Đại hội VFF khóa IX: Làm tốt và làm tiếp...

28/10/2022 09:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11 tới và đây được đánh giá là kỳ Đại hội có sự chuyển tiếp mang theo nhiều hứa hẹn nhất trong lịch sử tổ chức quản lý bóng đá Việt Nam này. Những điều tích cực đó đến từ nhiệm kỳ thành công sắp kết thúc.

VFF khóa VIII: Dấu ấn một nhiệm kỳ

VFF khóa VIII: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Giai đoạn 2018 - 2022 có thể coi là quãng thời gian thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, với thành tích nổi bật ở các cấp độ ĐTQG.

1. Đại hội VFF khóa IX được tổ chức ở thời điểm có thể nói là khép lại một cách vừa vặn những gì mà nhiệm kỳ VIII đã làm được. AFF Cup thì chưa diễn ra, HLV Park Hang Seo dù đã nói lời chia tay nhưng vẫn còn làm việc để những nhà lãnh đạo mới của bóng đá Việt Nam có thời gian tìm kiếm người thay thế. Nếu đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup thì coi như VFF khóa IX có khởi đầu mỹ mãn, mà nếu không thành công thì cũng là một cơ hội để tường tận những gì cần thay đổi, các vấn đề phải khắc phục trước khi quyết định tên tuổi của người kế nhiệm ông Park Hang Seo.

Vì cần phải nói rằng, nếu HLV Park Hang Seo để lại một di sản khổng lồ sau 5 năm làm việc thì thành quả của nhiệm kỳ VIII VFF để lại cũng chẳng kém phần đồ sộ. Nó không chỉ đơn thuần là các con số về thành tích của các đội tuyển, mà còn ở lượng kinh phí Liên đoàn đang nắm giữ cùng một loạt bản hợp đồng tài trợ có thời hạn đủ để nhiệm kỳ tới không chịu áp lực tiền bạc trong giai đoạn đầu tiếp nhận công việc. Hơn thế, cái tiếng “nhiệm kỳ đoàn kết nhất” của VFF khóa VIII mới thực sự là thách thức cho các khóa sau, bởi lẽ tổ chức này từng mang tiếng “có đoàn kết bao giờ đâu mà… sợ mất”.

Đó cũng là lý do mà nếu không có thay đổi gì lớn, thì sẽ có nhiều vị trí chủ chốt của VFF tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Hoặc nếu có thay đổi thì cũng chỉ là sự hoán đổi vai trò, ghế ngồi của các thành viên Ban chấp hành cũ chứ khó mà có những nhân tố nào mới mẻ đủ tầm vóc để tự tin nói mình sẽ làm tốt hơn người của khóa VIII.

Tuy nhiên, chính việc nhiều người cũ tiếp tục làm nên mới có những dấu hỏi về khả năng thành công của nhiệm kỳ IX. Đã làm quá tốt, thì làm tiếp… liệu có tốt hơn không?

2. Nói đến nhiệm kỳ VIII của Liên đoàn, thường người ta sẽ nhắc nhiều đến những chiến công của các đội tuyển trên mặt trận quốc tế. Từ chức vô địch AFF Cup 2018 đến tứ kết Asian Cup 2019 hay tấm vé dự VCK World Cup 2023 của bóng đá nữ và màn trình diễn của futsal Việt Nam ở World Cup 2021. Các thành tựu của VFF khóa này trong công tác quản lý, điều hành rất ít được nhắc đến, hoặc vô tình bị khỏa lấp bởi các cơn sốt thành tích của các đội tuyển.

Nhưng cũng như đằng sau những chiến tích của các đội bóng do HLV Park Hang Seo dẫn dắt người ta vẫn nói đến một thế hệ tài năng mà ông Park may mắn có được, thì phía sau thành công của bóng đá Việt Nam, cũng phải nói đến sự “mát tay” của VFF.

Chú thích ảnh
Việc VFF đầu tư nhiều cho các đội tuyển U những năm vừa qua là một trong những nguyên nhân giúp U23 Việt Nam có được thành tích 2 lần liên tiếp vô địch SEA Games.
Ảnh: Hoàng Linh

Điều dễ nhận thấy nhất đó là không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiệm kỳ VIII hoạt động trong 4 năm nhưng có đến 2 lần thay đổi lãnh đạo, mà toàn là các vị trí quan trọng. Đầu tiên là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính được bầu Cấn Văn Nghĩa phải từ chức do các vấn đề ngoài bóng đá, kế đến là Chủ tịch Lê Khánh Hải từ nhiệm do bận công tác Nhà nước. Các sự thay thế diễn ra một cách êm đẹp, thậm chí như trường hợp Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm luôn vai trò quyền Chủ tịch hơn năm trời vẫn chẳng có vấn đề gì.

Trong khi đó, VFF khóa sổ tài chính nhiệm kỳ của mình với doanh thu cao hơn nhiều lần so với khóa trước. Đó là chưa nói, những người như ông Trần Quốc Tuấn hay ông Lê Văn Thành (Phó Chủ tịch tài chính) đều bận nhiều việc khác. Ông Tuấn kiêm nhiệm cả chục chức danh tại AFC và AFF, còn ông Thành là Chủ tịch Công ty Động Lực, đứng đầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.

Hai nhân vật khác trong bộ tứ quyền lực của VFF là ông Trần Anh Tú kiêm cả futsal lẫn Chủ tịch Công ty VPF, còn Phó Chủ tịch truyền thông Cao Văn Chóng thì thậm chí còn thăng tiến đến vị trí Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Bình Dương.

Nghĩa là họ không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn có những bước tiến cá nhân sau thời gian làm ở VFF. Câu nói “được cả tiếng lẫn miếng” rất đúng trong trường hợp của dàn lãnh đạo khóa VIII.

3. Có gì là tình cờ. Sự khác biệt tạo ra thành công của VFF khóa VIII có lẽ nằm ở tính chuyên môn cao. Nói cách khác, nhân sự vào VFF không phải chỉ để… ngồi. 17 năm trước, ông Trần Quốc Tuấn đã là Tổng thư ký trẻ nhất lịch sử VFF, còn ông Lê Văn Thành thì đã có thâm niên làm ở VFF đến… 5 nhiệm kỳ. Ông Tú futsal thì cũng chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ thứ 4, trong khi ông Cao Văn Chóng từng là một trong những nhà điều hành CLB trẻ nhất V-League khi làm Tổng Giám đốc Công ty bóng đá Bình Dương hơn 10 năm trước.

VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên nói gì thì nói, người có chuyên môn vẫn sẽ làm tốt hơn. Việc VFF đầu tư nhiều cho các đội tuyển U có thể xem là chiến lược có tầm nhìn rõ ràng nhất mà tổ chức này từng thực hiện.

Gần nhất, câu chuyện về việc VPF bán được bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp với số tiền gần 60 tỷ mỗi năm có thể xem là một dấu son khác biệt của VFF khóa này. Cần phải nhớ rằng, bóng đá Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất 2 năm mà đại dịch Covid-19 hoàn hành, khiến mùa giải 2020 và 2021 rơi vào tình trạng phải rút ngắn hoặc hủy bỏ.

Hiệu ứng từ đội tuyển quốc gia là một chuyện, nhưng rõ ràng là tự thân bóng đá Việt Nam cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ thì mới nhận được sự quan tâm từ các đơn vị kinh doanh truyền thông, qua đó mới có thương bản quyền với giá trị tiền mặt thậm chí còn gây sốc hơn thời điểm trước đây AVG mua bản quyền có thời hạn 20 năm.

VFF đã từng là một trong những điểm yếu lớn nhất mỗi khi người ta nói về sự trì trệ của bóng đá Việt Nam, nhưng nhiệm kỳ VIII vừa qua đã cho thấy, chính bản thân tổ chức này cũng đã tự rút ra những bài học của mình và lần đầu tiên, người hâm mộ Việt Nam mới được chứng kiến cuộc chuyển giao mang theo nhiều tham vọng giữa 2 nhiệm kỳ Liên đoàn.

Thành công của khóa VIII có thể còn đến do cả may mắn hoặc hưởng lợi từ đội tuyển, nhưng cũng có thể, chính các cuộc “cách mạng” về nhân sự của những nhiệm kỳ trước đó, như trường hợp các doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng hay bầu Đức tham gia quản lý, đã tạo ra làn sóng thay đổi trong tư duy của VFF.

Tổ chức này không còn là là chỗ để kiếm ghế ngồi như có lúc bị xem là “tổ hưu trí”, mà đã là nơi khối lượng công việc nhiều hơn, áp lực thành công lớn hơn và cũng đang chịu sự soi xét của dư luận về tầm nhìn tham vọng trong tương lai.

Có thể đánh giá, giai đoạn 2018- 2022 là giai đoạn thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, được thể hiện bằng các thành tích gồm: Đội tuyển nam giành chức vô địch Đông Nam Á 2018, vào tứ kết cúp châu Á 2019, lần đầu tiên giành quyền tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022; đội tuyển U23 giành HCB giải U23 châu Á 2018, vào bán kết môn bóng đá nam ASIAD 2018, giành HCV môn bóng đá nam tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp vào các năm 2019 và 2022.

Bên cạnh đó, việc duy trì sự liên tục tham dự các VCK các giải trẻ của châu Á và được thi đấu với các đội tuyển có trình độ cao trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út,… là thành tích đáng được biểu dương của các đội tuyển trẻ.

Với bóng đá nữ, sau 2 lần thất bại vào các năm 2014 và 2018, đến năm 2022 đội tuyển nữ quốc gia đã xuất sắc giành được tấm vé tham dự VCK World Cup nữ 2023. Cùng với đó là thành tích 3 lần liên tiếp giành HCV môn bóng đá nữ tại SEA Games vào các năm 2017, 2019, 2022.

Với Futsal, tuy gặp nhiều khó khăn về mặt lực lượng, nhưng việc lần thứ hai giành quyền tham dự VCK FIFA Futsal World Cup – Lithuania 2021 là một động lực không nhỏ để tiếp tục phát huy tiềm lực của Futsal Việt Nam.

Quang Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm