10/04/2025 17:54 GMT+7 | Đời sống
Bỏng mắt do hóa chất là một cấp cứu nhãn khoa có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho mắt, thậm chí dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được xử trí kịp thời. Tổn thương có thể xảy ra trong các tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc hiếm hơn là do hành vi tấn công.
Các hóa chất thường gặp bao gồm axit và bazơ, trong đó bỏng bazơ thường phổ biến và nguy hiểm hơn do khả năng thẩm thấu sâu vào mô mắt. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ, thời gian tiếp xúc và diện tích tổn thương.
Bỏng mắt do hoá chất: A. Thiếu máu vùng rìa; B. Độ II, giác mạc mờ nhưng vẫn thấy rõ chi tiết của mống mắt; C. Độ III, giác mạc mờ nhưng không nhìn thấy rõ chi tiết của mống mắt; D. Độ IV, giác mạc đục
Dịch tễ học
Bỏng mắt do hóa chất chiếm khoảng 7 - 10% các trường hợp chấn thương mắt tại các khoa cấp cứu. Trong đó, bỏng do bazơ chiếm tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với axit, do bazơ được sử dụng phổ biến trong công nghiệp, xây dựng, cũng như các sản phẩm vệ sinh gia đình. Nam giới trong độ tuổi lao động là nhóm có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường tiềm ẩn rủi ro hóa chất.
Nguyên nhân
Bỏng mắt do axit thường gây tổn thương tại chỗ do tạo lớp vỏ đông protein làm hạn chế sự xâm nhập sâu của hóa chất. Ngược lại, bazơ có thể xuyên thấu qua các lớp mô nhãn cầu, gây tổn thương lan rộng và nghiêm trọng hơn.
Một số tác nhân thường gặp:
• Axit: axit vô cơ (axit sunfuric, axit clohydric) hay axit hữu cơ
• Bazơ: bỏng vôi, bỏng kiềm
Yếu tố nguy cơ
Những người làm việc trong các ngành nghề có tiếp xúc với hóa chất như xây dựng, vệ sinh công nghiệp, xưởng cơ khí, phòng thí nghiệm… có nguy cơ bỏng mắt cao hơn. Ngoài ra, việc không sử dụng phương tiện bảo hộ mắt đúng cách cũng là yếu tố nguy cơ đáng kể.
Các triệu chứng
• Đau rát, kích thích dữ dội ngay sau tiếp xúc với hóa chất.
• Chảy nước mắt liên tục, co quắp mi, nhìn mờ.
• Kết mạc đỏ, phù nề, xuất huyết quanh rìa, giác mạc mờ đục hoặc trầy xước.
• Trong các trường hợp nặng hơn, có thể xuất hiện dấu hiệu thiếu máu vùng rìa, dính mống mắt, tăng nhãn áp hoặc phản ứng viêm màng bồ đào.
Điều trị
Bỏng mắt do hóa chất là tình trạng cần cấp cứu ngay lập tức.
• Rửa mắt là điều quan trọng nhất (có thể rửa với nước sạch hoặc có thể sử dụng các dụng dịch như ringer lactat hoặc nước muối sinh lý) để làm giảm thời gian tiếp xúc mắt với hoá chất và đưa pH ở kết mạc về bình thường sớm nhất có thể. Thời gian rửa có thể kéo dài từ 15 - 30 phút hoặc đến khi pH trở về mốc bình thường.
• Lấy hết dị vị nếu có, kiểm tra cùng đồ kết mạc, đặc biệt với bỏng vôi.
• Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân, tùy theo mức độ bỏng:
Độ I - II:
• Kháng sinh tra mắt để phòng nhiễm khuẩn.
• Corticoid tại chỗ (Prednisolone acetate 1%) để giảm viêm.
• Giãn đồng tử (Atropin, Cyclopentolate) để giảm đau và chống dính.
• Vitamin C và doxycycline đường uống để hỗ trợ liền biểu mô và ức chế men collagenase.
Độ III – IV:
• Điều trị tích cực như trên.
• Cân nhắc ghép màng ối, đặt kính tiếp xúc băng, hoặc can thiệp ngoại khoa khác nếu có dấu hiệu hoại tử mô, không biểu mô hóa.
• Một số trường hợp cần phẫu thuật tiếp khẩu kết - giác mạc, ghép giác mạc, hoặc phẫu thuật tạo hình trong giai đoạn phục hồi.
Tiến triển và biến chứng
Bỏng hóa chất, đặc biệt là bỏng bazơ, có thể dẫn đến nhiều biến chứng lâu dài nếu không xử lý kịp thời:
• Loét giác mạc mạn tính, mờ đục giác mạc do tân mạch xâm nhập.
• Khô mắt do tổn thương tuyến lệ.
• Tăng nhãn áp do tổn thương góc tiền phòng.
• Đục thể thủy tinh thứ phát do viêm hoặc tăng nhãn áp.
Phòng bệnh
• Trang bị đồ bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường có hóa chất.
• Tuân thủ an toàn lao động và hướng dẫn xử lý tai nạn tại chỗ.
• Giáo dục cộng đồng về nguy cơ và cách sơ cứu bỏng mắt khi tai nạn xảy ra.
• Tổ chức hệ thống sơ - cấp cứu tuyến đầu, đảm bảo phát hiện và xử trí kịp thời ngay từ ban đầu.
Tài liệu tham khảo
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt (ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015)
2. American Academy Of Ophthalmology (2025), Chemical (Akali and acid) Injury of the Conjunctiva and Cornea.
3. John F.Salmon MD (2020), Kanski's Clinical Ophthalmology, Ninth Edition, Chemical Injuries, p912-916.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất