Từ Quang Hải nghĩ về giới hạn cầu thủ Việt Nam

11/10/2022 06:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

Bàn thắng đầu tiên của Quang Hải trong màu áo CLB Pau ở Ligue 2 đang được cho là lịch sử bóng đá Việt Nam. Trước Quang Hải, cũng đã có 3 cầu thủ Việt Nam từng ghi bàn khi chơi bóng ở nước ngoài là Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh và Lương Xuân Trường. Nhưng rồi tất cả họ cũng không thể trụ được vì không thể hiện được bản thân ở thời gian sau đó.

Quang Hải và động lực từ đội tuyển Việt Nam

Quang Hải và động lực từ đội tuyển Việt Nam

Sau 130 ngày, 8 trận và 234 phút thi đấu cho Pau FC, cuối cùng Quang Hải đã có bàn thắng, trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên ghi bàn tại châu Âu và là người thứ 2 sau đàn anh Lê Công Vinh năm nào.

Với riêng Quang Hải, để tồn tại được ở CLB Pau thì còn quá nhiều thách thức với cầu thủ được xem như xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Chắc chắn Quang Hải sẽ nhìn bài học từ các đàn anh để nỗ lực bội phần. Rộng hơn nữa, giấc mơ chơi bóng trời Âu của cầu thủ Việt Nam vẫn còn xa.

Lần giở ký ức về lai lịch những lần xuất ngoại để thấy rằng được ra nước ngoài (và được ra sân thi đấu) mãi là câu chuyện bất tận với cầu thủ Việt. Ở đó, rất nhiều câu hỏi được đặt ra ví như cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu có phải là lựa chọn tốt? Vì sao những cầu thủ đã được ra đi không thành công như mong đợi? Chúng ta cần làm gì trong thời gian sắp tới để xuất ngoại cầu thủ thành công?

Khi mở ra học viện HAGL JMG, bầu Đức đặt vào đó nhiều kỳ vọng cùng số tiền đầu tư lớn. Tuy nhiên mô hình đào tạo của HAGL JMG theo thời gian bộc lộ rất nhiều hạn chế, đặc biệt là việc quá tập trung vào đào tạo kỹ thuật mà không chú trọng việc cải thiện thể hình, thể lực của cầu thủ. Nhớ lại, thời điểm những Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc rồi cả giải VĐQG Bỉ mọi thứ vô cùng rầm rộ. Rầm rộ và cả kỳ vọng nhưng đổi lại những thương vụ đó cũng không mang lại giá trị chuyên môn khi tất cả họ đều quay về trong thất bại. Ngay ở sân cỏ Việt Nam, họ cũng không thể giúp HAGL đạt thành tích tốt dù đã chơi đến 8 mùa V-League. Đã thế, quân HAGL của bầu Đức ngày càng mờ nhạt trong màu áo đội tuyển Việt Nam.

Trước đó, một số cầu thủ Việt xuất ngoại theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cầu thủ được chờ đợi là Lê Công Vinh, cũng gây thất vọng. Lê Công Vinh được HLV Calisto nhiệt tình giới thiệu sang thi đấu cho CLB Leixoes, đang chơi ở giải ngoại hạng Bồ Đào Nha. Bản hợp đồng cho mượn được ký kết vào cuối tháng 8/2009 và Công Vinh chính thức sang châu Âu thi đấu. Vinh được ra sân 2 lần và ghi 2 bàn khi CLB Leixoes đá giao hữu với đội Custoias và Padroense. Sau đó, anh được bố trí thi đấu trong 2 trận đấu chính thức cho Leixoes tại giải Ngoại hạng Bồ Đào Nha và Cúp quốc gia Bồ Đào Nha nhưng mờ nhạt. Tiền đạo người Nghệ An phải trở về nước.

Chú thích ảnh
Quang Hải vẫn còn phải đối diện nhiều thử thách trong màu áo Pau FC. Ảnh: Pau FC

Có thể kể thêm trường hợp Đoàn Văn Hậu. Năm 2019, anh sang chơi bóng cho CLB SC Heerenveen tại giải vô địch quốc gia Hà Lan. Thế nhưng, cả mùa giải, Văn Hậu mới chỉ thi đấu đúng 4 phút trong một trận đấu đã an bài tại Cúp quốc gia rồi dọn hành lý hồi cố hương ở tuổi 21.

Để bây giờ, lúc Quang Hải chuyển sang môi trường chơi bóng ở giải đấu hạng Nhất Pháp, câu chuyện đã được nhìn nhận ở tầm mức nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn. Ở đây, thấy rõ một sự chuyển biến tích cực về quy trình chuẩn bị hành trang cho giấc mơ chơi bóng tại châu Âu của cầu thủ, người đại diện với đối tác. Bản thân CLB Pau cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Quang Hải thích nghi, hòa hợp, ra sân thi đấu.

Quang Hải đã chơi 8 trận cho Pau FC từ đầu giải (2 trận đá chính) với tổng cộng 232 phút thi đấu. Trận đấu với Rodez AF là lần thứ 6, Quang Hải được tung vào sân từ băng ghế dự bị. Thời gian gần đây, HLV Didier Tholot cùng người hâm mộ đã khá “sốt ruột” với Quang Hải. Thật may, đúng lúc bí bách nhất, Quang Hải ghi bàn thắng đầu tiên của mình ở Ligue 2. Chỉ 1 bàn thắng nhưng tình hình đã đỡ ngột ngạt hơn với cầu thủ Việt Nam.

Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Để Quang Hải tiếp tục có được vị trí đá chính, tỏa sáng trong màu áo CLB Pau vẫn còn quá nhiều thách thức. Bởi, giới hạn tài năng cùng thể trạng của cầu thủ Việt Nam ở thời điểm này rất khó để chơi bóng ở châu Âu. Giải chuyên nghiệp của ta cùng các CLB phải phát triển hoàn thiện hơn nữa. Nên chăng, việc các cầu thủ của ta chọn môi trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc để chinh phục sự nghiệp xem ra thiết thực hơn. Từ đó, tạo bàn đạp để vươn ra châu Âu cũng chưa muộn.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm