'Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất': Tiểu thuyết tầm vóc Nobel văn chương

12/12/2013 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Ông trăm tuổi trèo qua cửa số và biến mất (Phạm Hải Anh dịch, NXB Trẻ, quý 3/2013, 515 trang) của Jonas Jonasson là một tiểu thuyết xứng đáng để đọc, mặc dù bản dịch không được hay cho lắm. Nó xứng đáng không vì được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán hơn 6 triệu bản trên khắp thế giới, mà vì “mùi hương” văn chương của Ông trãm tuổi… tỏa ra cho thấy tầm vóc của một tác phẩm Nobel văn chương.

Cốt truyện đơn giản và khá trinh thám: Đúng sinh nhật lần thứ 100, ông Allan Karlsson trèo qua cửa sổ viện dưỡng lão và biến mất; ngay tức thì, ông được một tên tội phạm trao cho chiếc va-li có 50 triệu crown. Điều này khiến phía quản lý nhà dưỡng lão, đội chống tội phạm và cả giới tội phạm truy tìm ông. Chuyện gì sẽ xảy ra sau cùng thì chỉ có “trời mới biết”, vì tác giả không có ý kết thúc điều này.

Cuộc trào lộng xuyên thế kỷ

Nếu chỉ dùng một ý để tóm gọn tư tưởng của Ông trăm tuổi…, câu này thật trọn vẹn: “Ba Thu dồn lại một ngày dài ghê” (Truyện Kiều). Gồm 29 chương và 1 hồi kết, tiểu thuyết dồn các sự kiện chủ yếu vào tháng 5/2005, nhưng thực ra là bức tranh đầy ẩn dụ và châm biếm về cả thế kỷ 20, mà trong đó hai cuộc thế chiến, cũng như những con người làm nên lịch sử không vắng mặt; chỉ trừ Hitler. Ví dụ chương 7 chỉ có 17 trang nhưng viết về cả giai đoạn phức tạp của thế kỷ 20 (1929-1939); chương 11 về các năm 1945-1947; chương 18 về năm 1953; chương 26 về các năm 1968-1982… Kết cấu các chương và mạch truyện khá đặc biệt, có chương chỉ khoảng 110 chữ như chương 29; có vô số cuộc gặp gỡ, đối thoại không tưởng, xuyên thời đại, xuyên địa điểm và xuyên không gian.



Nhân vật chính là Allan Karlsson. Ông phiêu lưu từ Thế chiến I đến Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh lạnh, bom nguyên tử, khởi nghĩa vũ trang, khủng bố và cả xung đột hạt nhân. Từ đại cường quốc Xô Viết cho tới siêu cường Mỹ quốc và cả nước Trung Quốc đang vươn mình ở Đông Á... Nếu tiếng sét đầu đời của ông xảy ra với nữ lưu hào kiệt Tống Mỹ Linh (vợ lãnh tụ Quốc Dân đảng), thì người phụ nữ cuối đời lại là bà xơ cay nghiệt Alice. Bạn bè của ông gồm các nhà bác học, nhà tài phiệt, các trùm mafia, tổng thống Mỹ, các lãnh tụ cộng sản quốc tế, cho đến những tổ chức công khai và bí mật. Đời ông làm được hai kỳ tích: chế tạo rượu Vodka từ sữa dê; giúp Stalin, giúp Tổng thống Indonesia chế bom nguyên tử.

Ông trăm tuổi… làm chúng ta nhớ về bộ tiểu thuyết trào lộng Một thuở ngàn năm của Hồ Hữu Tường (1910-1980), gồm các quyển đã in như Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vanay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn (Nam Cường, 1966), và Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966). Tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng nếu Jonas Jonasson được gặp Hồ Hữu Tường, Allan Karlsson được gặp Phi Lạc thì chắc chắn cuộc đối thoại của họ sẽ trào lộng bất tận, cực kỳ thú vị.

Nhìn vượt khuôn khổ của tiểu thuyết, nếu bộ Một thuở ngàn năm ôm mộng vẽ nên sức sống mãnh liệt của Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, thì Ông trăm tuổi… cắt nghĩa thế trung lập của Bắc Âu nói chung, Thụy Điển nói riêng. Dù trong tiểu thuyết không một dòng đề cập trực tiếp, nhưng tại sao một ông già trăm tuổi trốn khỏi viện dưỡng lão lại làm cả nước Thụy Điển nhốn nháo? Cái va-li 50 triệu crown có phải là ẩn dụ về chuyện cả thế giới (bí mật và công khai) gửi tiền tại các nước Bắc Âu hay không? Nếu không phải, thì vì sao khi Allan Karlsson trốn khỏi viện dưỡng lão, bao nhiêu bí mật động trời của ông với nhân loại thế kỷ 20 lại được phơi bày? Trả lời những câu hỏi này chúng ta sẽ thấy được kích thước đầu tiên của một tác giả 6X (mà ngay tác phẩm đầu tay) đã mang tầm cỡ giải Nobel Văn chương. Bởi ở đây, ngoài câu chuyện lý thú, cách hành văn hấp dẫn, Ông trăm tuổi… còn chuyên chở một thế sự và triết lý lớn lao.

Tác giả của độc giả

Theo nhà thơ - nhà phê bình vĩ đại Ezra Pound (1885-1972) thì văn chương có 6 cấp độ: 1) các nhà phát minh; 2) các bậc thầy; 3) các nhà truyền bá; 4) các tiểu văn nhân loại khá; 5) những người trong văn học; và 6) những nhà tạo mốt. Nếu dùng tiêu chí này thì Jonas Jonasson là tác giả “bản lề” giữa loại 2 và 3, vì ông dùng phẩm chất của bậc thầy để đưa tác phẩm của mình đến gần với độc giả. Nhiều bậc thầy thường không quan tâm đến số lượng độc giả, mà chỉ quan tâm đến phẩm chất của tác phẩm.

Theo một cách phân loại khác, phổ biến hơn thì văn chương có 3 loại: 1) Tác gia của tác giả; 2) Tác gia của độc giả; và 3) Những tác giả tự phong. Nhìn cách này, Jonas Jonasson thuộc loại thứ 2, một tầm mức mà Nobel Văn chương thường ngắm tới. Còn các “nhà phát minh”, hay các “tác gia của tác giả” thì luôn ngoại cỡ và ngoại hạng với các giải thưởng, với cả nền văn chương dân tộc họ, thậm chí với cả nhân loại.


Bản tiếng Việt của Ông trăm tuổi… do Phạm Hải Anh dịch

Tuy nhiên, những tác giả như Jonas Jonasson khi viết văn thường ít nghĩ đến giải thưởng này giải thưởng kia, mà họ hay nghĩ đến độc giả của mình. Đơn cử như chuyện danh và lợi, Milan Kundera, Murakami Haruki, và nay là Jonas Jonasson đã thu về quá nhiều. 6 triệu bản in của Ông trăm tuổi… trên khắp thế giới ít nhất mang về cho tác giả 6 triệu độc giả/bạn hàng và khoảng 6 triệu USD tiền tác quyền; đấy là chưa nói chuyện Walt Disney đã mua bản quyền làm phim.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Khi viết, các tác giả có thể hướng đến giải Nobel Văn chương hay không? Hoàn toàn được. Vì với lịch sử trao giải hơn trăm năm và cả tiêu chí xét giải khá rõ ràng, hướng đến không khó. Chỉ có điều khó nhất và cũng là nỗi tuyệt vọng cho những ai có tham vọng này, đó là danh sách những người giống như họ vốn rất đông, mà giải mỗi năm chỉ thường có một. Nếu chỉ đọc để hình dung một tác giả có khởi đầu của tầm vóc Nobel Văn chương thì Ông trăm tuổi… là một ví dụ lý thú.

Điều đáng tiếc nhất với độc giả Việt Nam khi đọc Ông trăm tuổi… là bản dịch chưa thật ra chất, nhiều chỗ còn khá vụng về. Điều này chắc không đến từ vốn ngoại ngữ của dịch giả - nhà văn Phạm Hải Anh - mà chủ yếu do dị biệt phong cách. Văn phong kiểu tay chơi, trinh thám và trào lộng… của Jonas Jonasson rất cần một dịch giả “tay chơi” tương tự dịch mới đạt. Cũng giống như Hàn Giang Nhạn (1909-1979) dịch truyện võ hiệp Kim Dung, hay Ngọc Thứ Lang (1930-1979) dịch Bố già của Mario Puzo, hấp dẫn chưa chắc do sát với nguyên tác (bởi có lược dịch vài ý, vài đoạn), mà bởi nó ra chất.

Một nhà văn trở về từ cõi chết

Jonas Jonasson sinh năm 1961 tại Thụy Điển, vốn làm báo và là chủ một công ty truyền thông làm ăn phát đạt. Đến những năm đầu thế kỷ 21, ông bị bệnh trầm cảm và lao lực nặng, cận kề cái chết, khiến phải thay đổi cuộc sống. Ông bán công ty được khoảng 10 triệu bảng và chia cho các thành viên để đi tìm tự do; năm 2005 ông về sống ở vùng biển xa xôi phía Nam Thụy Điển. Mấy năm sau mới bắt tay viết Ông trăm tuổi…, gửi bản thảo đến 6 NXB thì 5 trong số ấy từ chối, bản in đầu tiên xuất hiện năm 2010 tại Thụy Điển.



VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm