U23 VN: Lối cũ... ta về

01/12/2011 12:11 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - 2 năm liên tiếp bóng đá VN trải qua 2 thất bại để lại những dư chấn nặng nề, và nếu để phân tích một cách chi ly thì nguyên nhân dẫn tới thất bại ở AFF Cup 2010 không hoàn toàn giống với thất bại tại SEA Games 26, nhưng cách ứng xử của “những người có trách nhiệm” với thất bại thì dường như vẫn không có gì thay đổi.

2 nhà cầm quân, một quan điểm

Từ Âu sang Á, từ Premier League đến V-League thì nguyên tắc cũng chỉ có một: Đội bóng không giành được kết quả như ý, HLV trưởng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, trước khi tính tới các nguyên nhân khác. Nhưng điều mà người ta mắt thấy tai nghe sau thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2010 và SEA Games 26 là gì?

Trong cuộc họp phân tích mổ xẻ về thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2010 được tổ chức cách Tết Nguyên đán năm ngoái chừng vài ngày, giống như HLV Goetz bây giờ, HLV Calisto cũng không cho rằng ông là nguyên nhân khiến đội bóng trắng tay và kiên quyết phủ nhận điều mà ai cũng thấy, sai lầm về chiến thuật trong trận bán kết lượt đi với Malaysia trên sân khách là lý do trực tiếp khiến ĐTVN phải từ giã cuộc chơi.


2 năm liên tiếp bóng đá VN trải qua 2 thất bại để lại những dư chấn nặng nề. Ảnh: VSI

Nhưng khác với HLV người Đức, những thành công đạt được cùng bóng đá VN khiến thái độ của HLV Calisto tại thời điểm ấy cứ như thể ông đang tranh luận về bóng đá chứ không phải là giải trình cho thất bại. Một ủy viên của Hội đồng HLV QG có mặt trong cuộc họp nêu trên sau này đã mô tả lại rằng, tuy họ có góp ý nhưng những ý kiến ấy nhanh chóng bị “tan chảy” trước “sức tấn công” của HLV Calisto, và quan trọng hơn là quan điểm của những nhân vật chủ trì cuộc họp có vẻ cũng xoay về ông thầy người Bồ Đào Nha.

Với HLV Goetz, một người mới đến và hẳn nhiên hiểu rõ ông đang đứng ở đâu, nên trong những ngày qua, chưa bao giờ nhà cầm quân người Đức có thái độ “sửng cồ” giống như người tiền nhiệm. Nhưng cách lý giải về thất bại của ông so với HLV Calisto thì không khác gì 2 giọt nước.

2 năm thất bại, một cách ứng xử

Tóm lại lại vẫn là: đội bóng không giành được kết quả như ý bởi rất nhiều nguyên nhân nhưng vai trò của HLV trưởng lại chỉ là thứ yếu. Các nhà cầm quân thì có quyền đưa ra quan điểm của mình, nhưng VFF bắt buộc phải có những phản biện đủ mạnh, và ngay cả khi có đưa ra quyết định tiếp tục hợp tác thì quyết định ấy phải là sản phẩm của một quá trình “phân tích, mổ xẻ” kỹ lưỡng, chứ không thể là thứ gì đó được sinh ra bởi tâm lý xuê xoa hoặc muốn “ỉm” thất bại đi càng nhanh càng tốt.

Nhưng một cách giải thích vô lý như vậy 2 năm rồi, sau 2 thất bại liên tiếp, vẫn được cho qua theo cách không thể dễ dàng hơn, với vỏn vẹn 2 cuộc họp chia đều cho mỗi lần. Lần thứ nhất còn có thêm các thành viên của Hội đồng HLV QG, còn lần thứ 2 thậm chí là kịch bản “đóng cửa bảo nhau” rồi thi xong xuôi tất cả cùng huề. Nên nếu ai đó phũ phàng nói rằng, cả HLV Calisto và HLV Goetz có thể sẽ không dễ dàng “lách” đến thế nếu họ không có “cơ chế”, thì điều ấy hẳn cũng phải xuất phát từ những điều mắt thấy tai nghe chứ không hề là suy đoán hàm hồ.

Với một cách ứng xử như vậy, sau thất bại tại AFF Cup 2010, vị thế của HLV Calisto không hề suy chuyển, thậm chí đã tồn tại cả một tâm lý “sợ” nhà cầm quân người Bồ Đào Nha nếu ông dứt áo ra đi. Cuối cùng, nếu diễn đạt đúng bản chất của vấn đề thì VFF đã rất bị động với cái cách HLV ĐTVN đùng một cái nhảy sang Muang Thong Utd, khi đang được “ông chủ” hết mực cưng chiều.

Còn bây giờ, HLV Goetz cũng không hề hấn gì sau màn ra mắt chính thức tệ hại của ông. Vấn đề đặt ra là nếu cứ duy trì “lối cũ” để “ta về” như thế, liệu các “ông chủ” một lần nữa có giữ được cái uy của mình trong mắt “người làm thuê”?

Đức Hoàng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm