“Những năm tháng kì diệu, với Cannavaro và Maradona”

30/09/2011 13:47 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Số phận của Fabio chắc chắn sẽ rất khác nếu tên họ của anh loại bỏ đi một chữ “p” và một chữ “i”. Nhưng có lẽ anh không bao giờ muốn đánh đổi tên họ và số phận của mình để có một cuộc đời như Fabio Capello. Bởi Fabio Cappiello đã thực hiện một hành trình dài trong đời, từ chỗ là một cậu bé nhặt bóng ở sân San Paolo, tập cùng đội trẻ Napoli với F.Cannavaro, để rồi một ngày, số phận biến anh trở thành một người con rể của Việt Nam, và coi nơi đây như quê hương thứ 2 để gắn bó máu mủ ruột già.

Điều gì sẽ xảy ra nếu số phận mỉm cười với Fabio Cappiello như đã từng với người bạn cùng tên với anh, nhưng có cái họ đã và đang làm rạng danh Napoli là Cannavaro? Không ai biết được điều ấy, kể cả chính Cappiello, vì nếu thế, anh đã không đi nửa vòng trái đất đến đây, lấy một cô gái Việt Nam làm vợ, có 2 đứa con xinh xắn lai Napoli-Việt Nam (theo cách nói của anh, Napoli-Việt Nam, chứ không phải Ý-Việt) và coi nơi đây mới chính là nhà của mình. Nhưng giữa bộn bề công việc của một manager phát triển của công ti du lịch Eviva Tour, một giáo viên tiếng Ý ở Đại học Hà Nội và gia đình, là nỗi đam mê cháy bỏng vì bóng đá, đặc biệt là về Napoli. Rất ít tifosi ở Việt Nam biết rằng, sống bên họ trong hơn 4 năm qua có một người Napoli đã từng có một quá khứ gắn bó với những kỉ niệm đẹp đẽ, hào hùng và sau đó là đau buồn với Napoli của Maradona. Chàng thanh niên ấy thậm chí đã cùng tập ở đội thiếu niên Napoli với F.Cannavaro, không biết bao lần có mặt ở đường piste của thánh đường San Paolo làm trẻ nhặt bóng cùng với người sau này trở thành huyền thoại của Napoli và đội tuyển Ý, đã chứng kiến những năm tháng đẹp nhất của đội bóng áo xanh nước biển với Maradona, Careca, Bagni và các đồng đội, nay đã trở thành huyền thoại.


Fabio Cappiello chụp chung với Bruscolotti, đội trưởng huyền thoại của
Napoli giai đoạn Scudetto 1987

Những trận đấu đầu tiên trong đời của Cappiello không phải ở San Paolo, nơi anh vẫn thèm khát được một ngày xỏ giày và đá bóng ở đó, mà là những sân bóng đầy bụi đất  ở những khu phố nghèo, với những vỉa hè vật vờ gái điểm và lũ nghiện xì ke. Cappiello là đội trưởng đội bóng của khu anh ở, với chiếc băng mà bà anh may đeo trên tay. Từng có một trận đấu đến bây giờ ở khu phố ấy người ta vẫn còn nhớ: người đội trưởng lẻo khoẻo năm ấy mới lên 7 ghi bàn quyết định từ một quả đá phạt ở những phút cuối trận. Ngay hôm sau, một tuyển trạch viên đã đến vừa Cappiello đến đá thử cùng đội bóng thiếu niên của khu Secondigliano. “Năm sau đó, tôi bùng nổ với 36 bàn thắng ghi được sau 18 trận đấu. Napoli để ý đến tôi, và tôi trở thành một cầu thủ nhí của Napoli từ năm 9 tuổi đến 12 tuổi. Đấy là nơi câu chuyện của tôi với Thánh Diego bắt đầu”. Trong những năm ấy, đội thiếu niên của Napoli cũng có Cannavaro, người lớn tuổi hơn anh, trưởng thành hơn anh và có một số phận may mắn hơn anh. Đội thiếu niên, ngoài việc đứng nhặt bóng ở sân San Paolo, thường xuyên có dịp được tiếp xúc với đội thanh niên và đặc biệt là “đội lớn” Napoli. Từ đấy, những giấc mơ ngày càng lớn lên, thôi thúc chú bé Fabio.


Hà Nội: Cậu bé nhặt bóng ấy 25 năm sau....

Cappiello nhớ lại: “Tôi có vinh dự được với đội nhí vài lần tập cùng những cầu thủ đã đưa Napoli đến Scudetto 1987, những Bagni, Carnevale, Careca, Giordano, Bruscolotti…Nhưng những cuộc gặp gỡ với Maradona là đáng nhớ nhất. Anh ấy là một người hết sức hào phóng và gần gũi ở ngoài đời. Khi làm trẻ nhặt bóng ngoài sân, tôi đã được tận mắt chứng kiến anh thi đấu. Đấy là một huyền thoại của thành phố, một người hùng, người quảng bá hình ảnh đẹp đẽ của Napoli và nước Ý ra thế giới. Ngày mà anh rời Italia (3/1991, TT&VH) là một trong những ngày đau buồn nhất trong đời tôi”. Cappiello có vài lần được đến nhà Maradona chơi. Trong lần đầu tiên mà Maradona mời anh và mẹ đến nhà mình ăn tối, lúc đấy Cappiello mới hơn 10 tuổi. Khi cửa mở, vừa nhìn thấy huyền thoại người Argentina đang ngồi trên ghế trong nhà, Fabio đã ngất xỉu, vì “cảm giác như lần đầu tiên được đối mặt với vị Thánh, với một tượng đài, nhưng sao người ấy gần gũi đến thế”. Maradona như Chúa, như thánh Gennaro, là tất cả những gì đẹp nhất và vĩ đại nhất. Vị thánh ấy phát hoảng khi thấy chú bé bất tỉnh và gọi ngay bác sĩ. Nhưng Cappiello sau đó đã mở choàng mắt. Ngay cả lúc ấy, Cappiello vẫn không thể tin được đấy lại là sự thật. Bây giờ, sau hơn 20 năm, anh vẫn nhớ cảm giác của ngày ấy, vẫn tôn thờ Maradona, nhưng lại coi đội Napoli mạnh nhất không phải là đội đã đoạt Scudetto lần đầu tiên trong lịch sử mùa 1986/87, mà là đội Napoli của mùa sau đó, khi đã tiến rất gần đến Scudetto lần thứ 2 liên tiếp thì thất bại trong cuộc đua với Milan ở những vòng cuối cùng. Một mùa bóng kì lạ, khi niềm yêu mến đội bóng, sự chờ đợi dâng trào. Thế rồi…


Fabio Cappiello chụp với Maradona ở nhà của huyền thoại người Argentina

Cappiello rời khỏi đội thiếu niên Napoli khi gia đình anh chuyển đến sống ở xứ Marche. Đối với anh, rời khỏi Napoli, chia tay các nhà vô địch, là một cú sốc lớn lao thực sự. Tác động của nó mạnh đến mức anh không thể nào học được. Sau đó gia đình đưa anh đến tập ở đội Sambenedettese chơi ở hạng Serie C. Nhưng cảm giác gắn bó và yêu bóng đá đến mức phải xỏ giày ra sân làm cầu thủ chuyên nghiệp cũng không còn nguyên vẹn nữa. Anh bỏ hẳn bóng đá để theo việc học, và chính học hành và nghiên cứu đã đưa anh đến Việt Nam, với đề tài luận văn về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đã cho anh cả một gia đình và một quê hương mới mà anh đã ở lại, hòa mình trong những người Việt anh đã quen và chưa quen. Nhưng cái duyên với bóng đá và nước Ý vẫn thôi thúc anh làm một điều gì đó. “Tôi mơ ước sẽ là hướng dẫn viên của Eviva đưa những người hâm mộ calcio ở Việt Nam đến các thánh đường như San Siro, San Paolo hay Olimpico cho những trận đấu lớn nhất của Serie A”.

Ừ nhỉ, tại sao không?

                                Anh Ngọc

Như Fabio Capiello đã thấy

Fabio chụp với Maradona ở nhà của huyền thoại người Argentina Đối với Napoli, bóng đá chính là một sự trả thù, một món nợ đối với cuộc sống. Ở cái nơi luôn coi là đã bị bỏ rơi này, rác rưởi ở khắp nơi, camorra hoành hành và giết chóc, các chính trị gia tham nhũng và ăn hối lộ, thì bóng đá là thứ duy nhất người ta bấu víu vào đó để cảm thấy cuộc sống này đáng sống đến thế nào. Khi ra thế giới, người Napoli không bao giờ nói đến những điều đáng buồn ấy. Với họ, Napoli là pizza, spaghetti, là ragu, là mozzarrella, là thánh Gennaro, là Maradona, bây giờ là Cavani và Lavezzi. Ngày trước, chưa có bóng đá trên truyền hình như bây giờ, cuộc sống của những người Napoli ngày chủ nhật có trận đấu trở nên sôi động, căng thẳng, kịch tính, đau khổ hoặc hạnh phúc đến điên dại thường là vào khoảng 5 đến 7 giờ chiều. Napoli vắng vẻ. Tất cả ngồi nhà hoặc quán bar và vểnh tai nghe radio. Chỉ có tiếng người BLV trên loa và không gì khác, nhưng dường như cả thế giới chỉ sống ở đó, theo tiếng nói khi gấp gáp, khi khoan thai của ông. “Bóng chuyền cho Francini, bóng đến chân Careca, và gooooooooooool”. Mẹ và gia đình Fabio đã như thế trong những năm tháng đẹp nhất của calcio, của Maradona, và tưởng tượng ra những trận đấu, những chiến thắng của Napoli, sự hồi hộp khi xem lại các bàn thắng của đội được đưa đến trên kênh RAI, chương trình “Novantesimo minuto” vào buổi tối. Họ ngồi đó, trước radio, không dám đi đâu, không thậm chí cả vào toilet dù “có nhu cầu”.

Những ngày chủ nhật, cha của anh đến nhà thờ chỉ để nguyện cầu cho Napoli chiến thắng. Những ngày mà Napoli bị dẫn điểm, mẹ anh nghe radio xong là vào trong nhà, quỳ xuống trước cây thánh giá, và cứ thế cầu cho đến khi Napoli có bàn gỡ mới thôi. Bây giờ bóng đá khác rồi, nhưng nỗi đam mê và tình cảm của các tifosi cho đội bóng vẫn thế. Cả mối quan tâm của camorra (mafia Napoli) vào bóng đá và Napoli cũng không thay đổi. Nhiều trận thua của Napoli có vấn đề, như trận gặp Udinese ở San Paolo mùa trước, Udinese chỉ sút 2 quả là có 2 bàn, và còn nhiều chuyện khác nữa. Ngay cả những năm tháng lịch sử hào hùng, người ta nghi là một số cầu thủ đã bán độ cho camorra. Đằng sau việc Maradona rời khỏi Napoli vào năm 1991 có thể có một âm mưu nào đó. Những năm ấy, Berlusconi dùng Milan để làm chính trị. Napoli không đọ lại được về sức mạnh tài chính và cả truyền thông, khi báo chí (chủ yếu do Berlusconi nắm) đã tàn sát Maradona và Napoli kể từ sau khi anh đưa Argentina vượt qua chính Italia ở trận bán kết Italia 90….

    

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm