Tìm nhà vô địch V-League 2016: Ôn cố tri tân

10/09/2016 11:41 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có tổng cộng 7 nhà vô địch, trong lịch sử 16 năm tuổi của V-League, giải bóng đá cao nhất dải đất hình chữ S. Còn mùa này, Hà Nội T&T, Than Quảng Ninh, Hải Phòng và SHB Đà Nẵng là 4 ứng viên còn lại trên đường đua ở 2 chặng nước rút, V-League 2016, với 2 trong số này từng là các cựu vương (SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T).

Người ta đang mong ngóng một vị vua mới, bởi nó không những làm mới hình ảnh giải đấu, mà bóng đá Việt Nam có thể còn được lợi.

1. Nếu lịch sử giải đấu (chỉ) là 7 năm đổ lại, các đội bóng có liên quan đến bầu Hiển (chủ tịch Đỗ Quang Hiển) là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T đã nắm 4/7 chức vô địch V-League. Khi mùa giải 2016 còn 2 lượt trận, họ hoàn toàn đủ khả năng để đánh chiếm “ngai vàng” lần thứ 5, đấy là chưa tính mặt trận Cúp QG, giải đấu bị xem là hạng 2, khi Hà Nội T&T đã lọt đến trận chung kết (gặp Than Quảng Ninh) và SHB Đà Nẵng cũng từng hơn một lần “đăng cơ” trong quá khứ.

Với một cuộc đua đường trường và khắc nghiệt như V-League, một đội bóng không trở thành nhà vô địch, sau giấc nồng. Bất kể mọi đồn đoán, các chức vô địch của Hà Nội T&T (2010 và 2013), cũng như SHB Đà Nẵng (2009 và 2012) đều có đầy đủ sự tích luỹ. Hà Nội T&T đã từng vung tiền sắm sao, nhưng cũng biết năng nhặt chặt bị, trong khi, đội bóng bên bờ sông Hàn được thừa hưởng hệ thống đào tạo chất lượng từ thời Phan Thanh Hùng, cùng một số ngoại binh chất lượng.


Hải Phòng có vượt qua được giới hạn bản thân để đăng quang tại V.League 2016?Ảnh: V.S.I

Mặc dù vậy, ở khía cạnh đóng góp cho nền bóng đá và các ĐTQG, ngoại trừ SLNA, HAGL, B.Bình Dương và một phần ĐTLA (Long An) trong quá khứ, các nhà vô địch còn lại (bao gồm cả Cảng Sài Gòn (cũ), SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T) chưa thực sự phát huy hết thiên chức của quân vương. Phần lớn họ đều thua tan nát tại đấu trường châu lục, AFC Champions League và AFC Cup, trong khi đó, trên bình diện ĐTQG, cả số lượng và chất lượng tuyển thủ cung ứng cũng không cao.

Bóng đá có thịnh, ắt có suy, nhưng ở nhiều thời điểm khác nhau, SLNA luôn là đội đóng góp số lượng tuyển thủ quốc gia đông nhất. Họ hoặc đang chơi trong màu áo đội bóng xứ Nghệ, hoặc trưởng thành từ đây, trước khi chuyển đến các CLB lớn. Thế mới có câu: “Nhân tài bóng đá xứ Nghệ dồi dào như dòng nước sông Lam”. Gần đây, khi lứa đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG xuất xưởng, với khá nhiều cầu thủ giỏi, nhưng “lò” SLNA vẫn không bị yếu thế và lép vế.

Dài dòng như thế để thấy rằng, hệ thống đào tạo trẻ nắm vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định của một đội bóng, một nền bóng đá. Về điều này, Hà Nội T&T cũng chỉ mới bắt đầu ý thức từ dăm ba năm đổ lại. Trong khi đó, SHB Đà Nẵng bắt đầu biểu hiện đi xuống, nên bầu Hiển mới phải điệu Văn Sỹ Hùng vào ải Chi Lăng làm giám đốc đào tạo trẻ. B.Bình Dương và Long An, thậm chí còn tệ hơn ở mảng đào tạo. Đất Thủ chỉ mạnh tiêu thụ đồ ăn nhanh, phần lớn được mua về bằng tiền.

Đâu là bí quyết thành công của Than Quảng Ninh?

Đâu là bí quyết thành công của Than Quảng Ninh?

Không phải là một ứng cử viên cho chức vô địch V-League mùa này nhưng Than Quảng Ninh đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử với vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng khi mùa giải chỉ còn 2 vòng đấu.

Phần lớn kinh phí hoạt động của đại gia B.Bình Dương đều là từ ngân sách Nhà nước. Nhiều người sẽ ngỡ ngàng về điều này, song nên nhớ, Công ty mẹ Becamex IDC là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh uỷ, với những hạng mục đầu tư khổng lồ, chia sẻ và tạo điều kiện rất nhiều cho các Công ty con trực thuộc, với một trong số đó là Công ty CP Thể thao & Bóng đá Bình Dương, quản lý đội bóng. Mối quan hệ chéo, tương hỗ qua lại, giúp B.Bình Dương trở thành một thế lực thực sự.

Những thành tích ấn tượng của đội bóng đất Thủ tại AFC Cup và AFC Champions League cần được ghi nhận. Không chỉ bóng đá Việt Nam được tiếng thơm, mà V-League cũng nở mày nở mặt. Nhưng việc BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia hạn chế các suất đăng ký ngoại binh, như Thể thao & Văn hoá Cuối tuần đã nhận định, có thể là bước thụt lùi trong việc nâng tầm giải đấu, cũng như đảm bảo năng lực cạnh tranh cho các nhà vô địch đại diện chơi ở đấu trường châu lục.

2. Hệ thống đào tạo trẻ của cả Than Quảng Ninh và Hải Phòng, bao năm qua, đã bị lãng quên. Với Phan Thanh Hùng và Trương Việt Hoàng, 2 đội bóng vùng Đông Bắc giờ đang tính gầy dựng trở lại. Thôi thì muộn còn hơn không. Nhưng, ở cấp độ đội 1, việc 2 đội bóng này đang hiện diện trên đường đua đến chức vô địch V-League 2016, kèn cựa với các đội bóng lớn hơn về tầm vóc, thực sự là tín hiệu đáng mừng cho giải đấu. Bóng đá luôn cần các gói kích cầu để hướng tới phát triển bền vững.

Các giá trị vẫn cần được bảo lưu, song ngẫm ra, người ta không phải không có lý để ngóng chờ hình bóng một nhà vô địch mới của V-League.

Than Quảng Ninh hay Hải Phòng phải chăng đang được các cổ động viên trung lập chờ đợi nhất?

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm