05/06/2022 19:11 GMT+7 | Giải trí
Một buổi sáng tháng 2/1967, trưởng nhóm The Kinks Ray Davies lăn khỏi giường trong căn nhà nhỏ bán biệt lập của anh ở Bắc London, và có một ca khúc đang chờ anh. “Waterloo Sunset tới với tôi trong một giấc mơ” - Davies kể lại - “Tôi ngủ dậy và nó đã ở đó”.
Nhưng cũng giống như Let It Be của Paul McCartney, Waterloo Sunset tuy xuất hiện thoáng chốc nhưng lại là kết quả của một tiềm thức được hun đúc trong nhiều năm và có tính phổ quát khiến bất cứ người dân London nào cũng tìm thấy sự đồng cảm ở đây.
Thời thơ ấu
Rất ít ca khúc có thể thâu tóm được chính xác linh hồn của London trong những năm 1960 như Waterloo Sunset (Hoàng hôn Waterloo) của The Kinks. Ca khúc ngay từ khi ra đời đã rất được lòng công chúng và theo thời gian, trở thành một trong những thành phố ca của riêng London.
Sau thành công vang đội đầu tiên của The Kinks ở “Cuộc xâm lăng của nước Anh” - chỉ sự xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Mỹ của các nghệ sĩ tới từ Anh - Ray Davies thật sự cần phải viết một hit khác. Nhưng thay vào đó, anh lại viết Waterloo Sunset - một giai điệu mang tính trường cửu hơn là hợp thời.
Nói là vậy nhưng Waterloo Sunset thật ra vẫn rất đúng mốt về mặt chủ đề. Trong một năm chứng kiến sự ra đời của ca khúc thanh tao và mang tính địa phương là Strawberry Fields Forever của The Beatles, một sáng tác đại diện cho London của The Kinks là hoàn toàn hợp không khí. Có điều, ban đầu, Ray Davies vốn định viết về một thành phố khác của Anh và lại chính là quê hương của Tứ Quái: Liverpool!
“Ban đầu, tôi muốn gọi nó là Liverpool Sunset” - Davies tiết lộ. “Hồi đó, tôi rất yêu Liverool và Merseybeat (PV: Thể loại nhạc thịnh hành ở Liverpool thập niên 1960). Nhưng mọi người biết lời khuyên cho các nhạc sĩ rồi đó - hãy viết về những gì bạn biết rõ. Tôi biết về London hơn hẳn so với Liverpool. Thế nên tôi đã đổi lại”.
Hay có lẽ không phải lời khuyên, mà chính tiềm thức đã trỗi dậy để đòi lại vị trí chính đáng của mình: Đó phải là Nam London, nơi Davies đã lớn lên. “Waterloo là nơi quan trọng trong đời tôi” - anh kể. “Hồi bé, tôi từng nằm viện St. Thomas do bị ốm nặng và tôi đã nhìn ra sông Thames. Sau đó, tôi thường đi qua ga khi tới cao đẳng nghệ thuật bằng tàu. Ca khúc cũng nhắc tới Lễ hội Anh mà bố mẹ dẫn tôi đi. Tôi nhớ họ cầm tay tôi, chỉ cho xem tháp Skylon lớn, nói rằng nó là biểu tượng của tương lai. Và tôi gặp người bạn gái đầu tiên của tôi, người sau này thành vợ đầu tiên của tôi, dọc bờ Embankment ở Waterloo”.
Những kỷ niệm này cá nhân tới mức Davies thậm chí không dám đưa ca từ cho các thành viên The Kinks cho tới khi ghi âm phần hát. Anh nói “Nó giống như một đoạn trích từ cuốn nhật ký mà không ai được phép đọc”, mặc dù đã được hình tượng hóa và phủ lớp mơ màng phi ranh giới đặc trưng của những giấc mộng.
Mùa Xuân chín
Vào đầu tháng 3/1967, The Kinks tập trung tại phòng thu tí hon dưới tầng hầm ở Pye Record, London, để giải quyết phần đệm cho ca khúc mới của Davies. Trong quá trình làm album mẹ Something Else, The Kinks đã kết thúc quan hệ với nhà sản xuất Shel Talmy do Davies không hài lòng với cách Talmy thực hiện Waterloo Sunset. Davies quyết định tự nắm dây cương Waterloo Sunset, bất chấp sự phản đối của Talmy, vì có cảm giác đặc biệt với ca khúc.
Họ đã thử rất nhiều ý tưởng về guitar cũng như âm thanh và cuối cùng chọn thủ thuật delay (làm chậm) băng tiếng guitar, mang lại rung cảm như một giấc mơ. Sau đó, trên nền nhạc cải biên rất khéo, giọng Davies vang lên, chìm đắm với sự hỗ trợ của dàn hợp xướng, đẩy Waterloo Sunset sang hẳn địa hạt psyche pop.
Anh trai của Ray Davies, Dave Davies, viết trong cuốn tự truyện Kink: “Ca khúc có đường bass đi xuống đầy thôi miên, tương phản một cách kỳ diệu với hòa âm giọng hát vươn lên, kết cấu nhẹ nhàng nhưng đầy khuấy động”, ngay lập tức mang tới cảm giác nó sẽ thành hit.
Nhưng gác sang một bên phần giai điệu và kỹ thuât, vẻ đẹp thật sự của ca khúc nằm ở khả năng đáng kinh ngạc của Davies trong việc xây dựng hình ảnh. Là một người học nghệ thuật, Davies luôn thêm kết cấu màu và hình ảnh tuyệt đẹp trong mọi thứ anh làm.
Lấy nền tảng là ký ức tuổi trẻ, Davies vẽ nên bức tranh một người đàn ông cô độc đang quan sát thế giới từ cửa sổ phòng mình. Giống như một giấc mơ, Waterloo Sunset lấp lóa những hình ảnh, thiên về tâm trạng hơn là câu chuyện tuyến tính. Tuy vậy, nổi bật lên vẫn là hình ảnh “Terry gặp Julie, ở sân ga Waterloo/ Vào mỗi tối thứ Sáu”. Giữa thế giới ảm đạm, bụi bặm và cô quạnh, Terry và Julie lại thật yên bình vì có nhau. Và chỉ cần được ngắm hoàng hôn Waterloo, họ như được ở trên thiên đường. Một hoàng hôn rực lửa mới ấm áp làm sao.
Trong nhiều năm, khán giả đã đi tìm nguyên mẫu của Terry và Julie. Nhiều người cho rằng đó là về hai diễn viên nổi tiếng Terence Stamp và Julie Christie, vốn hẹn hò hồi thập niên 1960. Cũng khó tìm được đáp án chính xác từ Davies bởi anh từng đưa ra… nhiều đáp án.
Tuy vậy, câu chuyện mà anh nhắc tới nhiều nhất là “một ảo tưởng về chị tôi cùng với bạn trai chị ở một thế giới mới”. Chị của Davies thuộc thế hệ lớn lên ở Thế chiến II điêu tàn và đây là thế giới mà anh ước họ có được. Nhưng sau tất cả, anh “thích để người nghe tự nghĩ và gợi lên những hình ảnh theo ý riêng của họ. Nếu mọi người có thể vẽ nên một bức tranh của Terry và Julie, mỗi người họ sẽ vẽ nên những bức tranh khác nhau, dựa theo những người mà họ biết”.
Và như thế, cùng với những tác phẩm kinh điển đẹp như mơ như A Whiter Shade Of Pale Waterloo Sunset và Strawberry Fields Forever, Waterloo Sunset đã góp phần mình trong một mùa Xuân chín muồi của năm 1967. Một mùa xuân mơ hồ mà, giống như một kỷ niệm đẹp, sẽ bền bỉ bám rễ tới hiện tại và lan tới những thế hệ sau, ẩn hiện hình ảnh London sương mù bỗng sáng rực hoàng hôn sau bao mất mát và cô quạnh.
“Thành phố ca” của London Phát hành ngày 5/7/1967, Waterloo Sunset nhanh chóng leo lên vị trí No.2 trên BXH Anh. Sức lan tỏa của nó không chỉ ở khán giả mà cả trong giới nghệ sĩ. Davies rất tự hào khi biểu tượng hóa thập niên 1960 Jimi Hendrix đã có tình cảm sâu sắc với ca khúc: “Tôi còn nhớ khoảnh khắc khi Jimi Hendrix và tôi cùng ở chương trình Top Of The Pops. Chúng tôi gặp nhau ở hành lang, anh ấy đã nói: Này, tôi yêu giai điệu của cậu. Và anh ấy đã chơi Waterloo Sunset, chỉ cần gẩy vài nốt bằng tay trái, với rung cảm Hendrix tuyệt vời”. Hendrix không phải ngôi sao duy nhất phải lòng ca khúc. Pete Townshend gọi nó là “thần thánh”, Paul Weller và Damon Albarn đều nói đó là ca khúc yêu thích của họ còn nhà phê bình Robert Christgau ca ngợi Waterloo Sunset là “ca khúc viết bằng tiếng Anh đẹp nhất”. Biên tập viên cao cấp AllMusic Stephen Erlewine đồng tình rằng đây “có thể là ca khúc hay nhất kỷ nguyên rock and roll”. Trong các bản cover, phải kể tới của David Bowie, Def Leppard và Peter Gabriel. Với nước Anh, Waterloo Sunset là đề tài quen thuộc trong nghiên cứu nghệ thuật ở đại học. Tờ London Time Out gọi ca khúc là “Thành phố ca” của London. Tại Thế vận hội London 2012, Waterloo Sunset được chọn để biểu diễn ở lễ bế mạc tráng lệ. Còn trên thế giới, Waterloo Sunset đứng thứ 14 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Chỉ có điều, với Ray Davies, đứa con cưng dường như đã vượt mặt cha đẻ, khi mỗi khi anh ra nhạc, người ta lại kỳ vọng về một Waterloo Sunset tiếp theo. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất