(Bài dự thi) - Ai đó thường nói “Khói lam chiều buồn một cách ảm đạm” cũng đúng mà có thể chưa hẳn như thế. Chỉ biết trong hồn của những sợi khói ấy mang trong mình biết bao tình cảm, mang trong mình hồn quê mà ít ai có thể hiểu hết được. Những buổi chiều tà, nhìn từ con đê, ngôi làng bao trùm bởi một mầu u buồn bởi khói lam chiều. Nhưng không hiểu sao chính tôi lại cảm nhận điều đó ở một góc độ khác chan chứa biết bao cảm tình.
May mắn mà ai đó đã dành cho tôi được sinh ra từ một làng quê Bắc Trung bộ, cho tôi hiểu biết bao điều mà những năm tháng ấu thơ gửi lại đó. Khi xa rồi để còn có cái để mà thương mà nhớ mà ngậm ngùi mỗi khi ai đó khẽ chạm vào góc khuất kia. Khi đó tôi sẵn sàng mở rộng cách cửa tâm hồn để lùng sục, bới móc, kiếm tìm một khoảng trời riêng cho mình. Để làm gì ư? Đơn giản chỉ để…chỉ để mà thôi, như thế đã đủ lắm với tôi rồi.
Chiều tà bao giờ cũng vậy, những cánh diều no gió cứ bay ngạo nghễ giữa bầu trời cao tít. Tôi là thằng con trai ham chơi, với tôi những cánh diều kia là một điều gì đó quá đỗi thân quen. Tôi có thể thuộc lòng trong bàn tay cách làm thế nào để có một cánh diều tốt, phải chọn tre, chọn giấy, chọn dây, chọn hướng gió như thế nào để cánh diều được bay cao, bay xa tít tắp. Còn nữa cả sáo diều chứ, nào là cách đặt sáo diều như thế nào cho kêu to nhất, khoét sáo như thế nào cho âm thanh trong trẻo mà lại vang xa…Những cánh diều của tuổi thơ cứ thế bay, bay xa hơn nữa. Có một điều ở đây tôi chiêm nghiệm sau biết bao nhiều tháng ngày sống với quê hương, dù cánh diều kia có xấu có đẹp, có bay gần bay xa, dù con diều kia tiếng sáo có trong trẻo hay gợn đục…thì tất cả có một điểm chung là được nối bởi một sợi dây duy nhất. Đó không phải là một sợi dây bình thường mà một sợi dây vô hình nối với quê hương, nối với cội nguồn.
Khói lam chiều cũng giống cánh diều kia.
Làng tôi nhìn từ con đê thì xung quanh một luỹ tre xanh khổng lồ chạy dọc làng. Chẳng thể nhìn thấy một ngôi nhà nào từ con đê này cả, những ngôi nhà nằm sâu trong những luỹ tre kia như muốn ẩn mình với nắng với gió, ẩn mình với những trận bão. Cuộc sống chủ yếu của người dân làm nông nghiệp, quanh năm suốt tháng với cái cày cái cuốc, vất vả là vậy nhưng ai ai cũng lấy làm tự hào khi ở trong làng này. Họ luôn luôn yêu đời sống chân chất, mộc mạc. Tôi có dịp đi xa quê hương thấy được cảnh sống ở thành phố hối hả, người với người bon chen nhau sống với nhau chỉ bằng vụ lợi những lúc đó tôi lại chợt thoáng trong đầu tất cả những người dân trong làng mà thấy ngậm ngùi. Đã biết bao nhiêu người không chịu được cái đói cái khổ mà rứt ruột ra đi, nào là đi làm trong Nam, lên phía bắc hay lang bạc kỳ hồ ở một phương nào đó, cố thoát ra khỏi cái đói này. Và một điều đáng trân trọng, đáng quý ở đây là mỗi dịp tết tất cả lại tụ họp lại với gia đình với xóm với làng. Như cánh diều kia có bay xa bay cao thì cũng được nối bằng sợi dây dưới mặt đất. Đáng quý biết bao.
Chiều chiều tôi ngồi trên con đê lòng chợt buồn khi nhà ai đó bắt đầu nhóm bếp. Những sợi khói bắt đầu lan nhẹ theo khoảng không. Khói không vội vàng như đốt một đống củi nào đó, ở đây khói lam chiều phải thung thả, ung dung không lấy gì làm vội vàng cả. Ban đầu khói lan nhè nhẹ trong những bụi tre, một lát lâu mới thoát ra khỏi. Hình như lúc ấy khói như muốn ở lại ngụ cư sau luỹ tre lắm nhưng không hiểu vì một lý do nào đó bay lơ lửng để rồi một lát nữa hoà chúng với khói ở hai nhà, ba nhà rồi bốn nhà…Tất cả được trang hoàng bằng một mầu trắng u buồn cứ lơ lửng chỉ ngang ngọn tre thôi. Tất cả cứ cuộn với nhau cứ hoà lẫn với nhau thành một dòng chảy cứ lơ lửng khiến ai đó phải thốt lên một tiếng nào đó mới thoả mãn được. Tôi không vui, không buồn chỉ ngồi và suy nghĩ một điều gì đó sau những sợi khói kia. Khói lam chiều không phải là thứ khói từ bếp than đá, than tổ ong hay thứ khói từ bếp dầu. Khói lam chiều nhất thiết phải là thứ khói từ ngọn rơm từ gốc rạ từ cành cây ngọn cỏ mà người dân tận dụng, có như thế thứ khói kia mới tạo thành khói lam chiều được. Bà tôi nói “khói lam chiều bắt nguồn từ những thứ thân thuộc nhất với làng quê, còn những thứ xa vời thì chẳng thể nào mà bịn rịn như khói lam chiều được đâu cháu ạ”
Tôi đủ lớn để hiểu được những lời dạy của bà: “sau này cháu có học cao, đi xa thì cũng đừng bao giờ quên quê hương, quên nguồn cội gốc rễ của mình ở đây nhé”. Lời của bà đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ dạo ấy.
Bẵng đi một thời gian, tôi xa quê, xa luỹ tre xa xóm làng nhưng lòng đau đáu về nơi đã sinh ra. Không biết sau này có chắc khi học xong có về lại nơi nuôi nấng tôi, lòng chợt buồn một cách ảm đạm như chính khói lam chiều kia, cuộc sống mà nhiều khi đánh mất một thứ gì đó mà chính ta cũng không đủ bình thản để nhận ra đến một lúc nhận ra thì đã đi quá xa vời mất rồi. Có một điều luôn đau đáu trong lòng, khói lam chiều vẫn ngụ cư trong tâm hồn của tôi.
Lê Văn Bảo