16/12/2023 07:30 GMT+7 | Giải trí
Có những vấn đề mà ngày nay đã được công khai nhìn nhận và đấu tranh, thế nhưng, cách đây nửa thế kỷ, nó vẫn là nội dung cấm kỵ mà muốn thể hiện, cần phải có rất nhiều tài năng và khéo léo. Đó chính là trường hợp ca khúc Walk On The Wild Side (Bước về phía hoang dã) của Lou Reed. Không chỉ là người có ảnh hưởng bậc nhất tới nền nhạc rock, Lou Reed còn là người đấu tranh không mệt mỏi cho bình đẳng và tự do hưởng thụ.
1.Walk On The Wild Side là 1 trong những ca khúc có sức sống bền bỉ nhất mà Lou Reed từng viết. Nhạc sĩ hàng đầu nước Mỹ Reed nổi tiếng là có thiên hướng thích mạo hiểm và các ca khúc của ông thường như phương tiện để khám phá những bối rối từ chính cảm xúc của ông, cũng như thế giới của chủ nghĩa khoái lạc và cấm kỵ mà ông đang sống.
Ban đầu, Reed được yêu cầu viết nhạc cho một vở nhạc kịch dựa trên cuốn tiểu thuyết A Walk On The Wild Side. Vở kịch đó không bao giờ thành hình, nhưng Reed giữ lại tiêu đề. "Tôi đã nghĩ sẽ rất hay khi giới thiệu cho mọi người thấy những bữa tiệc mà họ không dám tới gần" - ông chia sẻ về ý tưởng ca khúc.
Được truyền cảm hứng từ trải nghiệm bản thân cũng nhiều như mọi thứ xung quanh, chính trong những ca khúc như Walk On The Wild Side, Reed thực sự cho thấy mình là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Được sản xuất bởi David Bowie và Mick Ronson, ghi âm tại phòng thu Trident ở London, Walk On The Wild Sidera mắt khán giả vào ngày 24/11/1972, như một phần của đĩa đôi, cùng với một ca khúc bất hủ khác của ông là Perfect Day. Cả 2 ca khúc đều sẽ xuất hiện trong album Transformer phát hành cùng năm, vốnđược coi là tác phẩm quan trọng nhất của ông sau khi rời nhóm nhạc The Velvet Underground.
Về mặt âm nhạc, Walk On The Wild Side là một tác phẩm kinh điển với phần bass luyến ngắt, giọng hát đệm "do-do-do" của Thunderthighs và phần solo saxophone âm trung. Nó cũng được coi là ca khúc bắt tai nhất mà Lou Reed từng viết.
Ca khúc “Walk on the Wild Side” của Lou Reed
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất lại nằm ở ca từ. Giống như mọi tác phẩm mà Reed viết, vào thời điểm đó, về mặt ca từ, các chủ đề mà ông thảo luận đều vô cùng tiến bộ. Nó đề cập tới "các chủ đề cấm kỵ" như vấn đề chuyển giới hay tình dục tự do.
Thật phù hợp khi Bowie và Ronson được thuê làm nhà sản xuất, vì ở phía bờ bên kia Đại Tây Dương, theo nhiều cách, họ có thể được coi là đồng minh của Reed trong việc thách thức các quan niệm xã hội. Thú vị thay, mặc dù ca khúc được biết tới như là thách thức văn hóa, nó lại nhận được sự phủ sóng rộng rãi trên đài phát thanh và trở thành hit lớn nhất của Reed.
Ca khúc quá "hoang dã" tới nỗi đài BBC cực kỳ bảo thủ vào thời đó thậm chí không hiểu được ý nghĩa của một số từ, nên nó đã lọt qua ngay dưới mũi các nhà kiểm định của họ. Theo nghĩa mà họ tưởng, ca khúc này không còn là kiểu Lou Reed nữa. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Walk On The Wild Side là đặc trưng của Reed với ca từ miêu tả nhiều cá nhân khác nhau và hành trình của họ tới thiên đường tự do mà khi đó New York là đại diện.
"Walk On The Wild Side không phải một ca khúc đáng sợ. Anh em nhà Karamazov (tiểu thuyết của Dostoevsky) đáng sợ hơn ca khúc này" - nghệ sĩ Lou Reed.
2.Walk On The Wild Side giống như một vở kịch mà mỗi màn là một số phận khác biệt. Đó là những người bạn của Reed và đặc biệt là quản lý cũ của ông, Andy Warhol trứ danh, cùng những siêu sao trong xưởng phim của ông. Có thể kể ra những cái tên cụ thể là Holly Woodlawn, Candy Darling, Joe Dallesandro, Jackie Curtis và Joe Campbell.
Đoạn đầu tiên là những trải nghiệm của Holly Woodlawn. Là nữ diễn viên chuyển giới lớn lên ở Miami Beach, Florida, 15 tuổi vào năm 1962, cô đã bỏ nhà đi vì bị kỳ thị ở quê nhà và từ đó, "quá giang khắp nước Mỹ". Trong chuyến đi khám phá bản thân quan trọng của mình, cô trưởng thành và có những mối tình lãng mạn và được người bạn Georgette dạy cách nhổ lông mày.
Nhân vật thứ 2 được đề cập tới là Candy Darling, một diễn viên chuyển giới khác, người cũng từng là chủ đề trong ca khúc năm 1969 của The Velvet Underground là Candy Says. Darling lớn lên ở Long Island, và thường xuất hiện ở những "phòng sau bí ẩn" trong hộp đêm Max's Kansas City ở New York.
Rồi Reed chuyển qua "Joe nhỏ", biệt danh của Joe Dallesandro, nam diễn viên trong Flesh (1968) - bộ phim về một mại dâm nam, từng làm rạng danh nhiều ngôi sao của Warhol. Năm 2014, anh cho biết mình thường gặp Reed khi ca khúc được viết và cho rằng nhân vật trong ca từ dựa trên vai diễn của anh chứ không phải con người ngoài đời. Một lưu ý thú vị là hình ảnh của Dallesandro sẽ xuất hiện trên bìa album ra mắt của The Smiths vào năm 1984.
Nhân vật "tiên mận đường" được cho là đề cập tới diễn viên Joe Campbell, người đóng vai kẻ có tên như vậy trong bộ phim biểu tượng năm 1965 của Warhol là My Hustler. Đây là uyển ngữ của "kẻ buôn ma túy". Cũng có lập luận rằng nó chỉ những kẻ buôn ma túy nói chung trong vòng thân cận của Warhol.
Siêu sao cuối cùng được nhắc tới trong ca khúc là Jackie Curtis, một diễn viên của xưởng phim Factory. Warhol từng nói về nghệ thuật của cô: "Jackie Curtis không phải là drag queen (nghệ sĩ giả nữ). Jakie là nghệ sĩ. Một người tiên phong không có biên giới". Trong Walk On The Wild Side, Reed đã thảo luận về chuyện nghiện ngập của cô, với những cú tăng tốc và thảm kịch- rất khéo léo khi nó giống như tai nạn gây ra cái chết của James Dean, người mà Curtis thần tượng.
Nhận thức sâu sắc khó khăn khi đặt một cuộc thảo luận ngầm trong một hit chính thống, Reed nói Walk On The Wild Side là "ca khúc cởi mở về người đồng tính", "từ tôi gửi tới họ, nhưng chúng được diễn đạt cẩn thận để những người dị tính có thể bỏ lỡ hàm ý và thưởng thức chúng mà không khó chịu. Tôi cho rằng album này sẽ làm một số người khó chịu".
Tất nhiên, nhìn nhận một cách tiến bộ, đó là những nội dung thật sự cần được công khai thảo luận. "Trong các tiểu thuyết, điều này chẳng là gì cả" - ông nói với Rolling Stone sau này - "Đó không phải một ca khúc đáng sợ. Anh em nhà Karamazov (PV: Tiểu thuyết của Dostoevsky) đáng sợ hơn ca khúc này".
Reed có sự đồng cảm vô cùng lớn với những nhân vật mà ông đưa vào Walk On The Wild Side, vì ông luôn phải đấu tranh với vấn đề giới tính trong suốt cuộc đời mình. Là một tiến bộ rực rỡ thảo luận về vai trò giới tính, hơn nửa thế kỷ sau khi ra mắt, ca khúc vẫn vững mạnh tới ngày nay, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của huyền thoại rock.
Là người đàn ông bí ẩn trong cả âm nhạc lẫn cuộc sống, Walk On The Wild Side là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cái mà Lou Reed thật sự hướng tới. Một nhạc sĩ thiên tài và thậm chí còn viết lời giỏi hơn, ông có khả năng chạm tới nhiều chủ đề quan trọng chỉ trong một ca khúc.
Nếu không có những bước đi tiên phong của ông và David Bowie, nền văn hóa ngày nay có thể sẽ rất khác. Mặc dù còn cả chặng đường dài phía trước về giới và bình đẳng, Reed đã đi đầu trong việc phá bỏ cánh cửa, mở đường cho những huyền thoại tương lai như Bjork, Leigh Bowery, Buzzcocks và vô vàn người khác.
Đôi nét về Lou Reed
Lou Reed tên thật là Lewis Allan Reed, sinh năm 1942 tại New York, Mỹ. Ông là guitar, giọng ca, sáng tác chính của nhóm nhạc rock The Velvet Underground và có sự nghiệp solo trải dài 5 thập kỷ.
Dù không thành công về mặt thương mại trong suốt thời gian tồn tại, The Velvet Underground được coi là 1 trong những ban nhạc có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhạc rock và alternative rock. Giọng hát tỉnh bơ đặc trưng của Reed, ca từ thơ mộng và đi trước thời đại, cùng nhiều thử nghiệm guitar là thương hiệu của Lou Reed trong sự nghiệp dài của mình.
Ông chơi guitar và hát trong nhóm nhạc từ thời trung học, nghiên cứu về thơ ở Đại học Syracuse dưới sự hướng dẫn của nhà thơ Delmore Schwartz, và từng là DJ đài phát thanh, tổ chức chương trình âm nhạc tiên phong khi học đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông tới làm việc ở phòng thu Pickwick với vai trò nhạc sĩ và nhạc công chơi theo phiên. Tại đây, cùng một số nhạc công chơi theo phiên khác, ông lập nên The Velvet Underground vào năm 1965. Sau khi gây dựng được danh tiếng trong làng nhạc tiên phong, nhóm nhận được sự chú ý từ Andy Warhol, người sau đó là quản lý nhóm và đưa nhóm thành "ban nhạc gia đình" trong xưởng phim Factory của mình.
Sau khi rời nhóm, Reed có sự nghiệp solo thành công về thương mại hơn, ra mắt tới 20 album, với một số được coi là tạo bước ngoặt cho nhạc rock. Ông đã đóng góp cho nền âm nhạc 2 cách diễn giải về các nhà văn thế kỷ 19, 1 trong số đó được phát triển thành album The Raven. Ông mất năm 2013 vì bệnh gan. Reed được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll 2 lần: 1 với tư cách thành viên The Velvet Underground vào năm 1996 và 1 với tư cách nghệ sĩ solo vào năm 2015. Năm 2023, Rolling Stone xếp ông đứng thứ 107 trong danh sách 200 Giọng ca vĩ đại nhất mọi thời đại. Bản thân ca khúc Walk On The Wild Side được Rolling Stone xếp thứ 180 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất