Góc nhìn 365: Bóng đá nào khán giả nấy

18/04/2017 05:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thua có thể nói là “lấm lưng trắng bụng” với tỷ số 1- 4 của CLB TP.HCM trước S.Khánh Hoà BVN trên sân Thống Nhất, vòng 13 V-League 2017, không hiểu sao một bộ phận khán giả ngồi khu khán đài VIP lại cố hội tụ, chửi mắng tổ trọng tài (TT), đặc biệt là TT chính - đương kim còi vàng Nguyễn Ngọc Châu, bất kể ông Châu và cộng sự đã điều khiển một trận đấu tròn vai, không có bất cứ sai số nào.

Đó có thể là cái cớ, để Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh phải tất tả từ khán đài B, đến khán đài C, giải thích với khán giả, đồng thời khuyên họ ra về. Nhân tiện, Vinh cũng quay qua vặc luôn đương kim Phó Ban TT Dương Văn Hiền…

… Rồi, Vinh “còm”  trình bày với giới truyền thông về việc phân công TT không thật hợp lý (theo ý Vinh). Chuyện bé xé ra to, thực tế là, các vấn đề liên quan đến TT ở trận đấu này, dường như không liên quan lắm.

Văn hoá ứng xử của giới bóng banh Việt Nam, vẫn bị xem là rất kém, thiếu khí phách đàn ông. Cầu thủ khi có tí danh, quay qua coi thường tất cả. Người quản lý khi có chút vai trò, vội quên mất thuở cơ hàn. Cao hơn, VFF và nhà tổ chức giải, thời điểm bóng đá kim tiền thừa mứa các ông bầu, vội cho rằng sản phẩm họ tạo ra quá có giá mà “tự sướng” về chất lượng giải đấu. Cho đến khi ông bầu lũ lượt rủ nhau bỏ cuộc chơi, mới giật gấu vá vai.

Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết. Khi bóng đá kết hợp doanh nghiệp - mô hình được cho là đạt chuẩn chuyên nghiệp ra đời, cuộc chơi nghiễm nhiên thuộc về các ông bầu. Việc ông bầu (và cả cầu thủ) coi thường TT hay nhà tổ chức, cũng từ đây mà ra. Tính bản địa - vùng miền bị giảm thiểu, đội bóng ngày một xa cách với CĐV, người hâm mộ. Đội bóng lúc này không thuộc về cộng đồng nữa. Và khán giả thưa thớt dần.

Chính cách điều hành đội bóng của ông chủ và thuộc cấp, khiến ngay đội ngũ người hâm mộ CLB cũng tự động phân hoá. Một số được hưởng lợi, được đội bóng hậu thuẫn tiền bạc, dụng cụ cổ động, chi phí di chuyển - ăn ở, nhưng luôn lạc lõng; Số còn lại với tình yêu bóng đá chân phương, song do không có tiềm tực tài chính, nên thường không bền. Than Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá và HAGL là những ngoại lệ hiếm hoi.

Công Vinh, cầu thủ có thể nói là dầy dạn kinh nghiệm bậc nhất xứ sở, trải qua hàng trăm trận lớn nhỏ ở đủ mọi cấp độ, đáng ra không nên viện tiểu tiết (không đáng) mà phản ứng, khi vai trò của Vinh lúc này là quản lý chứ không phải cầu thủ. Có người nói, Vinh khôn chứ không tinh, hay nói thẳng ra là chưa được thông minh cho lắm. Chúng ta tạo ra một sản phẩm bóng đá chưa đạt chuẩn, nên phải chấp nhận văn hoá cổ động thiếu chuẩn mực.

Theo thống kê của BTC V-League, lượng khán giả trung bình/trận đấu đến sân ở mùa này, thấp hơn khoảng 1.000 người so với mùa giải trước (hơn 5 ngàn khán giả/trận so với gần 7 ngàn người mùa 2016). Thực tế, con số thực còn có thể thấp hơn. Có nhiều lý do khiến khán giả không buồn tới sân, trong đó phải kể đến sự trung thực của sản phẩm bóng đá mà nhà tổ chức và các đội bóng đem lại. Đến số lượng khán giả còn không thực sự chính xác, thì khó nói đến chuyện trung thực.

Không thắng 5 trận, HLV CLB TP.HCM không sợ bị Công Vinh sa thải

Không thắng 5 trận, HLV CLB TP.HCM không sợ bị Công Vinh sa thải

Sau trận đại bại trước đội khách S.Khánh Hòa ngay trên sân nhà với tỷ số 1-4, HLV Alain Fiard cho hay ông vẫn không sợ bị lãnh đạo CLB TP.HCM sa thải.

Người ta vẫn ví bóng đá với showbiz, thực tế là, bóng đá xứ mình còn thua xa so với chính showbiz Việt. Thua từ công nghệ tiếp thị, đến trách nhiệm nghề nghiệp và độ lan toả, tầm ảnh hưởng. Một ngôi sao ca nhạc cỡ Mỹ Tâm hay Tuấn Hưng, có thể lấp đầy SVĐ 40 ngàn chỗ đứng, nhưng một trận đấu bóng đá cấp ĐTQG, chứ đừng nói CLB, e khó làm điều tương tự. Đơn giản, bởi bóng đá thiếu hấp lực.

Song, thay vì tìm nguyên nhân và giải pháp, hòng kéo khán giả trở lại sân bóng như đã từng, thì những nhà làm bóng đá Việt Nam dường như không quan tâm lắm đến chuyện đó. Họ chỉ để ý đến túi tiền của nhà tài trợ, của các ông bầu và nghĩ cách tiêu tiền. Có quá ít các hoạt động chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, xã hội, và gần như không có động thái nào gầy dựng CĐV, người hâm mộ. Bóng đá Việt Nam đang mai một thần tượng.

Vẫn có câu, 'Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng khẩu súng lục, thì tương lai sẽ trả lại bằng khẩu đại bác'. Hôm nay, nền bóng đá và các giải đấu chỉ đem lại một sản phẩm bóng đá thiếu chuẩn mực, thì đừng kỳ vọng sẽ đón thêm được các CĐV, đừng kỳ vọng gì vào thì tương lai. Một vài biểu hiện thành công từ futsal, bóng đá nữ và các đội tuyển trẻ QG, chỉ là nỗ lực vượt bậc của người trong cuộc, không là bản chất nền bóng đá đã được nâng tầm.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm