VPF du học K-League: Vừa làm, vừa học

16/11/2015 12:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi công bố danh tính tân TGĐ, ông Cao Văn Chóng, VPF cũng thông báo về chuyến du học đến K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc) cho vài chục thành viên. Có ý nói vui rằng, tân vương nào mới lên chả có "vỗ về", song trên thực tế, đây là tour thường niên của VPF, kể từ khi Công ty này thành lập.

Mấy năm trước, VPF (hay cao hơn là VFF) trong gói hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản, với J-League, vẫn thường tổ chức các chuyến Đông du. Nhưng nếu cứ du lịch mãi một điểm, cũng chán, nên năm nay đổi qua xứ kim chi. Nói là đi học, tham khảo mô hình J-League, nhưng thực ra bị dư luận chỉ trích là là đi “ăn cỗ. Bởi chẳng ai lại thay đổi mô hình xoành xoạch.

V-League vẫn đang vận hành theo kiểu "đẽo cày giữa đường", không theo bất cứ quy chuẩn nào cả và luật lệ sửa đổi liên tục, vừa chạy vừa xếp hàng. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch chuẩn bị của CLB và tệ hơn, các ĐTQG cũng phải chịu hệ luỵ, từ các giải đấu không bản sắc. Loanh quanh cũng chỉ là những tồn tại không thể giải quyết như bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài và mối lo có đội bỏ cuộc giữa chừng.

VPF và 131,135 tỷ đồng: Có là ‘lời nói gió bay’?

VPF và 131,135 tỷ đồng: Có là ‘lời nói gió bay’?

Theo số liệu thống kê, mùa giải 2015, nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã thu về khoảng 80 tỷ đồng từ các nhà bảo trợ, việc bán bảng quảng cáo, lệ phí tham dự giải, tiền phạt và đương nhiên cả gói tài trợ chính TOYOTA…


Về các CLB và các ĐTQG, cảm giác như không có mối quan hệ hữu cơ nào cả. 14 CLB ở V-League và 8 - 10 đội khác tại giải hạng Nhất, mỗi người một phách, từ lối chơi đến các kế hoạch về nhân sự, kiểu đèn nhà ai nấy sáng. Ví như B.Bình Dương, họ gom gần hết tinh binh để lấy về các chức vô địch, nhưng ĐTQG chưa từng lấy CLB này làm nòng cốt xây dựng đội hình, lối chơi.

Mà kể cũng khó trách CLB, bởi không thể bắt họ gánh vác các trọng trách tầm quốc gia. Vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở Liên đoàn, khi VFF được thừa hưởng đặc quyền khai thác các giá trị thương mại của ĐTQG, nhưng lại có phần cẩu thả trong việc chăm sóc đứa con của mình. Mỗi giai đoạn,  mỗi nhiệm kỳ, thậm chí là mỗi năm, lại thuê một ông thầy khác nhau.

Tư duy nhiệm kỳ dẫn đến thiếu tính kế thừa trên bình diện ĐTQG là chuyện đương nhiên. Bản thân HLV Miura hiện cũng không rõ chức năng chính của mình là gì: Trong vai dũng tướng đánh trận ngắn ngày hay vai trò của một tổng chỉ huy (đô đốc)? Ông Miura chia sẻ, ông sẽ không vội, ngay cả khi phải đón nhận những chỉ trích, vấn đề là ai cho ông thời gian để gầy dựng trong khi ông cũng phải tướng tài?!

Bóng đá Việt Nam còn ngổn ngang thế, song dường như đó không phải là trách nhiệm của những nhà quản lý, điều hành nền bóng đá, cũng như các giải đấu. Nó thuộc về tất cả. Cứ tít mù rồi lại vòng quanh, nhưng phải khuấy lên thế cho nó đục, thì mới ra "sản phẩm". Mà sản phẩm ở đây không hẳn có lợi cho tất cả, mà cho một nhóm người. Đấy mới là điều đáng bàn, đáng ngẫm.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm