Bóng đá nữ Việt Nam có thực sự... CẦN TIỀN?

30/08/2019 06:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê từ báo giới, cho đến thời điểm hiện tại, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã nhận được hơn 2 tỷ đồng tiền thưởng cho chiến tích vô địch Đông Nam Á sau khi đánh bại Thái Lan ngay trên sân Thái. Mức thưởng được xem là kỷ lục, nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu nếu nhìn lại hành trình hơn 2 thập kỷ cùng những cống hiến, hy sinh của các cô gái cho bóng đá nước nhà. Những cống hiến và hy sinh đủ để đặt ra câu hỏi - Bóng đá nữ Việt Nam có thực sự... CẦN TIỀN?

HLV Mai Đức Chung: 'Tự hào nhất là tinh thần của tuyển nữ Việt Nam'

HLV Mai Đức Chung: 'Tự hào nhất là tinh thần của tuyển nữ Việt Nam'

Phát biểu sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài chiều ngày 28/8, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Tinh thần mạnh mẽ của các tuyển thủ nữ Việt Nam khi họ để chiến đấu tới cùng là điều tôi cảm thấy ấn tượng nhất. Tôi rất tự hào và cảm ơn các học trò đã chiến đấu hết mình để giành ngôi vô địch tặng cho người hâm mộ Việt Nam.

Từ môn thể thao bị cấm đến đội tuyển "lúa trời"

Nay khi nhắc vế lịch sử hơn 1 thế kỷ của bóng đá trên mảnh đất hình chữ S, không ít người, nhất là dân trong nghề tự hào "kể" về đội bóng nữ Cái Vồn ở miệt Cần Thơ vào những năm 30. Người biết nhiều hơn, còn nhắc tới cái tích năm 1933, đội nữ Cái Vồn còn thi đấu với đội bóng đá nam Paul Bert trên sân Mayer (hay còn gọi là sân Hiền Vương ở Sài Gòn xưa, nay đã không còn) và thủ hòa 2-2!

Ấy nhưng đó là chuyện xưa, tích cũ. Bởi phải đến cuối thập niên 80 đầu những năm 90, bóng đá nữ xuất hiện trở lại từ tư duy đổi mới của những cán bộ thể thao dám nghĩ, dám làm ở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh. Hà Nội bài bản hơn cả khi có riêng cho mình đội bóng mang tên Hoa học trò, hay Quảng Ninh. Nhưng ở TP.HCM thì một thời gian bóng đá nữ... bị cấm vì ý chí chủ quan! thậm chí thời đó còn có chuyện "truyền khẩu" là đích thân ông lãnh đạo ngành thể thao phóng Honda khắp thành phố để "lùng bắt" các nữ cầu thủ dám... trái lệnh mình!

Dĩ nhiên, vào cái thời bóng đá nam còn lay lắt với những khó khăn bao cấp, thì bóng đá nữ cũng chỉ được nghĩ một cách giản đơn - Nữ giới đá quả bóng! Đầu vào khi ấy khá đơn giản, miễn là yêu thích bóng đá, có sức khỏe và ưu tiên các VĐV thể thao, nhất là các môn có tính chất tương đồng như: Đá cầu, điền kinh...

Và có lẽ cũng chưa từng có trong lịch sử thể thao nước nhà, từ một môn mới chỉ manh nha ở phong trào, chưa có cả giải VĐQG, năm 1997, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thành lập để tham dự SEA Games 19 tại Indonesia. Quân đội tuyển được nhặt từ 3 trung tâm kể trên, còn HLV trưởng thì làm gì đã có ai từng huấn luyện bóng đá nữ, thế là ông Mai Đức Chung, khi ấy với tư cách Trưởng Bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT được điều động sang.

Chú thích ảnh
Đằng sau niềm vui chiến thắng này là những hy sinh thầm lặng của các cô gái đá bóng Việt Nam. Ảnh: AFC

Việc thành lập đội tuyển bóng đá nữ quốc gia khi ấy thực chất nằm trong chiến lược "đi tắt đón đầu" của Thể thao Việt Nam nhằm tìm kiếm huy chương ở các kỳ SEA Games bằng những môn mới, những môn của nữ mà các quốc gia Hồi giáo trong khu vực vốn không mạnh. Và đó là quyết định chính xác - Ngay khi tham dự giải Tiền SEA Games 19, đội tuyển nữ Việt Nam đã giành chức vô địch và sau đó là tấm HCĐ SEA Games 19, để bắt đầu hành trình chinh phục những kỳ tích.

Sống mòn bên những kỳ tích

Trở lại với chức vô địch Đông Nam Á đầy ấn tượng mà các cô gái vừa giành được trên đất Thái. Tính từ lần ra quân đầu tiên vào năm 1997, cho đến nay, đội tuyển nữ Việt Nam đã có cho mình bảng thành tích khá đồ sộ mà các nam đồng nghiệp "mơ chưa thấy": 3 chức vô địch Đông Nam Á; 5 lần lên ngôi Hậu SEA Games; hạng 6 ASIAN Cup nữ và hạng Tư ASIAD 2014. Ngay tại vòng loại FIFA World Cup nữ, các cô gái Việt Nam cũng chỉ còn cách vỏn vẹn 1 trận đấu... Còn trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, bóng đá nữ Việt Nam hiện đứng thứ 35 thế giới, thứ 6 châu Á và số 1 Đông Nam Á, trong khi tương ứng của bóng đá nam là 67 - 15 - 1.

Sẽ là rất, rất khập khiễng nếu so bóng đá nữ với bóng đá nam, kể cả với bóng đá Việt, một nền bóng đá còn đang phát triển. Nhưng nếu biết rằng, cứ mỗi khi bóng đá nam thất bại, thất bại cay đắng trên đấu trường quốc tế, thì cũng chính ở những sân chơi ấy, những cô gái lại mang về niềm tự hào cho người hâm mộ. Và trong khi bóng đá nam khoác lên trên mình chiếc áo chuyên nghiệp với những cơn mưa tiền tỷ đổ xuống sân cỏ, đổ vào những bản hợp đồng, những ngôi sao, cùng cả sự quan tâm của toàn xã hội, thì bóng đá nữ vật lộn để tồn tại bằng sự hy sinh thầm lặng của những cô gái đánh mất cả tuổi thanh xuân, lẫn tương lai cùng trái bóng tròn.

Đâu xa! Sau chức vô địch ấn tượng trên đất Thái, nào có lễ đón rước rình rang, chỉ có những nụ cười, lời chúc tụng từ người thân, báo giới, cùng vài vị quan chức...

Đó là quốc tế, còn trong nước, sau kỳ tích SEA Games 19, bóng đá nữ phát lộ tiềm năng và chỉ 1 năm sau, năm 1998, giải vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức với tới 14 đội tham dự và phải tổ chức thi đấu loại. Nhưng đến nay, mùa giải 2019 chỉ còn 7 đội tham dự và chẳng ai chắc, năm tới sẽ là bao nhiêu... khi mà ngay như Hà Nội, nơi được xem là khởi thủy của bóng đá nữ giờ cũng chỉ có duy nhất 1 đội. Chưa kể tính cạnh tranh ngày càng thấp (21 giải VĐQG tổ chức, Hà Nội vô địch 10, TP.HCM 7) và việc tìm tài trợ cho giải luôn là bài toán khó với Liên đoàn (từng có 3 giải VĐQG nữ không có tài trợ) khi sức xã hội hóa là cực thấp.

Lối đi nào cho bóng đá nữ?

Không phủ nhận tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam. Dù vậy, những đặc thù, khó khăn riêng đang khiến bóng đá nữ nước nhà khó có cơ hội vươn lên, mà cụ thể ở đây là vươn tới tốp đầu châu lục và giành suất dự VCK World Cup.

Khó khăn khách quan lớn nhất của bóng đá nữ trong nhiều năm qua là lực lượng. Không nhiều bậc phụ huynh nào thời nay muốn con gái mình theo nghiệp "quần đùi, áo số" nhất là ở các đô thị lớn. Đội tuyển quốc gia thắng giải, thưởng lớn, nhưng đâu có phải lúc nào cũng vô địch và cầu thủ nữ nào cũng được gọi vào đội tuyển. Các CLB bóng đá nữ hầu hết hiện sống bằng ngân sách của Sở VH-TT địa phương (có cả những địa phương nghèo như Sơn La), nên đồng lương, tiêu chuẩn đủ chi tiêu đã là may mắn, nói gì đến giúp đỡ gia đình, hay tích lũy cho tương lai. Chưa kể, chạy theo quả bóng khiến phận nữ nhi thiệt thòi, tương lai bỏ ngỏ...

Còn tiền! Trở lại với đầu bài viết đã đề cập, bóng đá nữ cũng như bóng đá nam và như nhiều ngành nghề khác rất cần tiền, nếu không muốn nói là rất nhiều vì đặc thù riêng để có thể nâng cấp phát triển. Chắc chắn đó không phải là tiền thưởng bạc tỷ nói trên, mà là khoản kinh phí lớn nhằm đầu tư từ phong trào, đến CLB đỉnh cao, từ giải VĐQG đến ĐTQG.

Nhưng tiền ấy lấy đâu ra. VFF đã rất nổ lực nhưng chỉ đủ kinh phí "nuôi gà nòi" 2 đội tuyển nữ trẻ (U16 và U19) nhằm tạo nguồn cho ĐTQG. Những cầu thủ "gà nòi" này cũng lấy từ các địa phương lên theo kiểu "nuôi hộ". Còn tại địa phương, duy trì được đội bóng đá nữ đã là nỗ lực lớn cần được ghi nhận.

bóng đá nữ phát triển trong trường học phổ thông, hệ thống trường Đại học; tăng cường kêu gọi xã hội chung tay đầu tư vào bóng đá nữ, kết hợp với mô hình đào tạo kiểu "gà nòi" cùng cơ chế tăng chi ngân sách đầu tư cho bóng đá nữ. Quan trọng hơn là tư duy - Trọng nam hơn nữ cần được xóa bỏ. Chỉ có thế, bóng đá nữ Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững.

2 & 3

Theo thống kê, số kinh phí để nuôi 1 đội bóng đá nữ trong 1 mùa ở Việt Nam rơi vào cỡ 2-3 tỷ đồng. Trong khi với 1 đội bóng nam dự V-League, cần phải gấp hơn khoảng... 20 lần thế.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm