29/04/2018 08:03 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi các ngoại binh đang là đầu tàu kéo các đội bóng thì SLNA vẫn phải “dè sẻn” dùng Olaha, cầu thủ cho đến nay cũng chỉ có 1 bàn thắng tại V-League. Ngoại binh Osmar vẫn đang chấn thương và nhiều khả năng sẽ bị thanh lý hợp đồng.
Có đến 4 tuyển thủ quốc gia và 3,4 cầu thủ từng lên tuyển nhưng SLNA vẫn nằm nhóm 3 đội cuối BXH V-League 2018. Sau 6 vòng đấu, khán giả thành Vinh vẫn chưa được hưởng niềm vui chiến thắng bởi sự khởi đầu khá tệ của các cầu thủ xứ Nghệ. Ngoại binh đã và đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến chất lượng đội bóng SLNA bởi không ít đối thủ của họ chơi 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch trong khi đội bóng xứ Nghệ chỉ có duy nhất Olaha.
Bến đỗ tạm thời
Những năm đầu V.League, đội chủ sân Vinh từng có bộ ba Enock Kyembe, Iddi Batambuze, Lulenti Kyeyune từng làm mưa làm gió sân cỏ Việt Nam. Nhớ lạiV.League 2011, SLNA đã sở hữu bộ tứ đẳng cấp là Ansah, Kavin, Derron, Fagan.
Nhưng hầu bao nhỏ, họ chỉ ký hợp đồng từng mùa bóng và sân Vinh như trạm trung chuyển ngoại binh hay cho V-League. Edmund Ansah từng là thủ quân ĐT Ghana năm 2010 sau khi rời SLNA đã chuyển thi đấu cho Hải Phòng tại V-League 2012 khá ấn tượng.
Tiền đạo Diego Fagan vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, sát thủ nguy hiểm nhất của đội bóng đất Cảng trên hàng công vốn cũng là ngoại binh do SLNA tuyển.
Năm 2012, có lẽ là thời điểm cuối cùng đội bóng xứ Nghệ có các ngoại binh có chất lượng. Đó là Hector, Abass Dieng, Gustave Bebbe và Nwakaeme Dickson, những cầu thủ chỉ lấy sân Vinh làm màn chào hàng, sau đó sẽ đến đội bóng khác có mức đãi ngộ cao hơn nhiều.
Năm, sáu mùa bóng gần đây, SLNA chiêu mộ đa phần đều gặp “hàng hớ” theo kiểu “đốt kêu, thử tịt” như Willis Plaza, Adbul Haruna, Baba Salia, Koen Bosma và Aboubakar Mahadi và mới nhất là trường hợp của Danko Kovacevic. Tiền đạo Montenegro đến sân Vinh với bản lý lịch “hoành tráng” từng thi đấu tại sân cỏ châu Âu nhưng rốt cuộc chỉ có 1 bàn thắng duy nhất tại V-League 2017.
Thực ra, ngoài việc các đôi mắt “nhìn người” của BHL SLNA thì cách quản lý tài chính của nhà tài trợ Bắc Á được cho là gián tiếp đẩy đội bóng xứ Nghệ vào thế khó. Ngân sách cấp cho SLNA hợp đồng sau giảm so hợp đồng trước, việc giải ngân lại theo kiểu “vay tiêu trước, cấp bù sau” càng làm khó cho CLB. Bầu sữa tài trợ cấp nhỏ giọt, ăn đong nên nhiều năm nay SLNA không có nguồn để ký hợp đồng dài hạn.
Mùa giải V-League 2018 đã là năm thứ 9 nhà tài trợ Bắc Á đồng hành cùng CLB SLNA và cũng là thời điểm sắp đáo hạn hợp đồng thứ 3. Mặc dù Osamar đang gặp chấn thương và nhiều khả năng sẽ bị chấm dứt hợp đồng nhưng câu chuyện “ăn đong” ngoại binh chưa có gì gọi là sáng sủa. Kể cả nếu như ngân hàng Bắc Á vẫn tiếp tục đồng hành cũng bóng đá xứ Nghệ thì cung cách quản lý kiểu như thế này, SLNA còn phải “dùng ta cõng Tây”.
Con gà và quả trứng
Ngoại binh tồi, thành tích thi đấu sa sút sẽ khiến khán giả không còn hào hứng đến sân, khán giả không đến sân thì doanh thu bán vé giảm đáng kể, đó là một thực tế SLNA đã phải gánh chịu.
Mùa giải năm nay, sau thành công của VCK U23 châu Á với sự có mặt của Văn Đức, Xuân Mạnh khán giả đến sân Vinh đã đông hơn. Nhưng với việc SLNA đã “thua đúng quy trình” tại AFC Cup, mỗi mình Olaha không thể “gánh team” hàng công, đội bóng xứ Nghệ đang đứng thứ 10 BXH thì khả năng khán giả quay lưng lại với sân bóng là điều đang được dự báo.
Không chỉ ngoại binh mà năm nay khá nhiều trụ cột SLNA đáo hạn hợp đồng. Bắc Á gia hạn hợp đồng nhưng không tăng ngân sách, CLB không kiếm được thêm nguồn thu thì ngay cả giữ được nội binh cũng đã là vấn đề lớn với đội bóng. Điều gì đang đợi SLNA?
Đông Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất