Tuyển Việt Nam: Mỗi cầu thủ là một mắt xích

09/12/2014 16:02 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá hiện đại đề cao khâu tổ chức phòng ngự, trong đó, vai trò của bộ đôi (chứ không phải một) cầu thủ đánh chặn được ý thức một cách rõ nét. Sơ đồ 4-4-2 hay 4-2-3-1 (biến thể), với 2 tiền vệ trung tâm không còn chơi kiểu “một trên một dưới” nữa mà giăng ngang, cùng làm nhiệm vụ phòng ngự từ xa, thu hồi và chuyển hướng bóng. Thi thoảng, trong những pha tổ chức tấn công nhanh, một trong 2 cái tên này có thể mở tốc độ, áp sát khung thành đối thủ bất cứ lúc nào.

Ở AFF Cup 2014, Huy Hùng và Hoàng Thịnh đều đã ít nhất một lần thành công trong các pha hãm thành. Đó là các bàn thắng vào lưới Lào (Huy Hùng) và Philippines (Hoàng Thịnh). Thậm chí nếu may mắn hơn, Hoàng Thịnh đã có thể có nhiều hơn một bàn thắng.

Sức mạnh trong tranh chấp, tốc độ đoạn dài, khả năng ra chân của Hoàng Thịnh và Huy Hùng chính là những điểm trội so với đàn anh Tấn Tài, cầu thủ đeo băng thủ quân nhưng mới chỉ đá trọn 90 phút trong trận thắng Lào 3-0 ở vòng bảng. Sau cuộc đối đầu với Malaysia ở lượt đi vòng bán kết, có thể hiểu được vì sao HLV Miura lại quyết định cất đội trưởng trên băng ghế dự bị để dùng 2 người trẻ hơn và về lý thuyết là ít kinh nghiệm chiến đấu hơn.

Nhưng, đội tuyển Việt Nam với mỗi người đều là một mắt xích không thể thiếu, từ đội ngũ trợ lý, các bác sỹ, đến cầu thủ dự bị và những người đá chính. Ở một số thời điểm, đội tuyển Việt Nam bị Malaysia dồn ép, chúng ta đã thấy Công Vinh, Huy Toàn và Văn Quyết đứng hàng rào hoặc xuất hiện trong khu vực cấm địa.

Để đảm bảo đủ quân số khi tổ chức tấn công, người gần bóng nhất tự quyết định cần phải làm gì. Hoàng Thịnh và Phước Tứ, thậm chí cả Ngọc Hải, đã lao lên như tên bắn khi có cơ hội là vì thế.

Đã có ít nhất 8 cầu thủ trong tay HLV Miura ghi tên mình trong danh sách ghi bàn (đội tuyển Việt Nam đang dẫn đầu số lượng bàn thắng ghi được sau bán kết lượt đi với 10 bàn – PV), điều đó cho thấy sự biến hoá khôn lường về cơ chế vận hành chiến thuật mà HLV trưởng người Nhật Bản áp dụng. Con người làm nên chiến thuật và phục vụ nó, chứ chiến thuật không được sinh ra để phục vụ bất cứ cầu thủ nào.

Vượt qua Philippines ở vòng đấu bảng, thắng Malaysia tại bán kết lượt đi, đã có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa gặp một đối thủ lớn thực sự nào kiểu Thái Lan và người hâm mộ đừng vội quá hoan hỉ. Đánh giá này không phải không có lý khi nhìn về quá khứ, gần nhất là SEA Games 2009 và AFF Cup 2010. Nhưng khi đội bóng trở thành một cỗ máy công suất lớn, chúng ta có thể cuốn phăng mọi rào cản. Bên cạnh những thất bại cũng đã có cả thành công như ở AFF Cup 2008 và sự tự tin là yếu tố quan trọng.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm