10/03/2018 09:02 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi thu âm ca khúc này năm 1964. Và thật khó để tin rằng, đến giờ chúng ta vẫn đang tiếp tục đấu tranh cho điều tương tự” - Lesley Gore đã nói như vậy khi nhắc đến You Don’t Own Me. Ca khúc đóng vai trò khơi mào cho phong trào giải phóng phụ nữ những năm 60 - 70 của thế kỉ trước, lại là bản hit cuối cùng của Lesley.
Đúng như lời Lesley Gore, hơn nửa thế kỷ đã qua từ khi You Don’t Own Me ra đời, nhân loại vẫn đang chứng kiến cuộc chiến bảo vệ phụ nữ khỏi những bất công, phân biệt và lạm dụng ngày một phức tạp. Một cuộc chiến dường như không có hồi kết.
Tựu chung, những đấu tranh của phụ nữ có thể tóm gọn lại ở một vài yêu cầu cơ bản mà ca khúc You Don’t Own Me đã phản ánh theo cách không thể thẳng thắn hơn (một việc khá liều lĩnh ở bối cảnh bấy giờ): “Anh không sở hữu tôi… Đừng yêu cầu tôi phải làm gì…Hãy để tôi được là chính mình!...”
Ca khúc ngay sau khi ra mắt đã ngay lập tức leo lên vị trí thứ 2 trên BXH Billboard, chỉ sau I Just Want To Hold Your Hand của The Beatles. Đến tháng 11/2016, bài hát được đưa vào Đại sảnh danh vọng Grammy.
“Tuyên ngôn nữ quyền” được viết bởi hai người đàn ông
Người ta đã nhắc nhiều đến những “nữ anh hùng” đứng lên đòi quyền bình đẳng cho chính giới của mình, nhưng ngược lại, có “đốt đuốc” cũng khó tìm được một nam nhân nào nổi trội trong cuộc chiến này.
Và khán giả cũng luôn nhớ đến You Don’t Own Me với giọng hát của một Lesley Gore 18 tuổi, mặc định rằng thông điệp ấy xuất phát từ những uẩn ức của chính cô, trong khi thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Lesley Gore từng thú nhận: “Ngày tôi mới nghe đến bài hát này, năm ấy tôi 16 - 17 tuổi, phong trào nữ quyền không hẳn là một vấn đề lớn. Một số người có nói về nó, nhưng nó không hề là vấn nạn quá to tát.Tôi đón nhận ca khúc này theo cái cách một cô gái 17 tuổi cảm thấy tuyệt vời khi được đứng trên sân khấu, lúc lắc ngón tay và hát: Đừng bắt tôi phải làm gì”.
Lesley Gore đã hát You Don’t Own mà không có nhiều ý thức về nữ quyền.Không thể trách bà, và cũng không thể nói bà đã hát nó không thành công. Lesley Gore vẫn chinh phục được nó, bằng bản năng, bằng nét cá tính thúc đẩy bằng sự phấn khích trước ánh hào quang sân khấu và bằng chính vẻ bướng bỉnh tự nhiên của một cô gáimới lớn.
Có thể một ca sĩ già dặn nào đó sẽ chọn thể hiện theo cách khác, sâu thẳm hơn, nhiều sóng ngầm hơn. Nhưng dù sao, khán giả đã và luôn thích cách mà Lesley Gore thách thức người nghe với thông điệp của You Don’t Own Me, thích cả cách bà đùa giỡn lả lướt với từng câu chữ, một dạng khác của sự thách thức.
Tạp chí New York Times nhận xét về You Don’t Own Me bằng cụm từ “sự bướng bỉnh khó chữa”, và cũng theo tạp chí này, Lesley Gore đã tự biến mình “tiếng nói của những cô gái tuổi teen bị bạn trai làm tổn thương, dịch chuyển nhanh chóng từ sự tự thương hại đến sự tự đấu tranh”.
Trở lại với những chủ nhân thực sự của thông điệp You Don’t Own Me, John Madara và David White. Hai người đàn ông da trắng sáng tác về nữ quyền. Hơn hết, sáng tác ấy lại mang tính tiên phong, đầy táo bạo và thẳng thắn đến mức có phần liều lĩnh. Điều khó tin nàycũng có nguyên do của nó.
“Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là viết một bài hát trong đó người phụ nữ mắng mỏ đàn ông: "Đừng bắt tôi làm cái này, đừng bắt tôi nói cái kia". Chúng tôi bức xúc thay cho họ. Dù không thể nghĩ nó sẽ trở thành một bản thánh ca về nữ quyền, nhưng quả thật mục đích ban đầu là đưa ra một tuyên bố của phái nữ” - lời giải thích của hai nhạc sĩ. Và phải chăng, lời ca của những người đàn ông ngoài cuộc mới bộc trực đến vậy?
Nếm mùi phân biệt từ chính “bản tuyên ngôn” của mình
Lesley Gore, nhiều năm sau khi hát You Don’t Own Me một cách vô tư, đã bắt đầu thấm dần.
“Khi tôi trưởng thành hơn, phong trào nữ quyền trở thành một phần cuộc sống tôi, chiếm vị trí quan trọng trong nhận thức của tất cả mọi người. Và tôi đã hiểu vì sao người ta dùng bài hát này như một “bản thánh ca” của nữ quyền” - Lesley Gore nói với Minneapolis Star-Tribune vào năm 2010.
Một nghệ sĩ hẳn sẽ vui khi ca khúc của mình sống mãi, khi bài hát ấy đồng cảm với nhiều thế hệ. Nhưng đối với Lesley, việc You Don’t Own Me sau nhiều năm trời vẫn có tiếng nói nhất định, lại không phải là hay ho lắm.
“Tôi thu âm bài này vào năm 1964. Thật khó để tin rằng đến tận bây giờ chúng ta vẫn đang đấu tranh cho điều tương tự”. Năm 2013, một nhóm phụ nữ đã sử dụng bài hát You Don’t Own Me cho clip lan truyền trên Internet về bình đẳng giới. Lesley Gore đã nói câu trên khi xuất hiện trong đoạn clip.
Trước đó, bà cũng không ít lần nhắc đến vấn đề này. Điển hình là buổi phỏng vấn đăng trên Ms. magazine vào năm 1995: “Ngày tôi mới bắt đầu, nền công nghiệp giải trí bị chi phối bởi những người đàn ông. 27 năm sau tôi không thấy nó có gì khác. Và tất nhiên, họ đối đãi với phụ nữ khác đi chỉ khi cô ta có tên tuổi và bán được đĩa”.
Sự bất công, trớ trêu thay đến trong chính bản tuyên ngôn You Don’t Own Me. Lesley Gore khẳng định, bà chưa nhận được bất kỳ danh hiệu nào cho You Don’t Own Me. Hai nam nhạc sĩ John Madara và David White thì đều có.
“Tôi không nhận được tiền tác quyền cho đến năm 1993, gần 24 năm. Và số tiền tôi nhận được chẳng hơn gì so với những nghệ sĩ vô danh hôm nay. Nhưng nó không quan trọng. Tôi vẫn sống, không túng thiếu và vẫn tiếp tục sáng tác” - Lesley Gore cay đắng.
You Don’t Own Me là ca khúc Lesley Gore yêu thích nhất trong sự nghiệp. Trong một buổi phỏng vấn năm 2002, bà bày tỏ: “Thật lòng thì tôi không thể tìm được cái gì mạnh mẽ hơn. Ca khúc này lớn lên sau mỗi lần tôi hát nó. Năm nay, nó có ý nghĩa thế này. Sau 2 năm, nó lại mang một ý nghĩa khác”.
Lesley Gore thích You Don’t Own Me đến mức mặc định đây là ca khúc cuối cùng trong mọi show diễn của bà. Thậm chí, còn so sánh nó với chính bản hit khác của mình: “It’s My Party, dù nó có cho thấy thái độ phản kháng, nhưng khi so với You Don’t Own Me thì vỡ ra như bong bóng”.
Tháng 3/2015, một tháng sau khi Lesley Gore, nữ ca sĩ Australia - Grace - tung ra phiên bản You Don’t Own Me hoàn toàn mới theo phong cách R&B, phối hợp với rapper G-Eazy.
Điều thú vị là, Grace được truyền cảm hứng về ca khúc này từ Quincy Jones, người trước đây cũng đã đem nó tới cho Lesley Gore đồng thời kiêm luôn vai trò sản xuất. Quincy Jones chính là nhà sản xuất về sau hợp tác với “Ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson.
Lesley Gore -Tiếng nói của quyền bình đẳng Lesley Gore (1946 - 2015), tên thật Lesley Sue Goldstein, là nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên và nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Đối với một ca sĩ bán chuyên ngày mới bắt đầu sự nghiệp, Lesley Gore được đánh giá là sở hữu gia tài sản phẩm đáng nể: Từ 1963 đến 1969, bà phát hành 29 đĩa đơn (19 trong số đó lọt top 100) và 8 album. Bà có bản hit đầu tiên It’s My Party khi mới chỉ 16 tuổi, theo sau bởi loạt hit như Judy’s Turn To Cry, She’s A Fooll, Maybe I Know, California Nights và You Don’t Own Me. Lesley Gore phát hiện mình là người đồng tính vào năm 20 tuổi. Kể từ đó, bà không bao giờ giấu giếm giới tính thật mà hơn hết, còn là người tiên phong trong việc chống kì thị người đồng tính. Lesley Gore xây dựng show truyền hình định hướng cho cộng đồng LGBT, In The Life, vào đầu những năm 2000 và duy trì cho đến năm 2014, chỉ 1 năm trước khi bà qua đời. Lesley Gore qua đời vào tháng 2/2015 bởi căn bệnh ung thư phổi, khi cuốn hồi kí và vở kịch tại Broadway về cuộc đời bà còn đang dang dở. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất