04/05/2020 08:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, tôi đưa hai con ra biển Mỹ Khê, Đà Nẵng cho chúng vui đùa cùng sóng gió, để sáng nay bắt đầu đi học trở lại sau thời gian quá lâu không đến lớp. Chúng nhớ thầy cô, bạn bè, cũng những nỗi nhớ không tên nhưng quá đỗi thân thương của tuổi học trò.
Biển xanh trong vời vợi. Người dân đông nườm nượp, tựa hồ như chưa trải qua đại dịch. Nhịp sống đời thường đã bắt đầu trở lại trên nhiều địa phương.
Gặp cựu tuyển thủ quốc gia Châu Lê Phước Vĩnh đang chạy trên cát cùng cậu con trai nhỏ. Vĩnh là thế hệ vàng thứ 2 của bóng đá Đà Nẵng, cùng lứa Quốc Anh, Phan Thanh Phúc, Phan Thanh Hưng, Hoàng Quãng.... Anh em lâu ngày gặp nhau vui lạ! Vĩnh giờ giải nghệ, làm bóng đá cộng đồng, dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
Quốc Anh, Hoàng Quãng bây giờ cũng có thể gọi là thành đạt nhất nhóm vì biết chắt chiu tiền bạc lẫn cơ hội vươn lên. Nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi vì chẳng ít "nhân tài" trong số đó tán gia, bại sản do dính vào lô đề, cá độ. Có anh gia đình ly tán, người phải đi làm bảo vệ, lương chỉ đủ nuôi bản thân.
Còn đâu thời lẫy lừng tiền lót tay hàng tỷ, lương thưởng cả trăm triệu đồng/tháng?
Bóng đá Việt Nam thời "chập chèng" làm chuyên nghiệp đã huỷ hoại nhiều giá trị. Trong đó, việc các CLB không coi trọng công tác giáo dục phần "văn hoá", phần "người", chỉ chạy theo thành tích ảo, lấy đồng tiền làm thước đo, để lại di chứng rất nặng nề, cải tổ lại thật gian truân.
Ở bình diện vĩ mô, ít tấm gương sáng từ bộ phận quản lý, giám sát, trọng tài, kể cả HLV, khiến nhiều thế hệ cầu thủ phát triển không bình thường trong một môi trường bóng đá thiếu chuyên nghiệp.
Rất may là vài ba năm trở lại đây, những vấn đề cốt lõi trên, vốn là nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp, đã bắt đầu được các CLB, trung tâm vào cuộc. Không những thế, đã tạo ra nhiều quả ngọt cụ thể bằng thành tích, bằng tác động tích cực của bóng đá với đời sống xã hội, tạo nên cái gọi là NIỀM TIN, vốn là một khái niệm xa xỉ, bắt nguồn từ thứ bóng đá tiêu cực, coi thường khán giả trong nhiều năm. Bản thân VFF, VPF cũng đã phải điều chỉnh, thích nghi trước sự tiến bộ của các thành viên. Vui hơn, không ít "hảo hán" trong làng bóng đá cũng thức tỉnh, biết yêu lại trái bóng, dù ở vai trò khác.
Thế nên, dưới góc độ nội lực, ý thức làm tử tế, Covid-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến bóng đá Việt Nam. Các CLB dù lo lắng cầu thủ nghỉ giãn cách quá lâu sẽ ảnh hưởng, nhưng có lẽ nỗi lo đó không ám ảnh ghê gớm như dăm năm trước.
Đơn giản, vì chúng ta đã và đang chứng kiến vài lứa cầu thủ rất tuyệt vời, cả về tài năng lẫn đạo đức. Họ biết phải làm gì để giữ tuổi thọ nghề nghiệp, biết tiêu tiền thế nào cho hợp lý.
Tất nhiên, ảnh hưởng kinh tế là vấn đề chung, của bóng đá toàn cầu. Chính thế, FIFA mới hỗ trợ cho mỗi Liên đoàn thành viên 500.000 USD. Bây giờ, cần nhất vẫn là sự đồng lòng, chia sẻ, vượt khó của các CLB. VFF, VPF cần nhanh chóng tìm ra các giải pháp hỗ trợ cần thiết cả vật chất lẫn tinh thần để giúp CLB bình ổn trở lại trạng thái hoạt động, hệ thống giải chuyên nghiệp tái vận hành, đặc biệt các đội tuyển quốc gia được chăm sóc kỹ cho các nhiệm vụ trọng tâm, như Vòng loại World Cup, AFF Cup.
Phải nói rằng, kể từ sau ngày giải phóng đất nước, chưa bao giờ chúng ta trải qua biến cố mà thử thách tư chất người Việt lớn như lúc này. Đấy cũng là khoảng lặng để mỗi gia đình, cá nhân, tổ chức..., lắng nghe tiếng gọi nội tâm. Để, nhận ra những giá trị căn bản của cuộc sống. Từ đó, thể hiện tình yêu, trách nhiệm chung một cách sâu sắc hơn.
Việt Nam làm được nhiều kỳ tích được thế giới ghi nhận trong đợt đại dịch. Những bài học kinh nghiệm đang soi tỏ hàng ngày. Do đó, vẫn có quyền tin tưởng bóng đá Việt Nam sớm tạo ra nhiều "đường băng" từ thành công chung, đưa sân cỏ cả nước cấy cánh trở lại.
"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?". Ôi những vần thơ Lưu Quang Vũ càng lóng lánh trong bối cảnh này.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất