'Tiếu' già' Hồ Văn Lợi: Biểu tượng thất truyền

23/08/2019 14:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nói là thất truyền, bởi trước và sau “Tiếu già” Hồ Văn Lợi, không có một cầu thủ nào có phong cách chơi bóng độc và dị như anh. Áo thừa vải, quần rộng thùng thình, nhìn Hồ Văn Lợi không ai nghĩ anh là một cầu thủ đá bóng, chứ đừng nói một danh thủ - một biểu tượng thất truyền. Lịch sử giải bóng đá cao nhất Việt Nam V-League 20 năm tuổi, mới chỉ có 2 cầu thủ người Việt từng giành danh hiệu “Vua phá lưới”, người đầu tiên là Hồ Văn Lợi (mùa giải 2001 – 2002) và 16 năm sau là Nguyễn Anh Đức.

HLV Park Hang Seo quyết đoán hay bảo thủ?

HLV Park Hang Seo quyết đoán hay bảo thủ?

Phớt lờ một Văn Quyết đang có phong độ cực cao, đồng thời bỏ qua Martin Lò, người luôn gây ấn tượng ở các đợt tập trung trước, HLV Park Hang Seo đang tạo ra không ít tranh cãi với hai bản danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam.

“Tiếu già” Hồ Văn Lợi là ai, tại sao lại có cái tên “Tiếu già”, anh đã chơi bóng ở đâu, như thế nào và cuộc đời sau treo giày của anh? Tại sao Hồ Văn Lợi lại được yêu mến đến thế, để hôm nay, những người anh, người bạn và cả những người em đưa những cánh tay ra chia sẻ?

Tại sao, “Tiếu già”?

“Đó là những ngày tháng nặng nề”, Hồ Văn Lợi chậm rãi, mắt như muốn đẫm lệ, bên cạnh cốc bia lạnh ở ngã tư đường Lý Tự Trọng - Nguyễn Trung Trực (TP.HCM). “Tiếu già” là người sống nội tâm, hiếm chia sẻ điều gì với ai, chứ đừng nói là cánh phóng viên. Anh đang nói về những ngày nhận lệnh “làm việc” với Cơ quan điều tra về vụ án “mua chức vô địch mùa giải 2000-2001”, với “tội danh” nhận hối lộ. Huỳnh Hồng Sơn và Hồ Văn Lợi là những người cuối cùng của Cảng Sài Gòn (cũ) bị gọi lên phục vụ điều tra, sau khi Nguyên Chương, Văn Phụng, trong đường dây của Trương Tấn Hải, đã được tại ngoại.

“Xộ khám” là 2 từ mà không một ai muốn nhắc tới, Hồ Văn Lợi lại càng không. Ngày đó anh chỉ nghĩ đơn thuần, vài chục triệu đồng chỉ là tiền bồi dưỡng của “đối tác”, sau khi anh và đồng đội đã chiến đấu hết mình ở lượt trận cuối mùa giải năm đó. SLNA có chức vô địch và một số cầu thủ của Cảng Sài Gòn như Hồ Văn Lợi nhận “bồi dưỡng” vì đã thắng đậm Nam Định.

Cuộc sống với Hồ Văn Lợi đúng là lắm truân chuyên, nhiều khúc quanh và khúc cua còn ngặt hơn cả tay áo. Anh khởi nghiệp không được như chúng bạn, khi không được nhận vào lớp năng khiếu, lẽo đẽo nhặt bóng mãi mới được mặc áo ở Cảng Sài Gòn, với sự kèm cặp của người anh ruột cũng là một danh thủ: Hồ Văn Tam, cùng sự ưu ái của thầy - cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Mối quan hệ của thầy Tam Lang với “Tiếu già” Hồ Văn Lợi rất đặc biệt, không đơn thuần chỉ là tình thầy trò, tình cảm của HLV với cầu thủ, nó giống như tình cha con vậy. Chỉ “Tiếu già” mới có được sự đặc cách của thầy Lang.

Chú thích ảnh
Nhìn Hồ Văn Lợi chơi bóng, ít ai nghĩ anh từng là một danh thủ của bóng đá Việt Nam.
Ảnh: Tuấn Hữu

“Tiếu già” Hồ Văn Lợi là một người thích uống bia và không thể không uống bia trước, cũng như sau các trận đấu. HLV Tam Lang có thể cấm cửa các ngôi sao cỡ Phan Hữu Phát hay Đặng Trần Chỉnh, nhưng Hồ Văn Lợi thì không. Bởi không có “vitamin cay cay” trong người, “Tiếu già” không đá được bóng, không ghi những bàn thắng quan trọng và Cảng Sài Gòn cũng khó thể có chiến thắng.

Nếu như cố nhà báo Chánh Chinh là người đưa khái niệm “lá vàng rơi” đến với người đọc, thì Hồ Văn Lợi là cầu thủ làm mẫu cho những bàn thắng kiểu như vậy ở trên sân. Bóng sau khi rời chân Hồ Văn Lợi đi với quỹ đạo rất khó đoán, như chiếc lá rơi cuối Thu vậy. Nhẹ nhưng hiểm và rất thường xuyên các thủ môn phải đứng chôn chân. Nó làm nên tên tuổi của Hồ Văn Lợi, giúp anh trở thành biểu tượng của Cảng Sài Gòn nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, dù Lợi không có duyên với màu áo ĐTQG. Chỉ bằng một cú ngoặt bóng, Hồ Văn Lợi có thể làm trôi 3-4 cầu thủ đối phương.

Nếu bạn đã từng được xem Hồ Văn Lợi chơi bóng, hay tốt hơn là được chơi bóng cạnh anh, ngay cả khi “Tiếu già” đã giải nghệ, mới cảm nhận được độ quái và dị đến đâu của cầu thủ nhỏ con đeo áo số 14 này. Hồ Văn Lợi đã có gần 20 năm chơi bóng cho chỉ một màu áo Cảng Sài Gòn và sau này là TMN.CSG, rồi CLB TP.HCM… Anh đã có 3/4 chức vô địch quốc gia cùng với Cảng Sài Gòn, 2 Cúp QG và vô số các danh hiệu cá nhân và tập thể khác. Nhưng, những con số khô khan ấy không nói lên hết cái tên Hồ Văn Lợi. “Tiếu già” là một, là duy nhất, một góc nào đó, giống như Quang Hải đương thời vậy.

Và góc khuất “Tiếu già”

Hồ Văn Lợi người gốc Huế di cư vào Nam đã lâu. “Tiếu” có nghĩa là hài hước, chỉ sau 3 chai bia, Hồ Văn Lợi có thể khiến tất cả phải cười nghiêng cười ngả bằng những câu chuyện, cười… không nhặt được mồm. “Già” chính là sự sự đau đáu, nhiều vết nhăn trên khuôn mặt và già cả trong các chơi bóng của Hồ Văn Lợi. Khắc khổ, từ dáng đi đến nụ cười méo xệch, lệch cả quai hàm, Hồ Văn Lợi có thể nói là “lên voi xuống chó”. Sau giải nghệ năm 2009, anh được Học viện PVF mời về làm HLV các lớp năng khiếu, nhưng ngày vui chẳng tày gang.

Khi PVF chuyển đại bản doanh ra Hưng Yên cách đây đôi năm, Hồ Văn Lợi cùng kha khá các cựu danh thủ miền Nam quyết định ở lại. Anh chia tay chỗ làm đã cho anh thu nhập trên dưới 20 triệu/tháng, để bắt đầu công cuộc mưu sinh bằng việc huấn luyện các đội bóng phong trào, các lớp bóng đá cộng đồng, mở quán nhậu, thu gom đồng nát… Hồ Văn Lợi làm lụng vất vả, làm tất cả để nuôi vợ con, vốn đang tuổi ăn tuổi lớn. Cách đây vài tháng thì “Tiếu già” chính thức… thất nghiệp. Nguồn thu không có, trong khi vẫn phải chi rất đều tay cho sinh hoạt gia đình, Lợi lại ở rể bao năm qua, quả là ngặt nghèo.

Đó là lý do các đồng đội, các đàn anh và cả những đàn em đã quyết định tổ chức trận đấu tam giác vào chiều qua (22/8), các trận đấu giữa Cựu danh thủ Cảng Sài Gòn và Những người bạn, Cựu Sinh viên TP.HCM và Cựu Sinh viên Đại học Kinh tế. Nhưng trên dưới trăm triệu thu được, thông qua sự kiện này, cũng chỉ đủ qua cơn đói từng ngày, hoặc lận lưng đồng vốn để buôn bán nhỏ lẻ, chứ về lâu về dài, phải có cách tính khác. Sau khi nghe phóng viên Thể thao & Văn hóa thông báo về sự kiện chung tay vì Hồ Văn Lợi, một cầu thủ đàn em vốn rất quý “Tiếu già” đã có ý định mời anh về huấn luyện các lớp bóng đá cộng đồng. Trân trọng biết bao!

Bắc có Dũng “già” Nguyễn Văn Dũng của Nam Định trước đây, với lối đá rất dị và hiểm, Nam có đàn em “Tiếu già” Hồ Văn Lợi. Xưa thế hệ cầu thủ như Hồ Văn Lợi chơi bóng vì niềm vui, vì niềm tự hào của gia đình và bóng đá với họ là sự tận hưởng, chứ không mang mùi kim tiền như lúc này. Tiền bạc khi ấy rất quý và hiếm, nhưng trên hết vẫn là tình đồng đội, tình người. Hồ Văn Lợi hẳn thấm nhuần những ý niệm ấy. Bóng đá như quấn chặt lấy thân anh, chia tay, thậm chí đoạn tuyệt mấy bận không thành. Nuốt lệ vào trong, năm nay Hồ Văn Lợi đúng 49 tuổi, tức là cái tuổi hạn!

Chúc anh qua cái Tết âm lịch này, để sang năm ta tính chuyện làm lại từ đầu.

“Có nhiều cựu cầu thủ ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, không được may mắn và phải khổ cực sau khi treo giày, nhưng Hồ Văn Lợi là một trường hợp đặc biệt. Anh ấy đã có những đóng góp đang ghi nhận cho Cảng Sài Gòn và cho cả bóng đá TP.HCM. Tôi rất ủng hộ và cảm thấy hạnh phúc, khi được là một phần của sự kiện chung tay với Hồ Văn Lợi hôm nay. Tháng 10 tới đây chúng tôi sẽ đi Đồng Tháp để trao tặng 2 căn nhà tình thương”, cựu danh thủ Hải Quan - Nguyễn Hoàng Minh (Minh “nhí”), HLV trưởng của đội Cựu Sinh viên TP.HCM chia sẻ.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm