Khó khăn kế tiếp là đạo diễn - một người không hề biết tiếng Việt, chứ không phải nói tiếng Việt lưu loát như ông bạn chủ đầu tư Dominic Scriven - sẽ làm việc ra sao với diễn viên Việt Nam, lời thoại tiếng Việt, câu chuyện Việt Nam, tinh thần ViệtNam, tác phong suy nghĩ của người Việt, hiểu như thế nào về cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của người Việt...?
Cuộc chiến của bên nào, hỉ có bên đó mới có thể đi đến tận cùng bằng một bộ phim hay. Đơn cử trước đây chúng ta đã có Cánh đồng hoang, Hàn Quốc có Cờ bay phấp phới, Trung Quốc có Lệnh triệu tập, Pháp có Chúc mừng Giáng sinh, Bosnia có Vùng đất không người... Điện ảnh Mỹ luôn tự hào làm thành công mọi thể loại phim, nhưng với phim chiến tranh, họ chỉ thật sự thành công khi làm về những vấn đề của chính nước Mỹ như: Trung đội, Sinh ngày 4/ 7, Tổn thất chiến tranh... Chỉ có một ngoại lệ hiếm hoi cách đây 2 năm, Clint Eastwood đã rất thành công với một bộ phim về cuộc chiến của người Nhật, Những cánh thư từ Iwo Jima. Nhưng trên thế giới này có bao nhiêu Clint Eastwood? Đó là chưa kể đến việc người Mỹ hay có thói quen đổi nội dung tác phẩm văn học thành một kịch bản với nội dung khác, thậm chí khác hoàn toàn. Việc thay đổi này nhằm để tránh những vấn đề nhạy cảm, hoặc chủ yếu để phục vụ theo cách nhìn có lợi của khán giả Mỹ. Đơn cử một ví dụ rõ nhất. Tiểu thuyết nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng khi được đưa lên màn ảnh lần đầu ở thập niên 1950. Một đạo diễn tầm cỡ như Joseph Mankiewicz (phim Cleopatra) mà còn “xoay” kịch bản 180 độ, biến nhân vật chính Alden Pyle- một kẻ nham hiểm tàn độc như trong tiểu thuyết gốc - trở thành một người hùng của nước Mỹ ! Tầm cỡ lớn như tiểu thuyết gia Graham Greene, mà còn bị qua mặt như vậy huống hồ người khác!
Một điều dễ nhận thấy trong chuyện này, cách làm việc của chúng ta vẫn còn rất nghiệp dư. Nhà văn Bảo Ninh đã bán (bản quyền) tác phẩm của mình dễ dãi, đơn giản theo kiểu thuận mua vừa bán, hoặc là có người quan tâm đến nó là tốt rồi! Lẽ ra, như các nước khác, khi bán quyền chuyển thể một cuốn sách thành phim, tiền chỉ là một phần trong bản hợp đồng, mà bên cạnh đó là hàng loạt những điều kiện đi kèm theo. Giả dụ như trường hợp của các tác phẩm lừng danh như:
Da Vinci code hay
Harry Potter... khi được chuyển thành phim, các tác giả Dan Brown hay bà Rowling đều có tiếng nói trong việc: hãng nào sản xuất, nhà sản xuất là ai, ai viết kịch bản, đạo diễn có tên tuổi thế nào, diễn viên là những ai - có phải là ngôi sao không, có đúng như tác giả hình dung không... Thật ra những đòi hỏi này là hợp lý bởi đó là trách nhiệm của các tác giả với đứa con yêu dấu của mình. Họ không cho phép ai muốn nhào nặn, muốn tô vẽ, muốn thay đổi hình hài hay muốn làm sao thì làm!
Sẽ có người nói, văn học đương đại Việt Nam còn quá nhỏ bé, chưa đủ tư cách để đòi hỏi điều kiện này nọ. Điều đó đúng với đa số còn lại, nhưng là ngoại lệ với NBCT - đó là một tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đã được thừa nhận ở quốc tế. So với những tiểu thuyết cùng thể loại đã đạt thành công lớn khi chuyển thể trên màn ảnh: Mặt trận miền Tây yên tĩnh đoạt giải Oscar 1930, Chuông nguyện hồn ai đề cử 9 giải Oscar 1943, Heart Of Darkness sau này lên màn ảnh chính là kiệt tác Apocalypse Now (Ngày tận thế) của F.F.Coppola đã đoạt giải Cành cọ Vàng 1979..., có thể ước mơ có hơi quá tầm, nhưng xét ra NBCT cũng hoàn toàn xứng đáng được trân trọng như vậy!
Nếu nói Nicolas Simon sẽ biến NBCT thành một bộ phim dở thì quả là võ đoán và hơi cực đoan khi dự án chưa bấm máy. Nhưng với tất cả những gì đã và đang diễn ra, tất cả dự báo cho thấy một tiền đồ không sáng sủa của bộ phim. Sự rút lui của Bảo Ninh - dù là muộn màng, nhưng cũng là một sự phản kháng cần thiết đối với nhà sản xuất! Nói đi cũng phải nói lại, xét trên bình diện quốc gia hiện nay, chưa thấy có một đạo diễn nào ở Việt Nam đủ tài và đủ tầm để làm bộ phim về chính cuộc chiến mà chúng ta là một nhân vật chính. Nhìn rộng ra một chút, người có đủ tài năng, uy tín và tầm ảnh hưởng quốc tế, đủ sức cáng đáng nổi một dự án nhiều tham vọng như NBCT, có lẽ chỉ là một cái tên: Đạo diễn Trần Anh Hùng!
NBCT lên màn ảnh, đó là một tin vui. Nhưng chúng ta phải nhớ, hơn 30 năm nay văn học Việt Nam mới có một tác phẩm văn học có tiếng vang thế giới như NBCT. NBCT lên phim chỉ có một con đường duy nhất là phải thành công. Nếu thất bại, bộ phim sẽ kết liễu tiểu thuyết NBCT trong nỗi buồn, và rất khó có cơ hội làm lại bộ phim lần nữa!
Cương Thi