'Tiền phế', chiếc hộp Pandora bóng đá Việt

05/07/2019 08:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp thành công của các ĐTQG trên đấu trường quốc tế, V-League và các CLB bóng đá Việt Nam vẫn còn những khoảng tối mà ít người biết. Trong số báo này, Thể thao & Văn hóa đề cập tới 1 khoảng tối nhất- "Tiền phế", thứ tiền mà ai trong làng cầu chuyên nghiệp Việt đều biết, nhưng đều không lên tiếng, thứ tiền giống như chiếc hộp Pandora, chứa đựng những mầm họa cho sự phát triển của cả nền bóng đá.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp Brazil đấu với Peru. Lịch bóng đá ngày 5/7

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp Brazil đấu với Peru. Lịch bóng đá ngày 5/7

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Lịch thi đấu tranh giải Ba và chung kết Copa America 2019. Lịch thi đấu World Cup nữ 2019. Lịch thi đấu Gold Cup 2019. Lịch thi đấu vòng 1/8 CAN 2019. Lịch bóng đá ngày 5/7.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo cho cậu phí lót tay 20 ngàn USD/mùa, lương 6 ngàn USD/tháng, chưa tính thưởng cho các trận thắng và danh hiệu (nếu có). OK thì ký nháp luôn hôm nay và mai bay ra tập trung với đội”, không vòng vo, một thành viên trong BHL chịu trách nhiệm về tuyển trạch nhân sự cho mùa giải mới, của một CLB số má ở Việt Nam, đặt vấn đề với một trong những chân sút nổi tiếng bậc nhất lịch sử V-League 20 năm tuổi.

“Thế còn phần cho BHL và các bên liên quan thì sao”, cầu thủ người da màu không quên “lệ làng”, hỏi ngược trở lại.

“Trên giấy tờ, tức hợp đồng và phụ lục, chúng ta sẽ thống nhất là 25 ngàn USD/mùa. Tất nhiên 5 ngàn dôi ra ấy, cậu không được đụng tới. Bởi nó là phí bôi trơn cho các bên liên qua”, vị kia trả lời.

Bản hợp đồng được ký chóng vánh, hôm sau, Amaobi Uzowuru Honest có mặt tại Đà Nẵng. Đó là thời điểm cuối năm 2007, khi đội tuyển U23 Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị chiến dịch chinh phục chiếc HCV SEA Games 24 môn bóng đá nam, còn các CLB Việt Nam cũng tập trung trở lại, rục rịch chuẩn bị mùa giải mới và sàn chuyển nhượng cũng rất nóng.

Luật bất thành văn: Tiền phế

Amaobi là tên, Uzowuru Honest là dòng họ và tên đệm, một trong những dòng họ rất lớn và giàu có ở thành phố phát triển và đông dân bậc nhất Lagos, Tây Nam Nigeria. Năm 2011, Amaobi Uzowuru Honest được Việt hóa bằng cái tên Đặng Amaobi, khi đang chơi cho SQC Bình Định.

Đặng tức là họ của ông bầu Đặng Thành Tâm, chủ của Tập đoàn Tân Tạo và Ngân hàng Navibank (Nam Việt), có mối quan hệ hợp tác với Bình Định thông qua gói tài trợ bóng đá, SQC Bình Định và Navibank Sài Gòn (giải tán năm 2012).

Một trong những tiền đạo hay nhất trong lịch sử V-League, đứng đầu trong tốp các chân sút người gốc Nigeria bao gồm Samson Kayode (Hoàng Vũ Samson), Timothy Anjembe, Emeka Achilefu và Đinh Hoàng Max, tức Maxwell (Oseni Bolayi chỉ thực sự nổi trong khoảng 3 năm đổ lại, sau khi chuyển tới sân Hàng Đẫy và gia nhập giải ngân hà CLB Hà Nội, chưa được xếp vào hàng “ngũ hổ tướng”)…, Amaobi Uzowuru Honest thuộc chủ nghĩa “xê dịch”. Anh thường không ở quá lâu tại một CLB, bởi chỉ có chuyển nhượng mới sinh tiền.

Trong 8 năm chơi bóng ở Việt Nam, Amaobi Uzowuru Honest đã 8 lần chuyển CLB, chỉ với việc ký mới và gia hạn hợp đồng, anh cũng bỏ túi trên dưới 200 ngàn USD, chưa tính lương thưởng (cao hơn gấp nhiều lần).

Chú thích ảnh
Amaobi khi còn khoác áo Nam Định và là 1 trong những tiền đạo ngoại cực quái về nhiều mặt tại V-League. Ảnh: Quang Thắng

“Tôi chuyển phần lớn tiền kiếm được bằng công việc đá bóng cho mẹ tôi ở Nigeria, chứ không chuyển cho bạn gái (khi đó đang du học ở Anh – PV). Mẹ là ruột thịt, còn bạn gái thì không phải. Mẹ tôi mở một số dự án làm ăn nhỏ ở Lagos và thế là gia đình tôi sống rất khỏe”, bằng vốn tiếng Việt rất sõi, “Bi” chia sẻ.

Từ một cầu thủ vô danh, nhờ tốc độ bứt phá đoạn ngắn và ra chân ở mọi tư thế, Amaobi Uzowuru Honest trở thành một chân sút số má với CLB Nam Định ở mùa giải 2004, giành danh hiệu Vua phá lưới V-League (15 bàn) và giúp đội bóng thành Nam đoạt ngôi á quân. Năm 2009, sau khi rời Đà Nẵng rồi Ninh Bình, Amaobi quay lại Thiên Trường lần thứ 2, nhưng cũng như đợt tái hợp ở Chi Lăng trước đó (Amaobi từng chơi cho Đà Nẵng mùa 2005), anh không có được thành công như kỳ vọng.

Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương, V.Ninh Bình, An Giang, SQC Bình Định…, có thể nói không một ngõ ngách nào mà Amaobi chưa chạm tới, không một chiêu trò nào mà tiền đạo sinh năm 1981 này chưa từng dùng.

“Người ta vẫn hay nói về thói hư tật xấu của tôi, song họ lại chỉ đề cập rất hạn chế rằng tôi là một tiền đạo xuất sắc, ghi bàn đều đặn và có những danh hiệu”, Amaobi giờ là HLV của một trung tâm bóng đá cộng đồng tại Việt Nam, khách mời thường xuyên của các chương trình bóng đá trên truyền hình.

“Nó đã không tuân thủ luật im lặng, tố ngược chúng tôi quỵt tiền và đòi khởi kiện”, đấy là chia sẻ của vị tuyển trạch của CLB Đà Nẵng, sau khi Amaobi chỉ trả lại 3 ngàn USD (thay vì 5 ngàn USD) như giao kèo ban đầu. Vụ việc ầm ĩ và tốn nhiều giấy mực, trước thềm mùa giải 2008.

Đà Nẵng đá 3 trận đầu thua chổng vó, khiến ông bầu tay to của đội bóng buộc phải làm cuộc cách mạng trên cabin BHL, phế bỏ các công thần của bóng đá Quảng – Đà, để dựng tướng trẻ Lê Huỳnh Đức lên. “Bi” sống vật vờ ở Chi Lăng, trước khi bật bãi.

Đó là câu chuyện thật của bóng đá Việt, chỉ có điều nó không hiếm bởi thứ "Tiền phế" là một phần của cuộc chơi ngoài sân cỏ.

Thay đổi điều lệ, triệt đường sống của “cò”

Cách đây 5-7 năm, bằng với lứa U19 của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG ra ràng và gây tiếng sốt cực lớn, năm 2014, người ta bắt đầu thắt lại các suất đăng ký ngoại binh/CLB. Từ đăng ký 5, sử dụng 3 (chính thức), cho đến 3 dùng 2, 2 dùng 2 và giờ lại là 3 dùng 3, bên cạnh các cầu thủ nhập tịch.

Ở hạng Nhất quốc gia, từng có giai đoạn sạch bóng ngoại binh và Tây nhập tịch. Lý do được đưa ra là: Đảm bảo các suất chơi cho cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ từ tuyến 2, đặng kích cầu hướng tới một nền bóng đá tự cường.

Đó là một phép tính sai lầm và đi ngược lại xu thế phát triển. Bằng chứng là giải đấu cao nhất xứ sở đi xuống nghiêm trọng về chất lượng, cầu thủ nội dù ở hàng ngôi sao cũng không thể kéo V-League tiến thêm bước nào, lần lượt các đại diện Việt Nam bật bãi ở đấu trường AFC Champions League và AFC Cup…

Thành công của các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo trong khoảng 2 năm đổ lại, cũng chỉ là “ăn theo” các sản phẩm đào tạo ưu tú từ một số Học viện – Trung tâm bóng đá lớn, vốn được lứa và được mùa, chứ không mang tính bền vững.

Thực ra, một trong những tác nhân làm hạn chế sự phát triển của V-League và đầu ra là các ĐTQG, đấy là đội ngũ ngoại binh được Việt hóa (nhập tịch), nở rộ trong khoảng 10 năm, từ 2006-2016. Có thời điểm, một CLB Việt Nam ra sân với 2/3 là các cầu thủ người nước ngoài hoặc có xuất sứ nước ngoài, như V.Ninh Bình, XMXT Sài Gòn (Sài Gòn FC) hay B.Bình Dương. Cầu thủ nhập tịch được ví như một món trang sức đắt tiền của các ông bầu và một cuộc đua ngầm diễn ra trong nhiều năm, khiến bóng đá Việt cạn kiệt kinh tài.

Trong toàn bộ các câu chuyện, đội ngũ môi giới (cò) luôn bị coi rẻ và chịu sự dè bỉu, bị tách ra khỏi đời sống bóng đá chuyên nghiệp, bằng cách này hay cách khác. Đây chính là sự thiếu công bằng trong bóng đá. Nhưng họ là những người thông minh và tùy cơ ứng biến rất tài, với một số đáng kể vẫn làm công tác huấn luyện, hoặc công việc có liên quan đến bóng đá. Những ngoại binh giỏi nhất đã tìm qua Thai Premier League, M-League thậm chí là giải Nhà nghề Indonesia, S-League…, thay vì V-League. Tại sao? Hỏi mà như đã trả lời!

Trong làng bóng đá Việt Nam, một HLV hay quan chức, hay thậm chí là trợ lý HLV, thông dịch viên…, dám vỗ ngực chưa từng “hớt váng” (tức cắt phế) chế độ của cầu thủ, bao gồm “lót tay” (phí ký hợp đồng), lương và thưởng của VĐV? Tiền phế là luật bất thành văn, đồng ý thì ký và có suất đá, không thì “lướt”.

Và đó là mối quan hệ “win-win”. Có ông HLV gạo cội, từng dành vô số danh hiệu và luôn vỗ ngực “không cần tiền hay không làm bóng đá vì tiền” cũng “sấp ngửa” luôn với cầu thủ: "50/50 cho lót tay, lương con lĩnh, thưởng là phần của bố". Vấn đề chỉ là xem mặt bắt hình dong thôi!

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm