Cầu thủ trẻ V.Ninh Bình mất phương hướng

10/01/2015 13:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cả 3 cầu thủ trẻ của V.Ninh Bình mà chúng tôi tiến hành trao đổi vào hôm qua đều bày tỏ sự hoang mang và mất phương hướng sau khi hệ thống đào tạo trẻ của CLB bị tạm dừng vô thời hạn. Song không một ai trong số 3 cầu thủ này lại nảy sinh ý định chia tay bóng đá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng hơn 50 cầu thủ thuộc các lứa U13, U15, U19 của CLB V.Ninh Bình đã được cho về gia đình sau khi lãnh đạo CLB quyết định giải thế đội bóng. Tất cả các cầu thủ trẻ đang chờ BLĐ CLB hoàn tất các thủ tục để có thể chính thức ra đi.

Vũ Duy Nghị : “Muốn làm cầu thủ để kiếm tiền giúp gia đình”

Chia sẻ với chúng tôi, cầu thủ Vũ Duy Nghị, quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình), thuộc lứa U19 của CLB V.Ninh Bình nghẹn ngào nói: “Tôi tập luyện ở Ninh Bình đã được 5, 6 năm rồi. Thực sự, tôi đã coi khu tập luyện là nhà, các thầy, các bạn là những người thân như một gia đình rồi. Giờ bỗng dưng mỗi người một nơi, không còn được ăn chung, ở chung, tập luyện và thi đấu cùng nhau nữa thì tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối.

Tất cả thầy cả trò đã cùng đặt quyết tâm xây dựng nên một tập thể tốt nhưng sau 5, 6 năm giờ mọi chuyện trở thành con số 0.


Thực sự, dù không bất ngờ khi CLB tuyên bố giải thể nhưng lúc này, khi đang ở cùng gia đình thì tôi lại thấy hụt hẫng và hoang mang lắm. Cho tới thời điểm này, hợp đồng của chúng tôi vẫn nằm lại ở CLB mà chưa được giải quyết nên chưa ai có thể đi được hay tính toán những bước tiếp theo”.

Duy Nghị ngậm ngùi khi nhắc tới bố mẹ trong câu chuyện kế tiếp: “Trước còn ăn tập hay xa nhà, vì thời gian dài tôi mới về nên bố mẹ vui lắm nhưng giờ sự thể như thế thì bố mẹ tôi buồn lắm. Dù bố mẹ tôi không nói ra nhưng tôi biết ai cũng đang rất tâm trạng.

Gia đình tôi có 4 anh chị em, 3 chị gái đã đi lấy chồng. Nhà tôi lại chỉ làm nông nghiệp nên kinh tế cũng không tốt. Thế nên lúc đi tập, lớn lên một chút, hiểu biết hơn một chút là tôi xác định thực hiện bằng được giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp để có thể kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Nhưng lúc này, tôi cũng chỉ đang quanh quẩn ở nhà mà chưa biết ngày mai, ngày kia mình đi đâu về đâu, bao giờ có thể trở lại để tập luyện với trái bóng để tiếp tục nuôi ước mơ trở  thành cầu thủ chuyên nghiệp”.

Nói về dự định tương lai, Vũ Duy Nghị cho biết: “Trước mắt, tôi mong muốn sớm được giải quyết sớm hợp đồng để có thể tự do tìm kiếm CLB mới, trong đầu tôi lúc này đang nghĩ tới việc xin tập nhờ CLB Than Quảng Ninh”.

Nguyễn Xuân Tình: “Bố mẹ khuyên tôi từ bỏ bóng đá”

Trong khi đó, một người đồng đội của Duy Nghị là Nguyễn Xuân Tình, quê ở huyện  Kiến Xương (Thái Bình), lại chia sẻ: “Hiện tại, tôi chưa nghĩ nhiều tới chuyện có thể kiếm tiền được từ bóng đá mà tôi chỉ nghĩ rằng có một CLB chuyên nghiệp khác tới tạo điều kiện cho tôi về đó ăn tập. Như thế đá là may mắn lắm rồi.

Khi biết chuyện CLB giải thể không chỉ tôi mà gia đình tôi đều cảm thấy buồn và chán nản. Hôm trước bố mẹ tôi lên tìm gặp Chủ tịch CLB Phạm Văn Lệ nhưng chưa gặp được. Tôi thấy bố mẹ về nhà nghe chừng không vui.


Có lẽ vì quá thất vọng nên bố mẹ tôi bảo tôi về nhà học tiếp văn hóa và kiếm một việc gì đó để làm chứ không muốn cho tôi theo nghiệp bóng đá nữa. Thực sự bố mẹ tôi buồn lắm”.

Nhớ về những ngày đầu tập trung ở lò đào tạo trẻ của CLB V.Ninh Bình, Xuân Tình hồi tưởng: “Lúc vào tập ở CLB, tôi chỉ mới 13, 14 tuổi chưa biết gì nhiều, cứ được đi đá bóng là thích rồi. Nhưng được mấy ngày thì cảm thấy nhờ bố mẹ lắm, nhớ đến phát khóc luôn. Cũng may được sự động viên và chăm sóc của các thầy các bạn nên tôi cũng bớt tủi thân và tiếp tục chăm chỉ tập luyện.

Đợt tháng 10 năm ngoái, tôi được lên đội 1 tập, tới tháng 3 thì đội như thế thì chỉ tập duy trì để đá AFC Cup thôi. Dù thời gian được ăn tập trên đội 1 không quá dài nhưng với tôi đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Với những cầu thủ ở độ tuổi U18, U19 như tôi được lên đội 1 là niềm vinh dự lắm, như thể sắp được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tới nơi rồi. Nhưng nhìn tình cảnh hiện tại, đội giải tán, giờ không được ăn tập nữa mà thấy nản và buồn chán lắm.

Giờ tôi chỉ ở nhà giúp bố chăn gà, chăn lợn hay phụ giúp mẹ đi chợ buôn bán. Mẹ tôi thì không biết gì về bóng đá nhưng bố tôi thì “máu” xem đá bóng lắm. Thế nên cái điều mà tôi mong ước là được đưa bố tôi tận mắt xem tôi thi đấu chuyên nghiệp đang dần trở thành sự thật thì bỗng dưng tan vỡ. Có lẽ vì thế, bố mẹ tôi mất hẳn niềm tin vào đào tạo bóng đá nên họ động viên tôi hãy từ bỏ bóng đá để về quê học tiếp văn hóa rồi kiếm một công việc khác mưu sinh”. Mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình về việc tiếp tục theo đuổi nghiệp bóng đá, nhưng Xuân Tình khẳng định một cách chắc nịch: “Nhưng dù gì đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ theo đuổi và hiện thực hóa bằng được ước mơ của mình”.

Trịnh Hoa Huệ: “Dù tương lai mờ mịt cũng vẫn theo bóng đá”

Khác với 2 người đồng đội ở trên, cầu thủ Trịnh Hoa Huệ, quê huyện Thanh Liêm (Hà Nam), lại tỏ ra rất bất ngờ với việc đội bóng V.Ninh Bình giải thể: “Thực sự tôi cảm thấy rất bất ngờ khi lãnh đạo CLB giải thể đội bóng và cũng dừng luôn hoạt động của hệ thống đào tạo trẻ. Bản thân tôi thì nghĩ rằng, CLB chỉ dừng tham gia V-League vì thiếu quân số trầm trọng và sẽ sớm trở lại khi các lứa đào tạo trẻ trưởng thành. Hơn nữa, cả đội chúng tôi đang tập luyện rất tốt thì bỗng dưng lại nghỉ”.

“Tôi cũng đã có 6 năm ăn tập ở đây từ những ngày đầu CLB tập trung phát triển hệ thống đào tạo trẻ khi lấy về lứa U13 của Thái Bình. Tôi cùng với 4, 5 cầu thủ ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội cùng với khoảng gần 20 cầu thủ từ lứa U13 Thái Bình đã có thời gian dài gắn bó với nhau như một gia đình, chia sẻ bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Với cuộc sống xa nhà, khỏe mạnh thì không sao nhưng khi ốm đau thì chúng tôi tủi thân lắm. May mà có các thầy, các bạn ở bên giúp mọi người vượt qua những thời khắc khó khăn.


Thực sự, tôi đã coi các thầy các bạn giống như một gia đình. Giờ đây chúng tôi không còn được ăn tập trêu đùa cùng nhau nữa thì tôi thấy hụt hẫng, trống trải vô cùng”.

Nói về cuộc sống hiện tại, Trịnh Hoa Huệ cho biết: “Lúc này tôi cũng chỉ nhà phụ giúp gia đình một vài việc lặt vặt. Buồn chân, buồn tay thì lôi quả bóng ra nghịch. Hiện tôi đang rất rối bời về chuyện tương lai khi không biết mình sẽ làm gì, đi đâu, về đâu trong những ngày tới. Trước mắt, bố mẹ tôi mong sao sớm lấy được giấy thanh lý hợp đồng để còn biết định hướng con đường nghề nghiệp cho tôi sau này.

Cá nhân tôi thì tạm xác định thế này, dù tương lai mờ mịt, dù có khó khăn thế nào thì tôi vẫn quyết tâm theo nghiệp quần đùi, áo số. Nếu không có CLB nào quan tâm thì tự tôi đi liên hệ xin tập. Hiện tại, tôi nghĩ miễn là có nơi chấp nhận cho mình ăn tập để tiếp tục được theo đuổi đam mê bóng đá, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi”.

Ông Bùi Hữu Nam, HLV đào tạo trẻ của CLB V.Ninh Bình:
“Nhà nghèo mới theo nghiệp cầu thủ”

“Trong cuộc đời làm nghề của tôi có thể khẳng định không mấy anh nào con nhà giàu mà có thể thành danh với bóng đá được đâu. Phần lớn các cháu học đá bóng ở CLB V.Ninh Bình gia cảnh đều khó khăn cả. Nói thẳng ra là nhiều gia đình, nhiều cháu mong một ngày nhờ đổi đời vì bóng đá.

Trong những năm tháng làm công tác đào tạo trẻ có nhiều trường hợp các cháu gia đình không có điều kiện nhưng cực kỳ đam mê bóng đá. Đấy thực sự là điều đáng quý và vô cùng đáng trân trọng.

Tôi nhớ có em nhỏ được bố mua cho đôi giày ba ta. Chắc mới lần đầu có giày đá bóng nên nó giữ gìn cẩn thận lắm. Đến mức mà trên đường từ nhà tới chỗ tập có mấy trăm mét mà cũng chẳng dám xỏ giày vào chân , cứ cuốc bộ chân đất. Tập xong thì lại lau giày cẩn thận vắt lên vai và đi chân đất về. Tôi hỏi thì nó mới nói rằng sợ đi đường thì giày mòn mất.

Có em ở Nam Định, trước khi đi tập thì gánh theo một thúng bún, đem đi giao cho các nhà hàng, quán xá. Sau đó, em nó lại vội vàng đi tập. Mà đi tập bụng còn đói mà chưa được ăn, lại không có quần áo, giầy dép đúng tiêu chuẩn để tập. Thế nên nhiều em quyết sống chết với bóng đá với ước vọng đổi đời”.


Đức Huân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm