V.Ninh Bình giải thể: Hết đam mê thì chia tay

08/01/2015 12:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi nghi án dàn xếp tỷ số ở AFC Cup 2014 bị bung ra, bầu Trường (ông chủ Hoàng Mạnh Trường) tuyên bố rút lui V-League vô thời hạn. Và sau khi nghi án thành án (với kết luận của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình), ông chủ tối thượng của đội bóng đất Cố đô Hoa Lư ra thông báo giải thể luôn đội bóng, bao gồm cả các tuyến trẻ. Hàng trăm người phải ra đường là đương nhiên.

Trên thực tế, việc bầu Trường dứt tình với bóng đá chỉ là vấn đề thời gian. Người ta tin rằng, việc 9 cầu thủ dính chàm chỉ là cái cớ và cũng không có chuyện ông chủ CLB hết tiền. Vấn đề là hết đam mê rồi thì chia tay, thế thôi! Ông Trường cần một cái cớ và ông đã có.

Tiền mất, tật mang

Kể từ khi mua lại suất chơi hạng Nhất từ Sơn Đồng Tâm (năm 2007), tính đến thời điểm bầu Trường giải thể đội bóng (bao gồm cả các tuyến trẻ), 1/2015, bản đồ bóng đá Việt Nam đã ghi tên V.Ninh Bình chừng 9 năm. Với trung bình 70 – 100 tỷ đồng bỏ ra mỗi mùa giải, các con số thống kê chỉ ra rằng bầu Trường đã bỏ ra chừng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương số tiền để xây dựng SVĐ quốc gia Mỹ Đình, bao gồm cả 2 sân tập bên cạnh. Đấy là con số quá khủng với một đội bóng tư nhân.

Giai đoạn ông bầu đất Cố đô Hoa Lư “đốt tiền” nhiều nhất là thời điểm GĐĐH Trần Tiến Đại còn tại vị. Người của V.Ninh Bình từng chia sẻ có thời điểm, “kho cầu thủ” của đội bóng này từng chứa đến 50 ngoại binh chờ việc. Người đến kẻ đi nườm nượp, V.Ninh Bình trở thành trạm trung chuyển cầu thủ đúng nghĩa. Chỉ trong vòng nửa thập niên, V.Ninh Bình đã thay đến cả chục HLV, trong đó cựu công thần của bóng đá Việt Nam là HLV E.Tavares chỉ tại vị được 1 tháng.

Kết thúc mùa giải hạng Nhất năm 2009, V.Ninh Bình lần đầu tiên giành suất lên chơi chuyên nghiệp, bầu Trường đã quyết định mở đại tiệc ngay tại tiền sảnh căn biệt thự trong khuôn viên nhà máy xi-măng ở Ninh Bình. Khi tiệc tùng đang đến lúc cao trào thì nhân viên sân Ninh Bình báo về rằng 2 con dê được dắt ra sân làm mẫu lúc chiều đã tắt thở vì bị thắt dây quá chặt. Thêm vài vụ xô xát ở tiệc tắm bia nữa. Ít ai biết đấy lại là điềm gở, là bắt đầu của sự kết thúc cho đến khi tất cả ngã ngũ.

Nói ra lại bảo quá lời nhưng ở một đội bóng như V.Ninh Bình thì chẳng có gì là không thể. Từ việc các cầu thủ nhốt mình trong phòng cả ngày, không ra sân tập và quản sinh không dám mở cửa vì toàn “xú khí”; đến việc vài trụ cột bay xuyên màn đêm, nhưng cuối tuần vẫn có suất đá chính; rồi vụ dàn xếp tỷ số bị bung bét mới đây. V.Ninh Bình từng bị ví là vùng đất chết với những cầu thủ mong đổi đời ở đây.

Thêm một bài học

Nếu như bầu Đức cần bóng đá làm kênh quảng bá cho các thương hiệu của HA.GL Group, thì bầu Trường gần như không có nhu cầu này. Với ông bầu đất Ninh Bình, bóng đá đơn thuần là cuộc chơi, là mua chút niềm vui, giải stress. Vì vậy mà phần lớn các mặt hàng kinh doanh (chủ yếu là xi-măng), bầu Trường chỉ tập trung ở Ninh Bình.

Mấy năm qua, ông mua thêm các nhà máy ở Hà Nam, Lạng Sơn và sắp tới là ở Nghệ An. Tại TP.HCM, ông Trường có thêm khách sạn Vissai ở Q.Phú Nhuận.

Ngót chục năm chơi bóng đá (với bầu Trường, phải dùng từ chơi mới sát nghĩa), nhưng ngay cả người trong cuộc cũng không chắc ông Trường có đóng góp gì cho bóng đá Việt Nam, ngoài việc Vissai là nhà tài trợ Cúp QG những năm đầu. Ở khía cạnh bình ổn giá, ông Trường còn phải chịu liên đới đến việc phá giá thị trường chuyển nhượng, khiến giá cầu thủ phi nước đại và tưởng như không có điểm dừng, cho đến trước khi bóng đá phải chịu hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng.

Trong tiềm thức, chắc chắn bầu Trường không muốn chọn cách này để chia tay bóng đá. Trước mùa bóng 2014, thiếu chút nữa ông Hoàng Mạnh Trường đã buông đội sau sự cố cầu thủ lãn công.  

Tiền lệ là do con người tạo ra với biết bao ông bầu giữa đường từ bỏ cuộc chơi, nhưng một lần nữa, những nhà quản lý và điều hành nền bóng đá xứ sở lại có thêm bài học xương máu với việc khoán trắng đội bóng cho các ông bầu.

Bầu Trường: “Không phải là từ bỏ mà chỉ tạm dừng”

Việc lãnh đạo CLB V.Ninh Bình tuyên bố giải thể trong những ngày đầu năm 2015 có lẽ khiến nhiều người trong cuộc tiếc nuối, thậm chí xót xa nhưng đây không phải là điều gì đó bất ngờ.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cho biết: “Thực ra tôi không bất ngờ với quyết định của lãnh đạo CLB V.Ninh Bình. Ngay từ khi họ không tiếp tục tham dự V-League 2014 vì có 9 cầu thủ bán độ, điều này đã được dự báo”.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Vissai Hoàng Mạnh Trường lý giải việc không tập trung xây dựng các tuyến trẻ nữa không phải là từ bỏ mà chỉ tạm dừng. “Khi nào có đủ điều kiện chúng tôi sẽ quay trở lại”, ông Trường nói.

Người đứng đầu Tập đoàn Vissai cũng khẳng định quyết định chính thức rút lui không đầu tư vào bóng đá là do không còn cảm hứng làm việc chứ không phải gặp khó khăn về tài chính.

Mặc dù lãnh đạo CLB V.Ninh Bình đã gửi đơn lên UBND tỉnh Ninh Bình để thông báo quyết định giải thể và xin ý kiến chỉ đạo, nhưng do bóng đá đã được địa phương chuyển giao cho doanh nghiệp tổ chức, quản lý nên sẽ không có chuyện can thiệp để CLB thay đổi quyết định và Ninh Bình sẽ trở thành vùng trắng về bóng đá.

Sau khi CLB V.Ninh Bình thông báo quyết định giải thể, điều khiến dư luận quan tâm nhất chính là tương lai của các cầu thủ trẻ của đội bóng cố đô Hoa Lư.

Hơn 50 cầu thủ của các lớp U13, U15 và U19 của V.Ninh Bình đã được cho về nhà nghỉ (trừ những trường hợp phải ở lại để tiếp tục học văn hóa) và lãnh đạo CLB sẵn sàng tiếp nhận lời đề nghị chuyển nhượng.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm