20/08/2023 18:29 GMT+7 | Giải trí
Không thể chê bai Jumpin' Jack Flash lấy một từ! Được tung ra vào thời điểm khẩn yếu nhất, ca khúc đã cứu The Rolling Stones khỏi cuộc khủng hoảng hiện sinh sau khi họ phát hành album Their Satanic Majesties Request (1967). Đây cũng là ca khúc nhóm biểu diễn nhiều nhất với hơn 1.100 lần.
Bắt nguồn từ tiếng ủng cao su của người làm vườn nhà Keith Richards, Jack Flash lại là hiện thân tinh túy nhất cho tinh thần của The Rolling Stones, là một trong những thành tựu lớn nhất của nhóm nhạc vốn ngập tràn đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp.
The Rolling Stones lạc lối
Có rất nhiều điều có thể xảy ra trong 1 năm. Vào năm 1967, mùa Hè tình yêu nở bung với đủ sắc màu rực rỡ, như kính vạn hoa ảo giác, phản ánh trong những ca khúc có kết cấu phức tạp và siêu thực. Jefferson Airplane, Pink Floyd, The Byrds, The Grateful Dead, và Jimi Hendrix đều lao vào cuộc phiêu lưu âm thanh ảo giác năm đó, trong khi The Bealtes tạo ra đỉnh cao của nhạc psychedelic với album Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band.
The Rolling Stones cũng không nằm ngoài cuộc. Vào năm 1967, giai điệu pop baroque tuyệt đẹp của họ giữa thập niên 1960 đã được mở rộng, mang tính thử nghiệm hơn. Điều này đã dẫn tới album Their Satanic Majesties Request vào tháng 12, lần đầu tiên đi sâu vào nhạc psychedellic, vô cùng công phu và bắt kịp thời đại.
Sau đó, sự lạc quan không tưởng của phong trào hòa bình đã bị bầu không khí tăm tối năm 1968 lấn át, và âm nhạc cũng vậy. Album John Wesley Harding của Bob Dylan, phát hành ít ngày trước khi năm 1968 bước sang, với âm thanh đơn giản và thẩm mỹ mộc mạc, là dấu hiệu cho một thời kỳ mới.
Trong những tháng đầu của năm 1968, The Rolling Stones thấy mình rơi vào cảnh mất phương hướng khi lên kế hoạch cho tương lai. Đĩa đơn No.1 gần nhất của họ, Paint It Black, là từ mãi tháng 5/1966. Mặc dù Their Satanic Majesties Request là album ăn khách - và vẫn đáng nghe tới tận bây giờ - sau tất cả, đó không phải là họ, không phải là The Rolling Stones mà khán giả ái mộ.
"Chúng tôi đã làm lố mọi thứ" - Mick Jagger than thở - "Chúng tôi làm lố trên ảnh bìa album. Tôi vẫn nhớ chuyện này. Như kiểu dán giấy vàng rồi đủ thứ ở trường học vậy. Thật là ngốc nghếch. Dù chúng tôi đã có quãng thời gian vui vẻ khi làm nó".
MV cũng vô cùng sôi động của “Jumpin’ Jack Flash”
Không những thế, họ còn mất đi quản lý/nhà sản xuất Andrew Loog Oldham. Do đó, họ tìm tới Jimmy Miller - người mà họ rất ấn tượng. Ngay trong buổi thảo luận đầu tiên, Miller đã khăng khăng loại bỏ toàn bộ nhạc psychedellic và quay trở lại với bản chất của nhóm, với gốc rễ blues đã mang lại vinh quang xứng đáng cho họ bao năm qua.
"Đột nhiên, giữa chúng tôi, ý tưởng mới mẻ bắt đầu nở rộ, luồng gió mới thứ hai này" - Keith Richards nói về sự hào hứng của The Rolling Stones khi quyết định đơn giản hóa âm thanh - "Và nó ngày càng trở nên thú vị hơn".
Cùng nhau, họ tìm cách thoát ra khỏi ảo giác và về với gốc rễ chân thực của mình. Jumpin' Jack Flash sinh ra trong hoàn cảnh như vậy.
"Tôi thấy như cả nhóm bay lên sau lưng mỗi lần tôi chơi Jumpin' Jack Flash, như một món gia tăng tốc lực" - Keith Richards (nhóm The Rolling Stones).
Hơn cả ngày xưa
Một đêm nọ, trong buổi tập ở phòng thu RG Jones ở Morden, Surrey (Anh), chỉ có 3 thành viên The Rolling Stones đến đúng giờ. Brian Jones, Bill Wyman và Charlies Watts quyết định chơi nhạc ngẫu hứng trong lúc chờ Richards và Jagger.
Khi Wyman chơi đoạn riff mới khá lạ tai trên dương cầm, Watts và Jones liền hòa theo. "Nghe có vẻ hay và cứng cỏi" - Wyman nhớ lại. Đúng lúc đó, Jagger và Richards bước vào, vội nói: "Chơi tiếp đi và đừng quên. Nghe tuyệt quá!"
Richards cũng không quên. Giai điệu đó đã trở lại với ông vào một tinh mơ ẩm ướt ít lâu sau. Khi đó, ông và Jagger đang thơ thẩn tại Redlands, ngôi nhà đồng quê của ông ở Tây Sussex. Hai người đã thức cả đêm và ngoài trời đang mưa. Jagger đang gà gật thì âm thanh thay đổi lịch sử vang lên.
"Có tiếng ủng cao su nặng nề nện gần cửa sổ. Nó là từ người làm vườn của tôi, Jack Dyer, một người nhà quê thực thụ ở Sussex" - Richards kể lại - "Nó đánh thức Mick (Jagger) dậy. Cậu ấy hỏi: "Cái gì đấy?" Tôi đáp: "À, là Jack. Là Jack đang nhảy (Jumping Jack)"".
Thế là, Richards liền cầm guitar lên, bắt đầu sáng tác quanh cụm từ "jumping Jack". Jagger bắt nhịp, buột miệng nói từ "Flash". Đột nhiên, họ có được tiêu đề cho ca khúc mới, ghép nó với giai điệu tuyệt vời mà 3 thành viên còn lại nghĩ ra trước đó.
Vào tháng 4, họ trở lại phòng thu và ghi âm Jumpin' Jack Flash "theo cách đặc biệt nhất"- như Jagger nhận xét - "Chúng tôi thu âm Keith (Richards) và Charlie Watts trên băng cát-xét, rồi đặt băng cát-xét lên nhiều rãnh để tạo độ méo".
"Tôi đã phát hiện ra âm thanh mới có thể phát ra từ một cây guitar acoustic" - Richards giải thích - "Làm quá tải máy cát-xét Philips đến mức biến dạng khi phát lại, tạo hiệu ứng như guitar điện. Sử dụng máy cát-xét như bộ cảm ứng và bộ khuếch đại cùng lúc… Trong phòng thu, tôi cắm cát-xét vào loa và đặt micro trước loa, để tạo ra chiều sâu và rộng hơn, rồi ghi vào băng… Cả nhóm đều nghĩ tôi điên nhưng vẫn chiều ý. Nhưng tôi biết âm thanh tạo ra sẽ thế nào".
Ngoài ra, Richards còn chồng nhiều lớp guitar - một chơi với âm Mi mở cùng capo, và một chơi theo lối Nashville - để tô điểm cho tiếng trống của Watts. Tất cả sự thô mộc trong âm nhạc này như được khuếch đại trong giọng hát chói tai của Jagger - một trong những âm thanh của niềm vui thuần túy ít ỏi còn sót lại.
Cũng giống như sự bùng nổ về văn hóa ở thập niên 1960 đã cho thế hệ mới cơ hội thoát khỏi tình trạng thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến, Jumpin' Jack Flash giải phóng The Rolling Stones khỏi quá khứ ảo giác gần đây. Ca khúc lập tức vươn lên thẳng đầu BXH Anh (cũng như ở Mỹ, Australia, Đức và Hà Lan) khi người hâm mộ hò reo chào đón sự trở lại với âm thanh nguyên bản của The Rolling Stones. "Đó là về quãng thời gian khó khăn và giờ thì thoát ra khỏi nó" - Jagger nói - "Một phép ẩn dụ về việc thoát khỏi mọi thứ lố quá đà".
Vào ngày 12/5/1968, 2 tuần trước khi Jumpin' Jack Flash chính thức được phát hành dưới dạng đĩa đơn độc lập, The Rolling Stone đã lần đầu biểu diễn ca khúc tại buổi biểu diễn cuối cùng của họ với Brian Jones, ở Empire Pool, Wembley. Nguyên 1 năm sau buổi diễn trực tiếp cuối cùng của nhóm, họ chỉ chơi 2 ca khúc - Jumpin' Jack Flash và Satisfaction - và vô cùng vui mừng cũng như nhẹ nhõm khi ca khúc mới mang tính cách mạng đã gây tác động hơn cả mong đợi. Phóng viên Nick Logan của NME viết bài: "Ta có thể cảm thấy Empire Pool rung chuyển tới tận gốc khi tiếng gầm vang lên. Giống như ngày xưa vậy. Mà thật ra thì còn hơn cả ngày xưa".
Được The Rolling Stones chọn chơi nhiều nhất
Ở tầm vóc chót vót, Jumpin' Jack Flash được rất nhiều nghệ sĩ chọn cover, trong đó có Ananda Shakar, Thelma Houston, Peter Frampton, The Four Tops, Motorhead và Aretha Franklin - phiên bản của "Nữ hoàng nhạc soul" thậm chí do chính Richards sản xuất.
Nó cũng nằm trong số những ca khúc nổi tiếng, dễ nhận biết và được The Rolling Stones chọn chơi nhiều nhất. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Jumpin' Jack Flash đứng thứ 144.
Tới nay, Richards vẫn rất tự hào về đoạn riff của ca khúc. "Khi có được đoạn riff như trong Jumpin' Jack Flash, cảm giác thật phấn khích, một niềm vui sướng tột độ" - ông nói - "Tôi thấy như cả nhóm bay lên sau lưng mỗi lần tôi chơi Jumpin' Jack Flash, như một món gia tăng tốc lực. Ta chỉ cần nhảy vào đoạn riff đó và rồi chính nó sẽ thay đổi ta. Được nhấc bổng lên có lẽ là tương đồng gần nhất với cảm giác khi đó của tôi. Nó là ca khúc mà tôi tìm đến ngay lập tức khi muốn tiệm cận trạng thái Niết bàn".
Thật đáng kinh ngạc khi điều diệu kỳ đó là bắt nguồn từ tiếng chân của người làm vườn! Xin cảm ơn Jack Dyer!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất