U23 Việt Nam muốn tiến xa hãy quên người Thái

15/12/2017 12:25 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ ngày trở lại với sân cỏ quốc tế, người Thái đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của bóng đá Việt cho tận đến thời điểm này, sau gần 3 thập kỷ. Nhưng rõ ràng, nếu chỉ "lăm lăm" thắng người Thái trong từng giải đấu cụ thể, từng thời điểm, thì còn lâu chúng ta mới vượt qua được họ.

Năm 1991 chính thức trở lại tại SEA Games 16 ở Philippines, 4 năm sau bóng đá Việt Nam lần đầu gặp Thái Lan ở cấp độ đội tuyển quốc gia trong khuôn khổ SEA Games 18 tại Chiang Mai. 1 trận ở vòng bảng thua 1-3 với bàn duy nhất của Hữu Đang, đến chung kết thua đậm hơn 0-4 và đều là những trận thua tâm phục, khẩu phục của Tuyển Việt Nam khi Thái Lan lúc đó quá mạnh với lứa Kiatisuk đang ở đỉnh cao.

Nhưng cũng kể từ thời điểm có chỗ đứng trong tốp đầu khu vực ấy, giấc mơ "thắng Thái" đè nặng lên cả nền bóng đá quốc gia. Đương nhiên, muốn vươn tầm thì trước hết phải thoát khỏi cái "ao làng" khu vực, mà muốn thoát thì phải vượt qua đối thủ số 1 và cũng là số 1 Đông Nam Á này. Chỉ có điều, liên tiếp những trận thua kiểu "vỡ mặt" đã sớm biến giấc mơ ấy thành nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam, dù ai cũng biết 1 trận thắng, hay một giải đấu không đồng nghĩa với việc chúng ta thực sự vượt qua họ. Tiger Cup 1998 và AFF Cup 2008 là những minh chứng rõ nhất.

Và gần 3 thập kỷ trôi qua, nỗi ám ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn đè nặng hơn lên cái đầu lẫn đôi chân của lớp những cầu thủ trẻ mà lý ra, họ chẳng có lý gì phải sợ người Thái nếu xét về tài năng lẫn trình độ. U22 thua sốc Thái Lan tại SEA Games 29 trong trận cầu mà quyền chủ động thuộc về thầy trò HLV Hữu Thắng. Gần nhất U21 tuyển chọn Việt Nam cũng gục ngã trước U21 Thái không hề xuất sắc hơn mà nguyên do cũng chỉ là sự sợ hãi đến căng cứng của từng cầu thủ. Vậy nên, hôm nay khi U23 của HLV Park Hang Seo phải đá với người Thái lại trên đất Thái, lo ngại nhiều hơn là hy vọng.

Dưới cơ trên từng mặt trận, thua sút cả trong công tác quản lý vận hành nền bóng đá, nếu lấy đó làm tham chiếu, có lẽ còn rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới có thể đuổi kịp, chứ chưa nói đến chuyện vượt qua Thái Lan.

Chỉ có điều, bóng đá không phải là phép so sánh số học đơn thuần. Những chia sẻ mới đây của HLV người Tây Ban Nha, ông Julian Marin Bazalo khi dẫn dắt U21 Thái Lan sang Việt Nam dự giải U21 quốc tế, đáng để những nhà quản lý bóng đá nội suy ngẫm.

Từng theo dõi U20 Việt Nam chơi tại FIFA U20 World Cup 2017 và dẫn dắt nhiều đội bóng trẻ của xứ Chùa Vàng, ông Bazalo có so sánh khá thú vị khi ví sự cạnh tranh của bóng đá Việt Nam và Thái Lan như giữa Real Madrid và Barcelona. Sự cạnh tranh là có thật và chẳng ai vui vẻ gì khi thua cuộc, hoặc thấy đối thủ thành công hơn. Nhưng điều quan trọng, theo HLV người Tây Ban Nha, sự cạnh tranh ấy nếu biết tận dụng sẽ tạo ra động lực phát triển, thu hút thêm người hâm mộ quan tâm.

Quan trọng hơn, mỗi nền bóng đá đều có điểm mạnh riêng và cần phải được phát huy. Nếu người Thái là lực cầu thủ dồi dào nhờ Thai-League chất lượng, tổ chức bài bản, thì Việt Nam có nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc, chơi hiện đại và đẳng cấp. "Điều này cho thấy, bóng đá Việt Nam có cách làm riêng, thế mạnh riêng", HLV Bazalo chia sẻ.

Người Thái không đánh giá thấp U23 Việt Nam, FLC Thanh Hóa ra mắt thầy mới

Người Thái không đánh giá thấp U23 Việt Nam, FLC Thanh Hóa ra mắt thầy mới

Người Thái không dám đánh giá thấp U23 Việt Nam, FLC Thanh Hóa ra mắt thầy mới chiều nay là những thông tin chính bóng đá Việt ngày 15/12.

Chia sẻ của ông thầy người Tây Ban thực ra cũng không có gì mới và cũng chẳng hề khách sáo kiểu "khách đến chơi nhà". Tài năng của bóng đá Việt thời nào cũng có, nhưng để biến những tài năng ấy thành sức mạnh của cả nền bóng đá quốc gia thì chưa, khi mà tư duy lẫn cách làm thời vụ chộp giật kiểu... thắng Thái mới vui còn đè nặng. Vậy nên, hãy quên người Thái Lan, hãy coi họ chỉ là 1 đối thủ cần được tôn trọng và đá với họ bằng chính năng lực thực sự của mình.

Chỉ như vậy, bóng đá Việt Nam mới vượt qua nỗi ám ảnh để tiến lên.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm