Mua - bán độc quyền ca khúc: Những người tiên phong

09/07/2009 15:08 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Chuyện mua - bán độc quyền ca khúc như một hiện tượng tất yếu khi âm nhạc đại chúng bắt đầu hình thành thị trường với những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Từ khi manh nha thị trường âm nhạc cho đến nay, việc mua bán độc quyền đã trải qua những thăng trầm cùng đời sống nhạc Việt. Mặt nào đó nó cũng thể hiện sự “chuyên nghiệp” trong quá trình phát triển thị trường âm nhạc đại chúng và nó cũng được xem là kết quả của sự nhanh nhạy của những nhà sản xuất, bầu show, ca sĩ…

Tại sao phải độc quyền ca khúc?

Cho đến nay, nhiều người đều đồng ý rằng năm 1997-1998 là giai đoạn đỉnh điểm huy hoàng của nhạc Việt, để rồi một vài năm ngắn ngủi sau đó nó bắt đầu “lụi tàn” và kéo dài mãi cho đến hôm nay. Năm 1997 cũng là năm mà giải thưởng Làn sóng xanh ra đời, nó thật sự là một làn gió mát lành cho nhạc Việt, hào hứng, sôi nổi và đã góp phần vào việc quảng bá những thành tựu của ca khúc nhạc Việt (nội địa) để đẩy lùi luồng âm nhạc “hải ngoại” mà trước đó, dù có dùng những biện pháp hành chính cũng không thể ngăn cản được dòng nhạc này.


Làn sóng xanh - nơi lên ngôi của rất nhiều ca khúc độc quyền

Ca khúc được đứng vào top 10 Làn sóng xanh, ngoài sự vinh danh, hiệu quả kinh tế kèm theo là rất thiết thực - ca sĩ sẽ có dịp biểu diễn nhiều lần những ca khúc này trên sân khấu và băng đĩa có ca khúc top 10 Làn sóng xanh được tiêu thụ với số lượng lớn.

Để làm cho ca khúc được đông đảo công chúng yêu mến nhằm chiếm một suất trong giải thưởng Làn sóng xanh hàng năm cũng là mục đích và mơ ước của nhiều ca sĩ, nhất là các ca sĩ chưa nổi tiếng lắm.

Tuy nhiên, khi một ca khúc được nhiều người yêu thích nếu không độc quyền, nó sẽ có rất nhiều ca sĩ cùng hát, vì vậy mà “thị phần” trên sân khấu và băng đĩa bị chia nhỏ, cơ hội nổi tiếng cùng bài “hit” ít đi, đó cũng là một trong những lý do khiến các ca sĩ muốn độc quyền ca khúc. Mặt khác, việc xây dựng những bài “hit” lắm lúc cũng cần sự đầu tư của ca sĩ. Ông Hoàng Tuấn (bầu của Đan Trường) cho biết: “Ca khúc Nội tôi của Đình Văn trước đó đã có vài ca sĩ hát, nhưng không ai biết đến. Chỉ khi Hoàng Tuấn mua độc quyền cho Đan Trường rồi gia công phối khí lại, đầu tư vào trang phục, dàn dựng, bỏ tiền làm clip... tổng đầu tư gần 100 triệu đồng sau đó mới “đẩy” ca khúc trở thành “hit” và đoạt giải Làn sóng xanh (2007). Nếu không phải là ca khúc độc quyền để bảo đảm “quyền lợi” khi nó đã trở thành “hit” thì không ai bỏ tiền ra đầu tư cả”.

Nhạc sĩ Minh Vy thì cho rằng: “Mua bán độc quyền ca khúc trở nên phổ biến cùng với sự phát triển “hùng hậu” của lực lượng manager, đó cũng là một biểu hiện chuyên nghiệp hóa”.

Ngoài ra, cũng do trường hợp nhiều ca sĩ “đụng hàng”, có khi ca sĩ định hát một bài nào đó trong 1 show diễn, nhưng trước đó đã có người khác hát rồi, hoặc các “sao” không chịu tình trạng những ca sĩ không cùng “đẳng cấp” hát trùng bài với mình. Vì vậy tốt nhất là mua độc quyền cho tiện.

Ai là người tiên phong?

Ca sĩ nào và nhạc sĩ nào là những người mua bán độc quyền ca khúc đầu tiên? Câu hỏi có lẽ rất khó có một trả lời chính xác. Tuy nhiên, vào giai đoạn mà nhạc Việt lên ngôi, cũng đồng thời là giai đoạn hoàng kim của các hãng sản xuất - phát hành băng đĩa tại TP.HCM. Những “trùm” biên tập (sản xuất) thời đó như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, bà Phan Mộng Thúy... đều cho rằng việc mua - bán độc quyền ca khúc phổ biến là vào giai đoạn Làn sóng xanh xuất hiện.

Bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Film cho biết: “Năm 1996, với mục đích tạo ra một sản phẩm mới độc đáo, khác với một số hãng băng đĩa khác, Phương Nam Film đã đặt hàng khá nhiều nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng, Trần Thanh Tùng... sáng tác để Phương Nam Film dùng độc quyền nhằm xây dựng 2 album nhạc thiếu nhi”.

Đó là về phương diện một công ty mua độc quyền bài hát để làm album (gồm nhiều ca sĩ hát); còn việc mua độc quyền để xây dựng hình ảnh một ca sĩ có thể nói đến những “hợp đồng độc quyền” của Hoàng Tuấn vào năm 1997. Khi những ca khúc nhạc Hoa lời Việt làm mưa làm gió trên thị trường, Hoàng Tuấn đã đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác phần lời Việt cho các ca khúc nhạc Hoa để sử dụng độc quyền cho Đan Trường. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết lời Việt cho ca khúc nhạc Hoa Trái tim yêu; Nguyễn Ngọc Thiện viết lời Việt cho một loạt các ca khúc nhạc Hoa như: Kiếp ve sầu, Tình yêu đam mê, Hãy nói lời yêu anh, Hoa tàn, Về quê cũ, Cùng hát vang... Những bài hát này sau đó đã được tập hợp trong album Mưa trên cuộc tình 1.

Hai trường hợp trên có thể xem là “điển hình” của việc mua bán độc quyền ca khúc giữa nhạc sĩ với ca sĩ hoặc nhà sản xuất. Ngoài ra trường hợp cá biệt, nhạc sĩ của hãng sáng tác và dành độc quyền cho ca sĩ của mình lại có sớm hơn (1993). Đó là trường hợp bài Mưa bụi sáng tác của Hữu Minh và Vinh Sử (nhạc sĩ Hữu Minh chính là Minh Vy của hãng Kim Lợi) dùng độc quyền cho cặp song ca Đình Văn - Tài Linh trong album Mưa bụi (hãng Kim Lợi) làm xôn xao báo chí một thời.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm