21/10/2023 08:50 GMT+7 | Giải trí
"Tiếng hát của thời đại" Nina Simone từng không ưa những ca khúc phản kháng. Trong tự truyện I Put A Spell On You, bà thẳng thằng rằng đó là "khía cạnh âm nhạc mà tôi tránh xa". Nhưng một chuyện xảy ra đã khiến bà thay đổi hoàn toàn.
Và lần này, một khi cất lên tiếng hát phản kháng, bà khiến cho không ít người sững sờ, câm bặt.
Tức nước vỡ bờ
Trước năm 1963, có nhiều lý lẽ Nina Simone đưa ra để tránh xa những ca khúc phản kháng. Một phần, thực trạng "các hộp đêm bẩn thỉu, thu âm bẩn thỉu, nhạc đại chúng bẩn thỉu" khiến bà thấy "trộn tất cả những thứ đó với chính trị dường như là vô nghĩa và hạ thấp phẩm giá". Phần khác, đúng với tư chất nghệ sĩ thiên tài, bà "không thích âm nhạc phản kháng phần lớn là vì nó quá đơn giản và thiếu sức tưởng tượng. Nó tước đi phẩm giá của những người mà nó đang tôn vinh".
Thế nhưng, có những chuyện xảy ra khiến mọi lý lẽ cũng phải lặng đi trước sự gào thét của tâm hồn.
Đó là một Chủ nhật đẫm máu ở Birmingham, Alabama (Mỹ), ngày 15/9/1963. Bốn bé gái da đen đã chết vào ngày đó, trong vụ tấn công khủng bố của những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, sau này được gọi là vụ đánh bom nhà thờ Baptist đường 16. Chưa dừng lại ở đó, nhà hoạt động nhân quyền, thành viên NAACP (Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu) Medgar Evers, bị bắn chết gần đó ở Mississippi.
Những thảm kịch khiến Simone như hóa điên. "Ban đầu, tôi cố tự làm một khẩu súng. Tôi đã kiếm được vài bộ phận. Tôi định hạ gục một trong số chúng, bất biết đó là kẻ nào" - Simone kể về phản ứng của bà sau khi biết vụ đánh bom Birmingham - "Rồi Andy, chồng tôi khi đó, nói với tôi, "Nina, em không được giết người. Em là một nhạc sĩ. Hãy làm điều em vẫn làm".
Từng đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào có thể lấy hết được ký ức về một người đàn ông như Medgar Evers, giảm tất cả xuống còn 3 phút rưỡi và một giai điệu đơn giản", thế nhưng, "vụ đánh bom nhà thờ Alabama và ám sát Medgar Evers đã chặn đứng mọi lập luận và với Mississippi Goddam, tôi nhận ra mình không thể quay đầu lại", như bà viết trong tiểu sử.
Thế là, bà ngồi xuống, "vũ khí hóa" chính âm nhạc của mình. Mississippi Goddam tự phát bật ra nhanh tới mức bà viết không kịp. Bà viết không ngừng, và chỉ sau không đầy 1 tiếng, khi đứng dậy, một kiệt tác phản kháng đã ra đời. Đó là ca khúc dân quyền đầu tiên của Nina Simone.
"Alabma khiến tôi suy sụp/ Tennessee khiến tôi trằn trọc/ Và mọi người đều biết về Mississippi chết tiệt" - Simone hát trong những dòng mở đầu. Với bà, ca khúc "như bắn 10 phát đạn" vào 4 thành viên Ku Klux Klan đã đặt thuốc nổ.
Trong Mississippi Goddam, bà cũng tức tối lên án sự chậm chạp trong tốc độ thay đổi và công lý ở Mỹ: "Tôi không tin các người nữa/ Các người cứ nói: Chậm thôi!/ Chậm thôi!/ Nhưng đó chính là vấn đề". Ngoài ra, còn có những lo ngại quanh hệ thống pháp lý hình sự thiên vị, có thể dễ dàng chuyển thành bất công chủng tộc mà ngày nay vẫn là vấn nạn: "Chó săn lùng theo dấu vết của tôi/ Học sinh ngồi tù/ Lũ mèo đen băng ngang đường/ Tôi nghĩ mỗi ngày giống như ngày cuối cùng của mình".
Màn biểu diễn “Mississippi Goddam” của Nina Simone tại Carnegie Hall
Công lý thật sự tới rất chậm với các nạn nhân và cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi vụ đánh bom. Một trong những thủ phạm mãi 14 năm sau mới bị kết án và 2 kẻ khác thì phải 38 năm sau mới bị bỏ tù. Kẻ thứ 4 chết trước khi bị buộc tội.
"Ở Mississippi Goddam, chúng ta có Nina Simone kéo dài từ quá khứ, khơi dậy ở hiện tại, nhưng đồng thời cũng chính là những gì sẽ xảy tới nếu nước Mỹ không thực hiện những thay đổi thật sự về mặt xã hội" - chuyên gia âm nhạc Tammy Kernodle nhận định.
"Theo tôi, nghĩa vụ của một nghệ sĩ là phản ánh thời cuộc. Với tôi, đó là nghĩa vụ của tôi" - nghệ sĩ Nina Simone.
Tự định hình số phận của mình
Một ca khúc phản kháng cần những gì? Tất nhiên, tài năng để đưa ra những vấn đề cấp bách bằng sự sáng suốt và khéo léo. Một chút phong cách riêng cũng cần thiết, để âm nhạc không bị chìm đi trước nội dung. Thế nhưng, có khi, yếu tố chính là phải can đảm thể hiện nó theo cách có thể khiến người nghe đồng lòng hoặc thậm chí là khó chịu. Bằng cách đó, nghệ sĩ buộc người khác phải chú ý tới lời mình nói.
Tất nhiên, Nina Simone không có những lý luận đó trong đầu. Bà chỉ thực hiện tất cả bằng bản năng phản kháng của mình.
Sau khi viết ra bản "cáo trạng" sôi sục nhất, Simone quyết định truyền tải nó theo cách thẳng thừng nhất: Bằng một trong những màn biểu diễn trực tiếp đáng nhớ nhất của bà tại Carnegie Hall, New York vào năm 1964. Với một bản thu trực tiếp, Simone không buồn giấu sự ghê tởm và mỉa mai trong giọng của mình nhưng hơn thế, nó còn vô tình tiết lộ tác động của Mississippi Goddam lên khán giả - những người chưa được chuẩn bị cho điều này.
Trong một hòa nhạc mà mọi người đều đang thư thái hưởng thụ, giai điệu nhanh, tiếng đàn sôi động mở đầu đầy lạc quan sẽ không làm ai nghĩ ngợi gì. Thế nên, khi Simone giới thiệu trước khi vào ca khúc: "Tên của giai điệu này là Mississippi Goddam (Mississippi chết tiệt) và tôi thật sự có ý đó trong từng từ", đám đông đã cười rộ lên.
Thế nhưng, khi từng lời buộc tội lần lượt được đưa ra, không khí dần trầm trọng. Vào giữa màn biểu diễn, khi bà hướng sang đám đông một lần nữa và hỏi: "Chắc mọi người nghĩ tôi đang đùa phải không?", câu hỏi của bà chỉ được đáp bằng vài lời thì thầm.
Trong khoảnh khắc kết thúc ca khúc, Simone gạt đi mọi sự mập mờ, gọi thẳng đám đông bà đang nói chuyện là những kẻ dối trá và tiên tri về sự diệt vong của họ. Khi Simone hét lên tiếng "chết tiệt" cuối cùng, pha trộn giữa thích thú và bực tức trong buổi tối định mệnh đó, bà đã khiêu khích, đối đầu. Đó là khoảnh khắc lịch sử của âm nhạc.
Đã có nhiều người lên tiếng phản đối. "Chúng tôi nhận được nhiều thư tín, trong đó họ thật sự đập vỡ bản thu và gửi trả lại công ty thu âm, nói rằng chúng thật tệ" - Simone kể trong phỏng vấn năm 1964 - "Họ đã không nhìn được toàn cảnh".
Nhưng tất nhiên, từng đó sao cản bước được Simone, và thậm chí, chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm trong bà. Trong những năm sau đó, Simone nhiều lần thay đổi câu "Tennessee khiến tôi trằn trọc", biến Mississippi Goddam thành ca khúc phản kháng toàn diện. Cùng năm phát hành 1964, bà đổi thành nó thành "St. Augustine khiến tôi trằn trọc" để vinh danh phong trào dân quyền đang diễn ra ở thành phố của bang Florida. Một năm sau, bà lại hát thành "Selma" sau cuộc đối đầu tàn bạo của cảnh sát với những người tuần hành ôn hòa qua cầu Edmund Pettus ở Alabama vào năm 1965, và vào cuối năm đó là "Watts", khi bạo loạn nổ ra trong 6 ngày ở khu phố ở Los Angeles đó. Simone sau đó rền rĩ "Memphis khiến tôi trằn trọc" khi Martin Luther King bị ám sát ở đó năm 1968.
"Theo tôi, nghĩa vụ của một nghệ sĩ là phản ánh thời cuộc. Với tôi, đó là nghĩa vụ của tôi" - Simone mạnh mẽ lên tiếng - "Vào thời điểm trọng yếu này trong cuộc đời chúng ta, khi mọi thứ đều quá tuyệt vọng, khi mỗi ngày là một vấn đề sống còn, tôi nghĩ chúng ta cần phải tham gia. Chúng ta sẽ định hình và nhào nặn đất nước này. Tôi sẽ không để mình bị nhào nặn và định hình nữa".
Mississippi Goddam được phát hành năm 1964, trong album Nina Simone in Concert. Sau lần này, Nina Simone tiếp tục viết nhiều ca khúc phản kháng nữa, điển hình là Ain't Got No, I Got Life, Four Women và To Be Young, Gifted and Black.
Năm 2019, Mississippi Goddam được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo quản trong Cơ quan Đăng ký Ghi âm Quốc gia vì "có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ".
Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 172 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất