Ca khúc 'I'll Take You There': Vườn địa đàng giữa thực tại

14/02/2024 09:07 GMT+7 | Giải trí

Ngày nay, giọng hát của Roebuck "Pops" Staples và 4 người con của ông - Cleotha, Mavis, Parvis và Yvonne - đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ. Với tư cách nhóm nhạc The Staple Singers, gia đình Staples đã tạo nên âm thanh vừa blues, vừa phúc âm lại vừa dân gian, phá vỡ các lằn ranh âm nhạc và truyền cảm hứng cho các nhà vận động xã hội.

Greg Kot - tác giả cuốn sách tiểu sử I'll Take You There: Mavis Staples, the Staple Singers, and the March Up Freedom's Highway về gia đình Staples - nói rằng âm thanh độc đáo đó khởi nguồn từ Pops Staples trên hành trình âm nhạc mà ông muốn truyền lại cho các con cháu.

Nguồn cội phúc âm

"Ông ấy có 1 cây guitar rẻ tiền - chỉ có 4 dây, giống như cây guitar cũ ở tiệm cầm đồ. Nhưng từng ấy dây cũng là đủ để ông chơi 1 điệu và cho mỗi đứa trẻ phần hòa âm dành riêng cho chúng" - tác giả Kot nói - "Có một mối liên kết đặc biệt giữa những người sống bên nhau cả đời, lớn lên cùng nhau, nghe nhau nói, nghe nhau hát lạc điệu, quát tháo vào mặt nhau. Ta biết ngay lập tức cụm từ này đặt ở đâu, âm tiết này sẽ đi tới đâu, một số từ nhất định sẽ phát âm như thế nào. Không thể thay thế nó. Những hòa âm đó sẽ tồn tại suốt đời".

Ca khúc 'I'll Take You There': Vườn địa đàng giữa thực tại - Ảnh 1.

Các thành viên The Staple Singers trên bìa đĩa đơn "I'll Take You There"

Nhưng, như Kot nói, sự thành công của The Staple Singers tới từ sự khác biệt cũng nhiều như sự tương đồng giữa họ. "Phải biết rằng trong nhóm có sự hòa quyện của nhiều thế hệ" - ông nói - "Không còn nghi ngờ gì, Pops là người truyền thống. Ông ấy rất trung thành với nhạc phúc âm. Nhưng ông cũng là người có tư tưởng cởi mở, một phần vì các con ông nghe mọi loại nhạc".

Giống như Sam Cooke, Aretha Franklin hay Al Green, The Staple Singers khởi nguồn từ nhạc phúc âm. Và họ sẽ tiếp tục dùng nhạc phúc âm làm nền tảng cho nhạc pop sau này của mình. Nhưng quá trình chuyển đổi sang pop của The Staple Singers không đơn giản và nhanh chóng như những ngôi sao khác. Nó là một quá trình chậm chạp, từ tốn.

Ca khúc "I'll Take You There" của The Staple Singers

Phúc âm trở thành nhạc truyền tải thông điệp, rồi thành soul, rồi thành pop. Gia đình Staples vẫn giữ chặt nguồn cội như trong máu thịt của mình, đưa nhạc phúc âm vào những giai điệu văn hóa đại chúng tại Mỹ. Mà điển hình chính là I'll Take You There - ca khúc No.1 thuần khiết và trực diện nhất ở Mỹ.

Mavis Staples rất tức giận khi không được ghi nhận là đồng sáng tác I'll Take You There, và đó là một phần lý do nhóm nhạc The Staple Singers rời hãng đĩa Stax năm 1975.

Sự tổng hòa kỳ diệu

Một ca khúc tôn giáo có nhất thiết phải nói về 1 hệ thống tín ngưỡng cụ thể? Nó có cần là lời cầu khẩn các vị thần thánh hay những lời thiêng? Hay chỉ cần đơn giản là ca khúc tưởng tượng về một nơi tốt đẹp hơn, một tương lai tốt đẹp hơn?

I'll Take You There của The Staple Singers không bao giờ đề cập tới bất cứ vị thần hay tín ngưỡng cụ thể nào. Nó chỉ tưởng tượng về một nơi mà mọi thứ tốt đẹp hơn. Đó không phải là nơi tràn sữa và mật, mà là nơi không có ai khóc, không có ai lo lắng, khuôn mặt ai cũng nở nụ cười. Nơi "nói dối về chủng tộc" đã là chuyện quá khứ. Nơi mọi người thoải mái ngồi bên dương cầm, hát vang những giai điệu hạnh phúc. Một tinh thần không thể phúc âm hơn.

Al Bell, phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập Stax - hãng đĩa đã ký hợp đồng với The Staple Singers - được ghi nhận là tác giả duy nhất của I'll Take You There. Theo Bell, ông viết ca khúc giữa lúc tinh thần ảm đạm: Em trai ông bị ám sát ở Little Rock. Sau đám tang, khi ông đang ở sân sau nhà bố mẹ, ca khúc đã tới với ông. Ông sau đó đã cố trang hoàng thêm cho ca từ nhưng không thể nên đã giữ nguyên sự đơn giản ban đầu.

Ca khúc 'I'll Take You There': Vườn địa đàng giữa thực tại - Ảnh 4.

Ở tuổi 84, Mavis Staples vẫn tích cực hoạt động âm nhạc

Mavis Staples lại kể câu chuyện khác. Cô nói cô và Bell đồng sáng tác ca từ trong phòng khách căn hộ của cô ở Chicago. Cô rất tức giận khi không được ghi nhận là đồng sáng tác I'll Take You There, là một phần lý do The Staple Singers rời hãng đĩa Stax năm 1975.

Nhưng dù thế nào đi nữa, Al Bell cũng không viết toàn bộ I'll Take You There. Phần mở đầu của ca khúc tới từ bản nhạc reggae The Liquidator (1969) của Harry J Allstars. Bell đã mua The Liquidator ở Jamaica. Khi sản xuất I'll Take You There, ông đã bật The Liquidator cho các nhạc công của The Muscle Shoals Rhythm Section - một trong những nhóm nhạc phòng thu vĩ đại nhất mọi thời đại.

The Muscle Shoals Rhythm Section không biết The Liquidator là bản thu âm của người khác. Họ tưởng đó chỉ là bản demo của Bell. Họ đã trộn những dòng bass đậm tính reggae với giai điệu soul miền Nam vô cùng sôi động. Nhạc reggae khi đó đã tìm được đường tới Mỹ. Đĩa đơn năm 1969 Israelites của Desmond Dekker khi đó đã đạt tới No.9 nhưng I'll Take You There có lẽ là đĩa đơn mang âm hưởng reggae đầu tiên đạt tới No.1 ở Mỹ.

Đây là một trong những ví dụ sáng chói về thành công của The Muscle Shoals Rhythm Section. Bản thân ca khúc chỉ là một giai điệu gọi - đáp đơn giản, không có phiên khúc hay điệp khúc, càng giúp nhóm nhạc thu âm thỏa sức phiêu. Họ chơi vừa chặt chẽ, kỷ luật lại vừa bồng bềnh, tự do.

I'll Take You There cũng là màn giới thiệu Mavis tuyệt vời với thế giới. Dù là một phần của The Staple Singer, trong hầu hết các ca khúc trước đó, cô chỉ đảm nhận phần ứng tác, hỗ trợ. Giờ đây, khi thời cơ chín muồi, cô vừa phô hết sức mạnh giọng ca, tự tin nắm quyền, lại có lúc như ngồi lại tận hưởng. Trên nền âm nhạc tuyệt đẹp của The Muscle Shoals Rhythm, cô đã ứng tác nhiều ca từ ngay tại chỗ (có 1 bản thu ca khúc được cho là lên tới 30 phút). "Âm nhạc đó thật tuyệt vời với tôi" - cô nhớ lại - "Tôi chìm ngay vào nó".

Thời điểm I'll Take You There ra đời, các cuộc đấu tranh dân quyền ở Mỹ đang sôi sục, sau nhiều vụ ám sát, bao gồm người bạn của gia đình Staples là Martin Luther King, Jr. Dù vậy, ca khúc vẫn hướng về những tưởng tượng tươi sáng nhất. Có một sự táo bạo tuyệt đẹp trong hình ảnh đó - chính sự táo bạo đã tạo ra sức mạnh âm nhạc phúc âm kể từ trước khi ngành công nghiệp ghi âm ra đời. Ngay cả khi có ai chỉ trích nó không thuần túy phúc âm, I'll Take You There vẫn làm được điều kỳ điệu của dòng nhạc đó: Tổng hòa kỳ diệu giữa nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ để vẽ nên thế giới Utopia (không tưởng) dù không thật về vật chất nhưng có sức mạnh vô song về tinh thần.

Năm tháng trôi qua, I'll Take You There càng chứng tỏ sức mạnh âm nhạc và thông điệp của mình khi vẫn liên quan tới hiện tại, giúp nâng đỡ tinh thần mọi người. Trên danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, I'll Take You There được xếp thứ 186.

Vài nét về nhóm nhạc The Staple Singers

Nhóm nhạc The Staple Singers là sáng tạo của Roebuck "Pops" Staples. Pops, sinh năm 1914, là con út trong gia đình có 14 con, lớn lên ở một đồn điền trồng bông tại Mississippi. Pops nghỉ học từ năm lớp 8 và thời thanh niên, ông thường chơi với các nghệ sĩ blues như Charlie Patton và Robert Johnson. Năm 21 tuổi, ông chuyển gia đình mình tới Chicago, làm việc trong nhà máy thép và các bãi chăn nuôi.

Năm 1948, The Staple Singers - gồm Pop, vợ ông Oceola, ba trong số bốn con của họ - bắt đầu hát trong nhà thờ Mount Zion ở Chicago, nơi anh trai Chester của Pops là mục sư. Mavis, con út của họ, khi đó khoảng 11 tuổi.

The Staples Singers bắt đầu thu âm vào năm 1952, với nhiều hãng đĩa khác nhau. Ban đầu, họ tạo nên âm thanh phúc âm thuần túy, thu hút trí tưởng tượng của người nghe. The Rolling Stones từng chuyển thể ca khúc This May Be The Last Time (1955) của họ thành ca khúc The Last Times (1965), được đánh giá cao. Bob Dylan sau đó bày tỏ sự mê đắm với ca khúc phúc âm truyền thống Uncloudy Day (1956) của họ, vốn được Mavis nhỏ bé hát chính.

Năm 1965, The Staple Singers chuyển qua hãng đĩa lớn Epic Records, nơi họ thu âm album đình đám về những vấn đề xã hội là Freedom Highway. Từ đó, họ bắt đầu cover những ca khúc nổi tiếng như For What It's Worth của Buffalo Springfield, làm mờ ranh giới giữa nhạc phúc âm với nhạc thế tục.

Trong sự nghiệp của mình, The Staple Singers đã phát hành 17 album. Họ được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1999 và Đại sảnh Danh vọng Phúc âm năm 2018.

Dù đã tan rã từ năm 1999, các thành viên vẫn hoạt động solo tích cực.

Tới nay, nhiều thành viên nhóm đã qua đời do tuổi cao sức yếu, chỉ có Mavis còn sống. Dù đã 84 tuổi, Mavis vẫn tiếp tục phát huy tài năng và âm thanh tiêu biểu của gia đình. Cô từng xuất hiện ở Glastobury năm 2015 và 2019. Mới nhất, năm 2022, Mavis vừa phát hành album Carry Me Home, cộng tác với Levon Helm.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm