29/05/2022 19:15 GMT+7 | Giải trí
The Rolling Stones sắp đạt tới đỉnh cao sáng tạo vào năm 1969. Ban nhạc đã tung cánh tự do trong bầu trời âm nhạc những năm 1960 và sẽ khép lại thập kỷ trong tư thế nhóm nhạc tiên tiến bậc nhất hành tinh.
Ca khúc Gimme Shelter (Cho tôi nơi trú ẩn) được viết cho album Let It Bleed, với sự hỗ trợ của giọng hát đệm vĩ đại nhất mọi thời đại Merry Clayton, tiêu biểu cho tất cả tinh thần đó.
1. Điều không ai muốn, nhưng đã trở thành một phần không thể tách rời của Gimme Shelter, là những nỗi đau khủng khiếp trong quá trình phát triển ca khúc và cả nhiều năm sau khi nó được phát hành.
Gimme Shelter là ca khúc hiếm hoi có thể điển hình cho ban nhạc vĩ đại The Rolling Stones. Âm bội (tức âm phụ của một âm cơ bản do hiện tượng cộng hưởng tạo nên) tăm tối và nguy hiểm phản ánh đúng hình ảnh họ tạo tác cho mình. Bay bổng với âm thanh dàn nhạc, ca khúc là dấu ấn của The Stones trong tương lai, loại cocktail hảo hạng mà chỉ riêng họ pha chế được.
Được nhớ như một trong những khoảnh khắc vinh quang nhất của The Stones, ca khúc khởi đầu từ vực sâu nghi ngờ và ghê tởm mà tay guitar Keith Richards mắc kẹt sau khi thấy bạn gái lúc bấy giờ Anita Pallenberg (người Richards mới giành được từ tay Brian Jones không lâu trước đó) diễn tập cảnh ân ái với Mick Jagger - giọng ca The Stones - cho bộ phim điện ảnh đầu tay sắp ra mắt của anh.
“Đôi khi ta gặp may mắn” - Richards nói về ca khúc hay nhất mình từng viết. “Đó là một ngày thảm hại. Tôi chẳng biết làm gì hơn”. Cầm cây đàn lang thang giữa căn hộ tráng lệ của Robert Fraser ở Mayfair, với trang trí nào đầu lâu Tây Tạng, nghệ thuật Mật tông, thảm Ma-rốc, cùng với (có vẻ là) một lượng lớn thuốc đã hít vào, giữa London một ngày bão đang kéo tới khiến mọi người nhao đi tìm chỗ trú, Keiths bật lên những hợp âm thương hiệu của mình, miệng lẩm bẩm: “Ôi cơn bão đang đe dọa cuộc đời tôi hôm nay. Nếu chẳng có được một nơi trú ẩn, tôi sẽ biến mất…” Và cứ thế, những dòng sôi sục tình dục bỏng rẫy và tình bạn âm hiểm tuôn ra.
Thế nhưng, sáu tháng sau, khi The Stones tập hợp lại để làm album mới, Let It Bleed, ca khúc thất tình của Keiths lại được chính Mick Jagger đưa lên một đỉnh cao khác hẳn, thứ sau này sẽ đại diện cho mọi thứ mà The Stones được tôn vinh: Ban nhạc rock ‘n’ roll vĩ đại nhất, huyền thoại nhất, táo bạo nhất, tinh vi nhất, đen tối, xấu xa nhưng quyến rũ và thú vị nhất thế giới.
Giữa giai đoạn hỗn loạn nhất của nhóm - Jones chết ở bể bơi sau khi bị tống khỏi nhóm, chuyến lưu diễn đầu tiên tại Mỹ trong ba năm, đang nằm giữa nấm mồ sự nghiệp khi album Their Satanic Majesties Request (1967) bị chỉ trích gay gắt - thì Jagger đã hướng Gimme Shelter tới nỗi đau lớn nhất khi đó: Chiến tranh Việt Nam.
“Đó là thời kỳ vô cùng khốc liệt, bạo lực. Chiến tranh Việt Nam. Bạo lực trên tivi, cướp bóc và đốt phá. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam không phải cuộc chiến tranh mà chúng ta vẫn biết theo nghĩa thông thường. Ở Việt Nam không giống như Thế chiến II, không giống như ở Hàn Quốc hay vùng Vịnh. Đó là một cuộc chiến thật sự xấu xa và mọi người căm thù nó. Mọi người phản đối, không muốn cuộc chiến này. Đây thật sự là ca khúc của ngày tận thế. Một khúc khải huyền, toàn bộ là như vậy” - Jagger nói trong phỏng vấn năm 1995 với Rolling Stone.
Như vậy, cơn bão lòng của một cá nhân chán chường đã trở thành bão lốc lịch sử - nơi trẻ em, phụ nữ gào khóc xin một nơi trú ẩn để trốn khỏi tội ác không thể biện minh của loài người.
2. Khi Gimme Shelter đã thành hình trên bản nhạc và The Stones sẵn sàng bùng cháy cùng ca khúc, nhà sản xuất Jimmy Miller và Jagger vẫn thấy thiếu vắng điều gì đó.
“Khi chúng tôi tới Los Angeles và đang mix ca khúc, chúng tôi đã nghĩ: Sẽ thật tuyệt nếu có một phụ nữ bước vào và hát phiên khúc hay điệp khúc hay bất cứ mọi người gọi rape/murder (hiếp/giết)” - Jagger nhớ lại - “Chúng tôi ngẫu nhiên gọi cho người phụ nữ tội nghiệp này vào nửa đêm và và cô ấy tới với mái tóc còn đang cuốn lô và thu âm một hay hai lần, điều thật tuyệt vời. Cô ấy bước vào và rung chuyển đoạn ca từ khá lạ này. Đó không phải kiểu ca từ mà ta hay đưa cho người khác - “hiếp/ giết/ một cú thổi tung” - nhưng cô ấy thật sự nhập tâm, mọi người có thể nghe trong bản thu”.
Người mà Jagger nói tới là Merry Clayton, khi đó mới 20 tuổi nhưng đã gây dựng danh tiếng với loạt ca khúc song ca hay hát đệm cho Ray Charles, Burt Bacharach, Elvis Presley cùng nhiều nghệ sĩ đình đám nhất.
Clayton đã tới phòng thu vào nửa đêm, với chiếc bụng bầu lớn, mà không nghĩ nhiều xem ban nhạc này là ai, ca khúc thế nào hay đoạn mà cô phải hát. “Tôi phản ứng kiểu: hiếp, giết? Các anh chắc là muốn tôi hát những lời này? Anh ta chỉ cười. Anh ta và Keith” - Clayton kể.
Thật ra, ban đầu cô cũng khá băn khoăn xem có nên tới. “Tôi đang ở nhà và lúc đó cũng gần 12h đêm rồi. Tôi ngồi trên giường với chồng, đang bầu nặng nề, và nhận được cuộc gọi từ nhà sản xuất, người bạn thân thiết của tôi, Jack Nitzsche. Jack Nitzsche nói: Merry, có bận không? Tôi nói không, chỉ đang ở trên giường. Anh ấy nói: Ồ, có vài anh chàng từ Anh tới. Và họ cần có người tới hát chung với họ, nhưng tôi không biết nhờ ai bây giờ. Cô tới được không?”.
Chồng Clayton nghe thấy liền phản ứng. “Khi đó, chồng tôi giật lấy điện thoại trên tay tôi và giận dữ nói: Đang nửa đêm và anh gọi Merry tới thu âm? Anh biết cô ấy đang mang bầu mà! Nhưng Nitzsche đã lôi kéo được chồng tôi về phe mình. Cuối cùng, anh thuyết phục tôi: Bạn thân mến ơi, cô thật sự nên tới và thu vụ này” - Clayton kể tiếp.
Điều mà Clayton cống hiến trong Gimme Shelter đã được lịch sử ghi nhận. Nhưng bi kịch phía sau nó mãi sau này mới được tiết lộ: Rời buổi thu âm, khi trở về nhà, Clayton bị sảy thai.
Nhiều người cho rằng buổi thu chính là nguyên nhân của mất mát không thể bù đắp này. Sự căng thẳng tinh thần, cường độ làm việc cùng khung thời gian vào nửa đêm đã ảnh hưởng mạnh tới Clayton và em bé của cô. Nỗi đau quá lớn khiến nhiều năm sau Clayton khó có thể nghe ca khúc, đừng nói tới việc hát nó. Cô đã mất đi điều vô cùng quan trọng trong đời mình và ý nghĩ rằng cô hi sinh nó chỉ vì một ca khúc pop là điều không thể chịu nổi. May mắn, nhờ được hỗ trợ tận tình, cô đã vượt qua thời gian đau đớn đó.
Năm 1986, 17 năm sau buổi thu âm đó, cô nói với Los Angeles Times: “Đó là giai đoạn vô cùng tăm tối với tôi, nhưng Chúa đã cho tôi sức mạnh để vượt qua. Tôi đã xoay chuyển nó. Tôi coi đó như cuộc sống, tình yêu và năng lượng, và chuyển nó sang hướng khác. Thế nên, giờ tôi không còn bận tâm khi hát Gimme Shelter. Cuộc sống rất ngắn ngủi và tôi không thể sống mãi trong quá khứ”.
Có những nỗi đau không thể bù đắp nhưng ký ức về nó có thể là sức mạnh để ta bước tiếp mạnh mẽ hơn.
Dư âm “Gimme Shelter” Gimme Shelter được chơi trong rất nhiều bộ phim lớn, trong đó có ba phim của Martin Scorsese, và đặc biệt là những bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Khi ca khúc ra mắt, nhiều nhà phê bình đã hết lời ca ngợi rằng The Stone “chưa bao giờ sáng tạo nên gì hay hơn thế”. Theo thời gian, Gimme Shelter được xếp trong nhiều danh sách nhạc vĩ đại mọi thời đại, trong đó có No.13 ở 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Merry Clayton tới nay vẫn hoạt động tích cực, được ghi nhận bởi những đóng góp lớn cho ngành công nghiệp âm nhạc. Bà cùng chồng có thêm một người con nữa là Kevin Amy, hiện cũng đang hoạt động âm nhạc. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất