13/07/2013 14:16 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau 10 năm tu nghiệp và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế ở Bulgaria, ông Nam trở về Việt Nam và được mời vào chiếc ghế giám đốc điều hành PVF, làm việc ở một địa hạt khá xa lạ chuyên môn nghiệp vụ.
* Ông đã tính toán như thế nào, về kinh tế, khi cơ sở hạ tầng, sân bãi…, PVF vẫn đang phải đi thuê và trông nó không giống (hay ít nhất cũng chưa xứng tầm) với một trung tâm đào tạo hay học viện bóng đá lắm?
- Trên thực tế, chúng tôi có một dự án xây dựng học viện ở quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với thời giá bây giờ, việc đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng còn đắt đỏ hơn là đi thuê. Đấy là một bài toán kinh tế thuần túy! Trung tâm Thành Long hiện tại đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết cho một học viện bóng đá trẻ và chúng tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chắc chắn PVF sẽ phải ra ở riêng, để ít nhất cho các bậc phụ huynh cảm giác yên tâm, khi họ gửi con cháu vào đây. An cư mới lạc nghiệp được và đấy là một phép tính dài hơi.
* Chúng ta đều biết là, với bất cứ hệ thống đào tạo trẻ nào, cũng cần tính đến đầu ra. Ngay cả khi đào tạo để bán, PVF cũng cần một đội bóng chơi hạng cao hòng tạo môi trường cho người trẻ thử chân, thưa ông?
- Đã có nhiều người đặt vấn đề này với tôi, nhưng tôi không cho rằng, việc sở hữu một đội bóng hạng cao làm đầu ra cho các tuyến trẻ, là mô hình lý tưởng. Chúng tôi phân ra làm hai giai đoạn đào tạo, thứ nhất là trang bị, phát triển các kỹ năng chơi bóng cơ bản, bên cạnh học văn hóa và giai đoạn thứ nhì là phát triển chuyên sâu ở tầm cao. Độ tuổi 19, tức là sau khi các cầu thủ đã hoàn thành chương trình học phổ thông trung học, được xem là tuổi tốt nghiệp và khi ấy, chúng tôi sẽ có những liên hệ với các câu lạc bộ chuyên nghiệp để gửi cầu thủ đến thử việc, mà không có bất cứ yêu cầu tài chính nào. Tôi tin là sản phẩm của PVF sẽ được chào đón ở hầu hết các đội bóng trong nước, trong bối cảnh mà nền bóng đá trẻ đang chịu cuộc khủng hoảng thiếu vì lỗ hổng đào tạo.
Từ một người 'tay ngang', ông Nguyễn Xuân Nam đã thể hiện tốt năng lực trong vai trò Giám đốc PVF. Ảnh: Quang Nhựt
Với những tính toán chi li, tỷ lệ 5/30 cầu thủ là sản phẩm đầu ra (6%) có thể chuyển nhượng được, để thu hồi vốn, tái đầu tư; trong đó, chúng tôi kỳ vọng hai, ba cầu thủ (3%) đủ sức khoác áo đội tuyển quốc gia.
* Ở góc nhìn kinh tế, theo ông thì tại sao và như thế nào, một số câu lạc bộ Việt Nam lại để hổng đào tạo trẻ?
- Cơn bão tài chính khiến phần lớn các đội chuyên nghiệp đều phải nắn lại túi tiền, hoặc chăm lo đội một, hoặc làm trẻ và tôi tin rằng, hiếm đội bóng nào làm tốt cả hai việc đó. Tôi biết rõ mỗi năm, địa phương (và nhà tài trợ) đều rót tiền cho đào tạo trẻ, nhưng nó lại bị hút trở lại tuyến đầu, vì thế mà bóng đá trẻ chịu thiệt thòi. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiêu tiền quá khủng, nên hệ thống đào tạo trẻ, vốn dĩ rất dài hơi, bị hổng, cũng là chuyện bình thường. Các đội bóng quay lại mua các sản phẩm đào tạo ở nơi khác và thậm chí là của chính mình. Và nó cũng mở ra cơ hội cho những học viện như PVF hay Viettel.
* Một vòng luẩn quẩn, câu hỏi đặt ra là, nếu cuộc khủng hoảng diện rộng vẫn tiếp tục đè lên bóng đá, đè lên các câu lạc bộ chuyên nghiệp, liệu những sản phẩm bán ra của PVF cũng sẽ chịu thiệt thòi (về giá)?
- Chúng tôi tin rằng giá trị cầu thủ Việt Nam đang được trả lại nguyên bản của nó, sau một thời gian dài bị thổi lên quá cao. Với thị trường chuyển nhượng như hiện tại, PVF tự tin đáp ứng được yêu cầu và không sợ bị lỗ. Với sự hỗ trợ từ các Liên đoàn như VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) hay HFF (Liên đoàn bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi cũng khá yên tâm. Ví như việc Liên đoàn đã và đang tin tưởng cử các đội tuyển trẻ của PVF đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế trong thời gian qua, cũng không hẳn là “ốc mượn hồn”. Đấy là những cơ hội quý báu để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cho cầu thủ trẻ, để biết chúng ta đang ở đâu trên bản đồ bóng đá trẻ thế giới.
* Một số đội tuyển trẻ Việt Nam khi ra chiến trường bại nhiều hơn thắng? Với hệ thống đào tạo trẻ như hiện tại, ông có tin rằng tương lai gần, nền bóng đá Việt Nam sẽ phát triển lên tầm cao mới?
- Rất khó nói về biểu đồ thành tích, bởi bóng đá trẻ vốn thiếu tính ổn định và chúng ta cũng không có một thước đo chuẩn mực về đội bạn. Tôi lấy ví dụ tại vòng loại U14 châu Á diễn ra ở Myanmar mới đây (U14 PVF đại diện Việt Nam tham dự), trong khi cầu thủ của Việt Nam chỉ ở độ tuổi 12-13, thì Timor Leste, phần lớn cầu thủ đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông?! Bỏ qua chuyện thành tích, tôi cho rằng, cần có thêm nhiều học viện bóng đá như PVF, Viettel hay Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG nữa, mới hy vọng nền bóng đá cất cánh trong tương lai. VFF cũng cần tạo nhiều hơn cơ hội hợp tác giữa các học viện bóng đá trẻ trong nước với các đối tác phát triển của Nhật Bản hay Hàn Quốc.
* Đầu vào các huấn luyện viên của PVF hầu hết đều là các cựu tuyển thủ quốc gia, liệu mác tuyển thủ có là ba-rem, hay phải như thế cho oai? Theo tính toán, mỗi năm, PVF phải chi ra bao nhiêu tiền cho các khóa học hoạt động hiệu quả?
- PVF hiện có 17 huấn luyện viên làm công tác chuyên môn, nhưng không phải tất cả đều là cựu tuyển thủ quốc gia. Không thể phủ nhận là với năng lực của một cựu tuyển thủ quốc gia, chúng tôi yên tâm hơn nhiều ở khía cạnh chuyên môn, trong việc uốn nắn và phát triển các kỹ năng chơi bóng cho cầu thủ trẻ. Nhưng yếu tố khác cũng rất quan trọng, đó là sự tận tâm, ân cần và thậm chí là tỉ mỉ nơi các ông thầy.
Chúng tôi hiện có tám lớp, từ U10 tới U17 và hàng năm, số tiền bỏ ra tất nhiên là không nhỏ. Tôi không tiện đề cập cụ thể, nhưng nó có thể đủ để nuôi một câu lạc bộ chuyên nghiệp một mùa giải.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị!
Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất