05/09/2021 19:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - PGS-TS Bùi Mạnh Nhị từng có tác phẩm trong các sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, lớp 7 và lớp 10 nâng cao từ năm 2006. Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ở các bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống, Cánh diều ông đều có trang tác giả.
Ở sách Ngữ văn 6 tập 1 bộ Cánh diều, văn Bùi Mạnh Nhi được dạy ở bài số 4 Văn bản nghị luận, với tên gọi Thánh Gióng - Tượng đài vĩnh cửu về lòng yêu nước.
Năm 1992 khi còn là nghiên cứu sinh ở Nga, luận văn phó tiến sĩ của thầy Bùi Mạnh Nhị, giảng viên ĐHSP TP.HCM được nhà Việt Nam học người nga GS-TS N.I.Nhikulin đánh giá là “một công trình không chỉ của một nhà khoa học folklore, tác giả cuốn giáo trình về folklore cho sinh viên đại học mà còn là của một con người có tâm hồn của một nhà thơ, có một mẫn cảm thơ ca tinh tế đối với ngôn từ nghệ thuật” (báo Sài Gòn Giải phóng, 7/11/1996).
Thầy Bùi Mạnh Nhị tiếp tục nghiên cứu sâu hơn văn học dân gian, vẫn ở Nga và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học và ngày 30/10/1995 là ngày “… lần đầu tiên một luận án tiến sĩ về folklore đã được bảo vệ ở Nga (và cả Liên Xô cũ) bởi một nhà khoa học Việt Nam” - cũng theo GS-TS N.I.Nhikulin.
Có nhiều tri thức, nhiều chuyện hay hấp dẫn học sinh
Trong bài Thánh Gióng - Tượng đài vĩnh cửu về lòng yêu nước đã nói trên, tác giả Bùi Mạnh Nhị phân tích truyền thuyết Thánh Gióng. Các nhà biên soạn giáo khoa dùng văn bản nghị luận của tác giả Bùi Mạnh Nhị giúp học sinh tiếp tục khám phá vẻ đẹp sử thi của truyền thuyết Thánh Gióng mà các em đã học ngay trong bài số 1, đồng thời qua văn bản này tìm hiểu thế nào là một bài nghị luận văn học.
Nhìn lướt văn bản hiện trên 3 trang in màu, rất bắt mắt và tiện dụng với các em: 8 câu hỏi tìm hiểu bài, đi liền bên 8 phần văn bản có vấn đề cần tìm hiểu. Và xin lưu ý văn bản này có tới 8 dấu lửng đóng khung - […]! Công việc biên soạn từ nguyên văn hơn 4.000 âm tiết lấy từ sách Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường (NXB Giáo dục Việt Nam, 2012) đưa vào Ngữ văn 6 chỉ khoảng 800 âm tiết khiến bài có phần “đứt đoạn” như thế, và theo người viết bài, nếu bỏ được những dấu đứt đoạn này thì hay hơn, đỡ rối mắt, rối trí học sinh.
Nhưng trong thực tế sách đã vào trường từ năm học 2021 - 2022 này thì những dấu chấm lửng đóng khung lại như là sự nhắc nhở, những ai muốn dạy hay, học giỏi bài này, rất nên tham khảo nguyên bản. Có nhiều tri thức, nhiều chuyện hay hấp dẫn học sinh trong đó. Như, tên Thánh Gióng rất đời vì gióng là “gióng tre” trong lũy tre, bụi tre, cây tre; gióng là “gióng trống” - “đánh mạnh và liên tục thành từng hồi”; gióng là thúc ngựa đi…; gióng là... những phương ngữ học sinh tìm thêm trong giờ học.
Lại còn chuyện “Trong lễ hội có 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân”, “Hội Gióng như là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa”, nghĩa là từ rất xưa các vở “thực cảnh” đã có ở Việt Nam.
Bằng liên văn bản từ bài 1 tới bài 4, tri thức về thể loại truyện được nâng cao nơi người học. Nhưng trọng tâm của tiết học này là tìm hiểu “nghị luận văn học”, tác giả văn bản và nhóm biên soạn giáo khoa đã bóc tỉa, cấy ghép, cài đặt trong phạm vi cho phép để Thánh Gióng - Tượng đài vĩnh cửu về lòng yêu nước trở thành một bài nghị luận văn học dễ đọc, dễ hiểu, có nhiều “ngón nghề” có thể học hỏi cho những ai bắt đầu tập nghị luận.
Đó là: Kết cấu uyển chuyển nương theo diễn biến của truyện được phân tích; các luận điểm sáng rõ nhờ 5 tiêu đề; có thể trích dẫn, để các bậc cao minh đồng thanh với mình, nhưng đừng quên ghi tên người được trích, và có thể tu từ so sánh, ẩn dụ… trong văn xuôi nghị luận để mang chất thơ, chất anh hùng ca tới cho các luận điểm khoa học: “Hội Gióng hằng năm cũng dựng lại cảnh không khí dân làng nuôi Gióng - bức tranh Gióng ra trận. Tất cả những chứng tích ấy như những viện bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hóa về Gióng, như muốn minh chứng rằng câu chuyện có thật, làm mọi người tin vào truyền thống giữ nước của dân tộc”.
Một thầy giáo nghiêm cẩn, một bạn văn chịu chơi
Nghiêm cẩn mới bền sức để cho tới hôm nay vẫn tiếp tục marathon trên con đường giáo dục mà vạch đích luôn ở phía trước. Bùi Mạnh Nhị từng đi thi học sinh giỏi văn lớp 7 toàn tỉnh Nam Định và toàn miền Bắc! Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội vào những năm non sông liền dải, giáo dục một nhà, cử nhân ngữ văn ĐH Sư Phạm Hà Nội Bùi Mạnh Nhị thành giảng viên trẻ ĐH Sư phạm TP.HCM, và bắt đầu băng băng.
Nói như người bạn đồng môn, dù lớn tuổi hơn, nhà văn Trương Nguyên Việt - Triệu Phong thì: “Anh bước lên bục giảng, cùng những người thầy rất xuất sắc của chúng tôi như Lê Trí Viễn, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Tấn Phát, Hồ Văn Nho, Lâm Vinh, Hồ Sỹ Hiệp, Trần Xuân Đề, Trần Ngọc Trà, Trần Hữu Tá, Phùng Quý Nhâm… góp phần đào tạo những người thầy… Chính trên giảng đường này, anh từng bước trưởng thành, trở thành phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Khoa ngữ văn, rồi Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, và sau đó trở thành Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ… Học sinh của anh sau này đảm nhận nhiều cương vị lớn trong xã hội, nhưng bao giờ cũng nhất mực trân trọng, yêu quý và biết ơn mỗi khi nhắc đến thầy Bùi Mạnh Nhị…”.
Trong đời sống thường nhật thời bao cấp khó khăn ở TP.HCM, người thơ Bùi Mạnh Nhị chịu chơi tới mức nổi tiếng là giỏi chịu đựng bạn bè văn nghệ. Nhà thơ Hoài Anh chuyển từ Hà Nội vào tá túc ở nhà anh cả tháng! Nhà thơ trẻ Cao Xuân Sơn mới ra trường chờ việc, tá túc ở nhà anh cả tháng. Chơi với Lưu Trọng Văn, nhưng ông em đẹp trai Lưu Trọng Mã, tới nhà tá túc cả tháng! Vậy mà vẫn cười, vẫn không bỏ lớp và không bỏ các chiếu rượu văn nghệ!
Bùi Mạnh Nhị đã có không ít giải thưởng thơ, đã có thơ trong những tuyển tập bề thế Nghìn năm thơ Việt (1010 - 2010) (NXB Văn học, 2010), Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Văn nghệ TP.HCM, 2016) nhưng Bùi Mạnh Nhị chưa có tập thơ riêng. Viết ít nhưng nét phong cách Bùi Mạnh Nhị thì những người yêu thơ đã nhận ra. Giáo sư toán học Trần Văn Nhung chỉ kể, chỉ bình 1 bài hay của Bùi Mạnh Nhị mà nghe ra phong cách ấy! Ông kể:
“Thầy Hiệu trưởng Bùi Mạnh Nhị mời chúng tôi uống "rượu Tây xách tay" chai rượu do bà Giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Caen Basse-Normandie của Pháp đích thân cùng chồng lựa chọn.
Khi đã bắt đầu ngấm rượu, Bùi Mạnh Nhị đọc thơ, bài Vô đề: “Rót cho đầy ly cạn/ Uống cho cạn ly đầy// Ta uống đừng bảo ta tỉnh/ Ta uống chớ nói ta say// Ly này thật thà như trẻ/ Ly này cao sâu như già// Rót đất trời vào ly nhỏ/ Thiên địa rung rinh lòng ta// Rót cho đầy vĩnh cửu/ Uống cho cạn thoáng qua// Sao em nhìn ta bật khóc/ Rượu này có nước mắt pha…?”.
Khi đã ngấm rượu, tôi nói: Nào, ta cùng thử xem có bao nhiêu cặp từ đối xứng: Đối xứng 1-1 "Rót" - "uống", "cạn" - "đầy", đối xứng 2-2 nhưng lệch "đầy ly" - "ly đầy", "ly cạn" - "cạn ly", đối xứng 3-3 "đầy ly cạn" - "cạn ly đầy" và đối xứng 4-4 "Rót cho đầy ly cạn" - "uống cho cạn ly đầy". Như vậy điều thú vị ở đây là tác giả đã lồng ghép được đến 6 cặp từ đối xứng chỉ trong một "không gian chật hẹp" của 2 câu thơ ngắn. Cả bài 12 câu thơ được chia thành 6 cặp. Tính đối xứng được bảo đảm trong từng cặp. Mỗi cặp mang một ý khác nhau. Nhưng tổng hòa lại thành cả bài thơ cho ta cảm xúc khoan khoái đa chiều!”.
Cách bình để tìm ra tính đối xứng trong cấu tứ bài thơ của giáo sư Nhung thật hay. Chính đối xứng tạo ra thi lực để mạch thơ tuôn chảy, để những động từ cặp đôi cụng ly, tạo những âm bồi mà chỉ những đôi tai bỗng tăng thính lực giữa cuộc say nghe được. Nghe được cả dấu chấm câu nước mặt, rơi xuống, khiến thơ đổi chiều, làm hiện ra lung linh trong ly rượu chuyện đời.
Có phải đó là giọt lệ của Quỳnh Nga, bà Bùi Mạnh Nhị, cô giáo dạy Văn học Nga, ĐH Sư phạm TP.HCM từng xuống lề đường Pasteur bán phở, lấy tiền nuôi con để chồng qua Nga mang về bằng tiến sĩ. Chắc là vậy, nên lối thơ thông minh, nghĩ trước, cảm sau, cảm rồi nghĩ thêm của Bùi Mạnh Nhị… thường nói về một người đàn bà: “Anh viết tên em vào mong manh/ Để thành bất tử/ Viết vào chòng chành/ Để hóa nhịp võng đưa…”.
Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị sinh 1955 tại tỉnh Nam Định. Ông là tác giả và đồng tác của 9 tác phẩm gồm giáo trình và biên khảo về văn học dân gian. Hiện ông là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất