'Vua sân cỏ' mất uy!

14/07/2015 15:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trọng tài Hà Anh Chiến bị các cầu thủ HAGL quây lấy để phản đối, Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh của đội bóng phố Núi còn lao thẳng vào sân để phản đối và nhận án kỷ luật. Nhưng nói họ nể hay sợ trọng tài thì có lẽ không.

Phản ứng với lỗi nhận định của trọng tài chính Hà Anh Chiến, Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh của HAGL phi thẳng vào sân, khiến trận đấu giữa FLC Thanh Hoá và HAGL phải gián đoạn mấy phút. Tất nhiên, phản ứng của ông Tấn Anh không thể khiến trọng tài Chiến bẻ còi, thay đổi quyết định và càng không thể thay đổi kết quả trận đấu.

Một tuần trước đó, trong trận derby nhà bầu Hiển ở sân Hàng Đẫy, HLV Lê Huỳnh Đức cũng cho rằng, tổ trọng tài đã làm việc không tốt, đặc biệt là các lỗi nhận định trong những tình huống nhạy cảm: Phạt đền hoặc không phạt đền. Ông Đức chốt lại, Hà Nội T&T là đội được hưởng lợi, sau các quyết định gây nhiều tranh cãi.



Trọng tài Hà Anh Chiến (phải) bị các cầu thủ HAGL phản ứng dữ dội trong trận đấu gặp FLC Thanh Hóa tại vòng 15. Ảnh: V.S.I

Cũng vòng 14, sân Bình Dương, HLV Ngô Quang Trường của SLNA một mặt cảm ơn hàng vạn CĐV xứ Nghệ đã đội mưa để sát cánh cùng đội bóng, nhưng vẫn không quên nói trọng tài. “Tôi không muốn nói nhiều khi trận đấu đã kết thúc, chỉ một điều chắc chắn rằng, các trọng tài đã thổi có lợi cho đội chủ nhà”.

Trọng tài là một phần không thể thiếu của các cuộc chơi và lịch sử bóng đá, từ cổ chí kim đến bây giờ, vẫn không ngừng tranh cãi sau các quyết định thổi phạt hoặc phất cờ. Nhưng, cuộc chơi nào cũng cần phải có luật và luật làm ra để được tôn trọng, răn đe, chứ không phải để người tham gia cuộc chơi… giỡn mặt, làm trò đùa.

Không có bất cứ mối quan hệ kiểu “lửa và khói” ở đây, khi chúng ta đã bỏ qua một bên các vấn nạn tiêu cực trọng tài, nhằm điều khiển sai lệch kết quả trận đấu. Và một khi đơn thuần chỉ là lỗi chuyên môn, nhận định thì chúng ta vẫn phải chấp nhận, dù đó có thể là một pha ghi bàn bằng tay, kiểu Diego Maradona ở VCK World Cup.

Tất nhiên, bóng đá không ai nói thay cho ai được, mà chỉ có tham gia cuộc chơi mới cảm nhận được những tức tưởi, oan uổng, sau một quyết định của trọng tài. Các ông chủ không bỏ cả trăm tỷ đồng đầu tư, để phải chịu quá nhiều oan nghiệt. Trước đây, việc đuổi đánh trọng tài trên sân không hiếu, cho đến khi họ “vua” nhận lệnh không được bỏ chạy.

Sau bao hệ lụy, bể dâu, bao gồm cả việc đào tạo trẻ bị hổng, các lứa trọng tài được đôn lên bắt V-League và hạng Nhất trong khoảng 2 – 3 năm qua, rõ ràng là chưa thật chắc tay cờ, vững tiếng còi. Nhưng đấy là vấn đề của cả nền bóng đá, của Giám sát,  Ban trọng tài, từ địa phương đến Trung ương, chứ không phải họ, bản thân các trọng tài.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực kế cận, bản thân các đội bóng, dù vẫn nêu cao ý thức làm bóng đá trẻ nhưng mấy ai làm được và làm đến nơi đến chốn đâu?!

Trần Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm