Như Thuật, 24 tuổi rồi đấy !

23/05/2008 20:34 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Có vẻ như cái gì đến với Thuật cũng rất sớm. 8 năm trước, anh là 1 trong số những cầu thủ của U16 VN làm nên một giải đấu không thể nào quên ở VCK U16 châu Á. Năm ngoái, Thuật được... vào Đảng. Ở Sông Lam, chưa ai có danh hiệu ấy sớm hơn anh...

Nhưng ở tuổi 24 (sinh năm 1984), độ tuổi quá “già” để được coi là một cầu thủ tiềm năng, thì Thuật lại không hề cho thấy anh đã trưởng thành trên sân cỏ. Mùa này, Thuật đáng ra phải là 1 trong số 4 cầu thủ trở thành điểm tựa cho thế hệ cầu thủ trẻ được đôn lên ồ ạt ở Sông Lam thời hậu “bán máu”. Vậy mà anh lại chìm nghỉm. Huy Hoàng, Công Vinh và cả Minh Đức lúc chưa chấn thương đều hoàn thành vai trò của những trụ cột, nếu không muốn nói xuất sắc.

Trận đấu với Thể Công, Thuật được đá từ đầu, nhưng lúc mà anh còn trên sân là lúc Sông Lam bế tắc và lúc anh rời sân để nhường chỗ cho Quang Tình thì đội bóng xứ Nghệ dồn ép đối thủ tới tức thở. Bàn thắng đầu tiên trong trận đấu đó do Valdinei ghi, chỉ có chút ít dấu giày của Thuật, như một mắt xích trong tình huống dàn xếp tấn công. Người ta vẫn bảo, những cầu thủ có khả năng, thường tỏa sáng trong những trận đấu lớn. Nếu không, đó chỉ là một cầu thủ tầm thường.

Nhiều trận đấu có tính chất quan trọng và có thể là bệ phóng tên tuổi và vị trí, như cuộc đối đầu với Thể Công, đã trôi qua mũi giày của Thuật trong suốt 3 năm qua. Cả mùa 2007, Thuật không ghi bàn. Mùa này, anh đã có 1 bàn thắng. Còn nhiệm vụ cao cả nhất của một nhà tổ chức trận đấu, anh đã trao nó cho người khác. Ông chủ của khu trung tuyến ở Sông Lam lúc này chưa rõ ràng thuộc về ai. Nhưng nhất định không phải của Thuật.

Vấn đề của Như Thuật (vàng) là tâm lý
 
Nếu có một sự lựa chọn, chắc nhiều người sẽ nghĩ đến những cái tên khác, những người trẻ hơn Thuật tới 4 tuổi và đã sớm hội tụ những phẩm chất của các cầu thủ tài năng trong tương lai. Cũng ở trận đấu với Thể Công, đó là hình ảnh một Văn Bình (22) quán xuyến khu vực giữa sân, biết đẽo gọt những đường chuyền đa dạng về ý đồ và cự ly. Bình cũng rất bé nhỏ, nhưng khi chơi bóng lại không hề tỏ ra mảnh mai-một thứ cảm giác mà người ta luôn nghĩ về Thuật trong suốt những năm tháng đã qua và có lẽ cả sau này nữa. Hoặc trước trận đấu ấy, người ta nói nhiều hơn về một Trọng Hoàng (23) thuộc týp tiền vệ chơi năng nổ, mạnh mẽ, và mang lại sự yên tâm rất lớn.

Sự ưu ái của số phận Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, đã có thời người ta ví Thuật là người kế tục Hồng Sơn (Thể Công) trong vai trò của một nhạc trưởng ở ĐTQG. Năm 2003, sau JVC Cup, giải đấu mà “số 8” nổi lên như cồn với những quả “thả” bóng có cự ly 30-50m hay những cú chọc khe đầy cảm giác, nó đã đưa anh lên tuyển, tham dự SEA Games 22. Nhưng, ở đấu trường lớn nhất ấy, Thuật là dự bị của dự bị.

Người ta bảo, Alfred Riedl cho anh 1 chiếc vé đi SEA Games vì sức ép của dư luận quá lớn rồi sau đó thản nhiên bỏ rơi. Thực ra, anh không thể so với Quốc Vượng, càng không thể bì với Hữu Thắng, nên đó là một kết cục tất yếu. Người ta chờ đợi Thuật ở một cuộc “phục thù”, nhưng điều đó đến nay vẫn chưa xuất hiện. SEA Games 22 cách nay 5 năm chính là lần cuối cùng Thuật được lên tuyển.

Một sự biến mất quá dài! Ai đó bảo, điều đáng tiếc trong 5 năm qua, Thuật không phát triển thêm về mặt hình thể. Chiếc áo đeo trên người anh như treo trên cái mắc áo. Thuật vẫn nhỏ nhắn, trắng trẻo và rất thư sinh, nom tựa như cầu thủ ở giải bóng đá học sinh sinh viên nào đó. Tuy vậy, nó không đáng tiếc bằng việc ý chí trong Thuật không hề “lớn” trong suốt thời gian ngần ấy năm với bao cuộc thử thách. Mà với một cầu thủ, ai cũng biết, không có ý chí thì không thể vươn lên. Sự dừng lại ở một mảnh đất như bóng đá Nghệ An, nơi những cầu thủ trẻ tài năng cứ tuần tự xuất hiện theo năm tháng thì chững lại cũng có nghĩa là thụt lùi.

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm