23/03/2013 06:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dù được quảng bá rầm rộ, vở kịch Bữa sáng ở Tiffany (Breakfast at Tiffany's) sẽ công diễn từ ngày 23/3 trên sân khấu Broadway, New York (Mỹ) lại không gây được ấn tượng với giới phê bình. Nhưng thực ra sự thất vọng này không bắt nguồn từ Audrey Hepburn.
Mặc dù, vai diễn Holly Golightly trong bộ phim cùng tên năm 1961 đã gắn liền với tên tuổi của minh tinh này. Cả hai phiên bản điện ảnh và kịch đều chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của nhà văn Truman Capote. Nhận vai Holly trong lần đầu đến với Broadway, quyết định của nữ diễn viên trẻ Emilia Clarke được coi là dũng cảm.Audrey Hepburn không phải là vấn đề
Bữa sáng ở Tiffany công diễn từ ngày 23/3 ở nhà hát Cort ở New York, nhưng các bài bình luận đăng trước hôm công diễn đều dựa trên buổi tổng duyệt hôm 15/3. Nhìn chung nhận xét về vở diễn không tích cực, mặc dù kịch được dựng trung thành hơn với nguyên tác của Capote.
Đây là lần đầu tiên Bữa sáng ở Tiffany đến với Broadway “trót lọt”, tức là, kế hoạch này từng được nhen nhóm một lần, vào năm 1966. Nhưng phiên bản hồi đó bị coi là “thảm họa” nên đã không bao giờ được công diễn. Còn bản năm 2013 này do nhà soạn kịch Richard Greenberg chuyển thể và đạo diễn Sean Matthias dàn dựng.
![]() |
Holly là một cô gái tiệc tùng chuyên giao du với tầng lớp thượng lưu, Capote mô tả nhân vật này là một “geisha kiểu Mỹ”. Emilia Clarke được đạo diễn ca ngợi là rất hợp với vai diễn này, còn hơn cả Hepburn (thực chất, Hepburn đã tạo nên một Holly rất khác so với trong sách của Capote). Bản dựng sân khấu hứa hẹn là sẽ chân thực, tăm tối và ấn tượng hơn. Vậy tại sao nó bị chê?
Trên Chicago Tribune, cây bút phê bình Chris Jones viết: “Việc vở kịch gây thất vọng không có gì liên quan đến Audrey Hepburn cả. Vấn đề chính ở đây là không có sự liên kết rõ ràng nào giữa 2 nhân vật chính Holly và Fred (người kể chuyện), một cặp đôi không có hứa hẹn và không có duyên với nhau như trong tưởng tượng của Capote”.
Cây bút Linda Winercủa Newsday thì hướng lời chê vào nữ diễn viên chính, cho rằng vở kịch “nhàm chán” và Clarke không có được “sự thu hút để rồi mỗi khi cô xuất hiện là những người trong phòng không thể hướng mắt vào bất kỳ ai khác. Nhỏ nhắn và có vẻ đẹp của một cô gái ngoan, cô ấy không thể hiện được sức quyến rũ lấn át người khác”.
Nhà phê bình David Rooney của Hollywood Reporter cho rằng Clarke không đủ trưởng thành và chín chắn để diễn tả được hai nửa đối lập phức tạp trong con người Holly, điều khiến nhân vật này trở nên độc đáo, đó là vừa nhanh nhảu vô tâm lại vừa mỏi mệt vì toan tính.
Bữa sáng ở Tiffany lên sân khấu Broadway khiến nhiều người tưởng nhớ bộ phim cùng tên kinh điển, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ tìm đọc lại cuốn tiểu thuyết, để hiểu rằng Bữa sáng ở Tiffany chưa bao giờ là một câu chuyện hài lãng mạn đơn thuần. |
Joe Dziemianowicz của New York Daily News còn nặng lời hơn, nói đi xem Bữa sáng ở Tiffany ở Broadway là một sự lãng phí thời gian.
Cách đạo diễn vở kịch chỉ cho Emilia Clarke tiếp cận nhân vật này đã đi đúng hướng, một Holly “nặng nề hơn, tăm tối hơn”, hứa hẹn là sẽ để lại ấn tượng sâu đậm hơn vai diễn của Hepburn. Nhưng cuối cùng, có vẻ như Clarke chưa làm được điều đó.
Bữa sáng ở Tiffany đích thực là một câu chuyện buồn
Chỉ có một bài bình luận duy nhất ngả về hướng tích cực, nhưng lại là một ý kiến rất giá trị, của Jennifer Ashley Wright trên tạp chí Black Book. Lý lẽ của Wright là vở kịch đã chuyển tải được không khí buồn bã và mất mát đầy ý nghĩa của cuốn sách gốc, điều mà bộ phim năm 1961 đã lờ đi.
Theo nhà phê bình này, Capote đã sáng tạo ra Holly dựa theo người mẹ của ông, người đã bỏ nhà văn lúc ông còn nhỏ để lên New York tìm cách gia nhập giới thượng lưu. Bà cưới một doanh nhân nhưng về sau ông này bị bỏ tù. Người mẹ rơi vào cảnh nghèo túng và đã tử tự. Capote muốn đưa câu chuyện đó vào văn. Nghe có vẻ buồn thảm, nhưng Bữa sáng ở Tiffany đích thực là một câu chuyện buồn thảm. Nó không kể về tình yêu như người ta vẫn tưởng, nó kể về những người tìm kiếm tình yêu nhưng tuyệt vọng.
Holly là mẫu người điển hình của thời đại cô sống, những năm 40 thời Thế chiến thứ hai như Capote mô tả trong sách, khi “hầu hết các chàng trai trẻ đều đang ở ngoài chiến trường còn trên các đường phố chỉ có những người đàn ông hoặc già, hoặc bị thương, hoặc là người ngoại quốc, hoặc là đàn ông với những đồng tiền cũ nát và hơi thở chua lòm”.
Kiểu người như Holly thực dụng nhưng cô đơn, vây quanh là những bữa tiệc ồn ã và những mối quan hệ xã giao nhưng khi còn lại một mình thì hoàn toàn trống rỗng. Còn bộ phim điện ảnh lại dời thời điểm về thập niên 60 thế kỷ trước.
Và nếu hiểu như Wright thì vở kịch cũng không đến nỗi dở tệ mà đã phần nào nắm bắt được tác phẩm văn học, nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Diễn xuất và cách dàn dựng vở kịch bị nhận xét là thiếu truyền cảm và hiệu quả.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất