Trợ lý Apisit: Tuyển Thái Lan mạnh vì HLV là người Thái

19/10/2015 05:40 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Rất lâu rồi, các câu chuyện xoay quanh bóng đá Việt Nam mới lại nóng như lúc này, khi nhà nhà, người người luận đàm việc chấn hưng nền bóng đá. Rất nhiều chuyên gia đã hiến kế… Và dưới đây là một câu chuyện của người Thái, cựu tiền đạo Apisit, 41 tuổi từng có thời gian ngắn thi đấu cho các CLB nhỏ ở Việt Nam là Bình Định và An Giang, mà phóng viên Thể thao & Văn hoá ghi lại.

Chúng tôi gặp Apisit những ngày ở Hà Nội, khi vị trợ lý của HLV Kiatisuk Senamuang đi tiền trạm, thám thính đối thủ Việt Nam thông qua trận đấu với Iraq. Cũng như bao cầu thủ Thái Lan khác từng hành nghiệp tại dải đất hình chữ S, Apisit nói tiếng Việt rất sõi.

Khác biệt ở phương pháp làm

“Việt Nam đã có một trận đấu quá tốt, ý tôi là ngay cả khi bị Iraq gỡ hoà vào những giây cuối cùng, các bạn vẫn xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay. Rất lâu rồi tôi mới lại được thấy đội tuyển Việt Nam đá hay như thế kể từ sau các trận chung kết AFF Cup 2008. Tôi nghĩ Thái Lan sẽ phải rất cẩn trọng khi gặp lại Việt Nam”, Apisit trải lòng bên cạnh cốc bia lạnh giữa tiết trời thu Hà Nội.

“Ở Thái Lan, HLV Kiatisuk toàn quyền huấn luyện các đội tuyển Olympic, U23 và ĐTQG Thái Lan với một giáo trình xuyên suốt. Khác biệt ở chỗ, dưới trướng “Zico Thái” là đội ngũ các trợ lý HLV, những người giúp việc rất hùng hậu, có nghề và tôi là một trong số đó (cười). Kiatisuk chỉ xuất hiện tại các đội tuyển tuyến dưới khi cảm thấy cần thiết, bởi công việc chính của anh ấy là ở ĐTQG”, vẫn lời Apisit.

Apisit cho biết phần lớn thế hệ cầu thủ cùng thời với anh và Kiatisuk hiện đều đã giải nghệ và làm công tác huấn luyện tại các CLB ở Thai-Premier League hoặc giải hạng Nhất Thái Lan. “Duy nhất chỉ còn Therdsak Chaiman, ở tuổi 42, anh ấy vẫn đang chơi cho Chonburi FC đá ở Thai-Premier League. Ở Thái Lan, anh ấy là một tấm gương mẫu mực về tính chuyên nghiệp”, Apisit cho biết.

“Sau khi trở lại Thái Lan từ V-League, những cầu thủ như Sakda, Nirut, Sarayuth Chaikamdee, Niweat, Thonglao… đều không mấy khó khăn để tìm một vị trí chính thức tại các CLB thi đấu ở Thai-Premier League. Đơn giản bởi họ là những cầu thủ chất lượng bậc nhất nền bóng đá Thái Lan. V-League vào thời điểm những năm trước đây có trình độ không thua gì Thai-League, thậm chí còn trội hơn về tài chính”.

Sau một thời gian đủ dài quá độ lên chuyên nghiệp, kể từ sau năm 2007, Thai-Premier League ra đời để thay thế cho phiên bản cũ Thai-League. Đề án, cơ chế vận hành và các chương trình phát triển Thai-Premier League được mô phỏng từ Premier League của Anh quốc. “Chúng tôi có 18 đội chuyên nghiệp và 20 đội ở giải hạng Nhất cùng với hệ thống đào tạo trẻ rộng khắp để cho ĐTQG một cơ thể khoẻ mạnh”.

Thay đổi hay là “chết”

“Giá mà tỷ số chỉ là 1-0 hay 2-1. Đằng này… Chúng tôi đã không nghĩ lại thắng dễ đến thế. Tôi cho rằng các bạn đã quá nôn nóng sau khi bị dẫn bàn rồi đẩy cao đội hình mà không đưa ra được giải pháp tiếp cận cầu môn, dẫn đến vỡ trận. Dù sao, chúng tôi có chiến thắng quá ngọt ngào để dành tặng các CĐV đã lặn lội sang Việt Nam cổ vũ đội bóng”, đấy là chia sẻ của Apisit sau trận “đại chiến” Việt Nam-Thái Lan.

Cũng theo Apisit, tiếng nói của các CĐV ở Thái Lan có trọng lượng rất lớn và ở cấp CLB, nó quyết định luôn sự tồn vong của đội bóng. “Các CLB bóng đá Thái Lan thuộc về các cộng đồng người bản địa, chứ không chịu sự chi phối của các ông chủ hay Liên đoàn. Tôi lấy ví dụ như tân binh Thai-Premier League, Nakhon Ratchasima, chẳng hạn, họ đang sở hữu nguồn lực CĐV đông nhất nước dù chỉ là một tỉnh lẻ”.

Lại nhắc Nakhon Ratchasima. Cách đây 8 năm, khi các PV Việt Nam tìm đến tỉnh phía Bắc Bangkok này tác nghiệp SEA Games 24, bóng đá ở đây gần như là con số không, với chỉ 1-2 CLB chơi ở giải hạng Nhì. Trước khi SVĐ 80th Birthday (sân bóng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Nhà vua Thái Lan – PV) được xây cất để phục vụ SEA Games, họ chơi trên sân Municipality, thuộc thủ phủ Korat, sức chứa 5.000 người.

“Chúng tôi đã từng nếm trải các thất bại liên tiếp kể từ sau năm 2007 và nhận thấy, mình phải thay đổi. LĐBĐ Thái Lan (FAT) mời các chuyên gia giỏi để xây dựng chiến lược, trong đó các CLB được khuyến khích, hỗ trợ đào tạo trẻ, bởi đây chính là cái gốc, cái nền móng. Lực lượng CĐV tại chỗ cũng rất quan trọng, bởi không có họ, bóng đá sẽ chết. Sau đó mới là các kế hoạch về tài chính, thu hút tài trợ, phát triển các giải đấu”.

Nói một hồi, Aspisit chốt lại: “Việt Nam cũng có các CĐV rất cuồng nhiệt nhưng các bạn lại không biết tận dụng nguồn lực để phát triển. Thuê thầy ngoại nắm các ĐTQG chỉ để trang trí bề nổi, săn thành tích trước mắt, chứ không bền vững. Thực tế, bóng đá Thái Lan cũng từng nhiều lần thất bại khi giao phó hết cho thầy ngoại rồi. Suy cho cùng thì không ai hiểu nền bóng đá của các bạn hơn chính mình. Vấn đề là phải hành động”.

1. Một CLB ở tỉnh lẻ như Nakhon Ratchasima (biệt danh là Swat Cats) lại có lực lượng CĐV đông đảo nhất Thai-Premier League cũng tựa như SLNA hay Thanh Hoá của Việt Nam vậy. Đó là lý do mà tân binh Nakhon Ratchasima thu hút được các thương hiệu cỡ bự như Mazda, Grand Sport, Chang, Muang Thai và DTAC đồng hành.

6. Chỉ tính riêng Thủ đô Bangkok đã có tới 6 CLB hiện đang chơi ở Thai -Premier League là Army United, Bangkok United, BEC Tero Sasana, Osotspa, Cảng Thái và TOT. Không giống như Hà Nội chỉ có 2 đại diện và TP.HCM thậm chí đang là vùng trắng trên bản đồ V-League.

8. Có đến 8/18 CLB ở Thai-Premier League đang sử dụng các HLV người nước ngoài và nếu tính thêm các trợ lý HLV ngoại, con số còn nhiều hơn. Họ chủ yếu đến từ châu Âu và Nam Mỹ, kéo theo đó là rất nhiều các ngoại binh chất lượng cùng xuất xứ đến với Thái Lan (một CLB ở Thai-Premier League được đăng ký 5 ngoại binh, trong đó có một ngoại binh thuộc các LĐBĐ châu Á, trong khi con số này là 2/CLB V-League).


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm