Khi rào cản là Campuchia

23/07/2016 08:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá khứ và hiện tại, Campuchia chỉ là một nền bóng đá nhược tiểu, không thể xếp “cùng mâm” với Bóng đá Việt Nam. Liên đoàn bóng đá Campuchia chỉ mới được thành lập năm 1982, tức là còn khá non trẻ. Tuy nhiên, (cùng Lào) bóng đá quốc gia này cũng rất có tiềm năng và đã không ít lần làm các đội tuyển Việt Nam “toát mồ hôi”.

Con số 50 ngàn khán giả tìm đến SVĐ Olympic trong các trận đấu của U16 Campuchia tại VCK U16 châu Á năm nay, là điều đáng mơ ước với bóng đá Việt Nam, từ các giải bóng đá chuyên nghiệp đến cấp độ ĐTQG, chứ đừng nói một ĐT trẻ. Tình yêu bóng đá, lòng đam mê, nhiệt huyết, vì màu cờ sắc áo và cả tinh thần dân tộc, là chi tiết quan trọng.

Nhưng, người Campuchia không chỉ có mỗi tình yêu không vụ lợi. Theo chân ĐT U16 Việt Nam đá giải Đông Nam Á tại thủ đô Phnom Penh những ngày qua, chúng tôi phần nào cảm nhận được các điều kiện về cơ sở vật chất, phục vụ sự phát triển môn thể thao vua ở Campuchia là khá lý tưởng. Một trong những điểm ưu là vấn đề sân bãi.

Bên cạnh các buổi tập trên SVĐ chính Olympic có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, ĐT U16 Việt Nam thường xuyên được bố trí tập trên sân bóng của Trường Trung học Chea Sim Boeung Keng Kang, thủ đô Phnom Penh. Một sân bóng thừa tiêu chuẩn với bóng đá học đường và là niềm mơ ước với mọi trường học ở Việt Nam, đừng nói trường cấp II – III.

Theo chia sẻ của một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Campuchia, không phải trường Trung học nào ở thủ đô Phnom Penh, cũng sở hữu sân bóng 11 người đạt chuẩn như Chea Sim Boeung Keng Kang High-School, vì quỹ đất hạn hẹp tại một thành phố đông dân. Nhưng ở các tỉnh lỵ khác của Campuchia, hầu như mọi trường học đều có sân bóng đá.

Cũng cần chắc rằng, VCK U16 Đông Nam Á năm nay có đến 9 đội bóng tham dự và như thế, chủ nhà Campuchia phải sắp xếp làm sao để tất cả các đội đều có sân tập đạt chuẩn tương đối, điều khó khăn với cả các thành phố - Trung tâm bóng đá lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM, chứ đừng nói tỉnh lẻ, hay các địa phương khác.

Sân bãi luôn là vấn đề nhức nhối trong sự phát triển đồng bộ của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá trẻ và bóng đá học đường, vốn vẫn được xem là chân đế cho mọi nền bóng đá. Bản thân VFF cũng rất muốn đem các giải đấu cấp khu vực về các địa phương, để khơi gợi tình yêu hay đơn thuần là phục vụ khán giả, nhưng hệ thống sân tập là rắc rối.

18h30 U16 Việt Nam – U16 Australia: Tuổi 16 dệt mộng vàng

18h30 U16 Việt Nam – U16 Australia: Tuổi 16 dệt mộng vàng

Gặp lại đội bóng xứ chuột túi trong trận chung kết, thầy trò HLV Đinh Thế Nam có thể khó lặp lại được chiến tích 3-0 như ở vòng bảng, nhưng sau tất cả những gì đã diễn ra, đây sẽ là trận đấu rất đáng xem khi người trẻ tung hứng.


Campuchia hiện có một giải bóng đá chuyên nghiệp Metfone C-League 2016 đang diễn ra, với 10 CLB, cùng giải hạng Nhất được kiện toàn. Khi CLB Boeung Ket Angkor, một đội bóng không phải mạnh nhất ở Campuchia, hạ nhà đương kim vô địch V-League B.Bình Dương 3 – 2 tại Toyota Mekong Club 2015, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng.

Trong khuôn khổ một trận đấu, lại là trận cầu knock-out, quả rất khó nói trước. U16 Việt Nam với đầy đủ tinh tuý, đã phải vã mồ hôi hột mới vượt qua chủ nhà ở bán kết giải Đông Nam Á.

ĐT U16 Campuchia hiện do một chuyên gia Nhật Bản dẫn dắt. Với một cơ chế mở của chính phủ Campuchia, trong việc khuyến khích – thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển bóng đá, có thể trong tương lai gần, các chiến thắng của bóng đá Campuchia trước Việt Nam, rồi sẽ trở nên bình thường. Ta tiến nhưng bạn còn tiến nhanh hơn, đấy không phải là câu chuyện của riêng bóng đá mà việc du lịch Lào và Campuchia nhiều tiêu chí đã vượt mặt chúng ta, vẫn còn nguyên giá trị.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm