhưng đủ hào nhoáng thôi là có thể đánh lừa bất kỳ ai.
Chỉ cần hào nhoáng
Các câu chuyện của bóng đá Việt Nam, như chúng ta thấy trong nhiều năm, dường như cũng đi theo quy trình “nước bọt” này: Ban đầu khi các nhà đầu tư cần quyền lợi từ địa phương, họ rất sốt sắng, và kể những câu chuyện rất hay, kiểu như “làm bóng đá bền vững”, “phát triển từ gốc”, rồi “vươn ra biển lớn”.
Sau đó thì một loạt ngôi sao tiền tỷ đổ bộ, như để chứng minh cho quyết tâm “từ gốc” trên kia. Nhưng khi mọi chuyện không được cơm lành canh ngọt, hoặc tệ hơn là cảm thấy không được địa phương đáp ứng yêu sách, thì họ lập tức ngừng đầu tư, và khiến CLB lẫn nhiều cá nhân của nó phải khốn đốn, như chuyện Cần Thơ thời gian gần đây.
Hãy quay trở lại với các bài phỏng vấn vào tháng Ba, khi đội bóng miền Tây bắt đầu khởi động chiến dịch PR sau vụ tập đoàn Tây Đô tiếp quản, bạn bắt gặp những lời hứa quen thuộc kiểu “làm bóng đá phải dài hạn, từ 5-10 năm” hay “cạnh tranh lên chơi tại V-League”, rồi truyền thông cũng khá chỉn chu, với một lễ hội có đầy đủ ngôi sao lẫn siêu xe. Giờ thì nhìn vào tình cảnh CLB hiện tại, chúng ta có lẽ cũng không thể tránh khỏi cảm giác cũng rất quen thuộc: Các câu chuyện đẹp không đỡ nổi thực tế nữa, dù người kể có điêu luyện đến đâu, và các chi tiết hào nhoáng cỡ nào.
Và sau nhiều năm thay người kể chuyện, chúng ta thấy các CLB Việt Nam đa số vẫn đang ở vạch xuất phát: Đơn giản là bóng đá vẫn chưa thể nuôi bóng đá. Khi số phận đội bóng ở bên bờ vực, thì giải pháp cuối cùng vẫn lại là trả về cho nhà nước, với trách nhiệm trả đủ lương thưởng, cho đến… tiền lót tay, đã phát sinh đến hàng tỷ đồng. Các câu chuyện hào nhoáng ban đầu đang tạo ra những chi phí khắc phục khổng lồ, và cả những số phận lao đao vì nó, đặc biệt là những cầu thủ.
Và tất nhiên, nó tiếp tục đục bỏ đi thứ mà chúng ta đã quen với nó đến bình thường rồi: Các lời hứa. Mỗi lời hứa như thế bị sụp đổ, đều kèm theo những mảnh vữa niềm tin. Nhưng mà người ta giờ sống bằng các câu chuyện rồi. Trên đống đổ nát này, những người kể chuyện mới sẽ đến, gieo ra một hạt giống ở phía trước, che đậy đống xà bần này, và sẽ lại có người tin. Dù câu chuyện ấy phi lý cỡ nào, chỉ cần nó đủ hào nhoáng. Kiểu một người ất ơ tự nhận là con rể Bill Gates, phi lý cỡ đó cũng được.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất