22/05/2011 06:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH Cuối tuần) - Bóng đá Việt Nam có thêm 5 cầu thủ ngoại nhập quốc tịch nhưng lại không mang tới những hy vọng lớn lao.
Trong số 5 cầu thủ ngoại mới được nhập tịch, chẳng có cầu thủ nào biết chơi khăng đánh đáo, nhảy dây và ô ăn quan, nặn đất sét chơi pháo và cũng tuyệt đối không có ai lớn lên với tương cà mắm tôm.
Nếu không nhầm, trong số đó, người ở Việt Nam lâu năm nhất, xài tiếng lóng và tán gái bằng tiếng Việt thành thạo - 2 tiêu chuẩn người ta vẫn thường lấy ra để luận bàn về trình độ tiếng Việt của “Tây” trước khi có blog, Facebook..., là Amaobi Honest.
Amaobi, người Nigeria, chơi bóng ở Nam Phi trước khi tới Nam Định vào một ngày cuối năm 2003, rồi chơi bóng ở Việt Nam suốt từ đó tới nay trong màu áo của chừng nửa tá đội bóng. Giờ tên Việt của anh là Đặng Amaobi.
Amaobi nhập tịch là sự kiện khá bất ngờ với những người quen biết anh. Anh chê bóng đá Việt, từ thói ghen ghét đố kỵ cho tới tình trạng bè phái mà hầu như chưa bao giờ có sự hòa thuận giữa nội với ngoại binh. Và nếu thích, Amaobi có thể nhập tịch cách nay 3 năm khi anh đáp ứng mọi tiêu chí, trong đó có thời hạn cư trú. Nhưng cũng dễ hiểu, đây vẫn là một trong những nơi kiếm tiền dễ nhất, tới mức cứ nhập quốc tịch là sẽ có thêm một khoản tiền lớn, cho dù anh đã sắp về hưu.
Sau gần 8 năm chơi bóng ở V-League, Amaobi giờ đã trở thành cầu thủ Việt |
4 cầu thủ còn lại đến sau, giờ cũng đều mang họ Việt Nam như Đoàn Marcelo (Hoàng Anh Gia Lai), Lê Văn Tân (tên gốc là Jonathan Quartey, Hà Nội.ACB), Nguyễn Văn Rodgers (Thanh Hóa), Lê Hoàng Phát Thierry (Hà Nội.ACB). Họ có nhiều điểm khác Amaobi (về tính cách, thời điểm tới Việt Nam) nhưng lại chung một điểm là đều đã suýt soát hoặc trên 30 tuổi, và trên hết cũng là để kiếm tiền.
Với đầu vào này, thật khó để trông chờ chúng ta đã có thêm những sự lựa chọn tốt cho đội tuyển Việt Nam, một khi liên đoàn được bật đèn xanh để đưa các cầu thủ ngoại nhập tịch lên tuyển. Tức là mệnh đề nguồn lực với những tiêu chí là các cầu thủ trẻ (để sử dụng lâu dài), có chất lượng vượt trội (để tạo sức bật vọt) hầu như không được đáp ứng.
Nó chỉ có ý nghĩa cho các CLB cụ thể với các mục tiêu ngắn hạn. Chẳng hạn, Hà Nội ACB đã thắng Hòa Phát Hà Nội 3-2 trong trận đấu đầu tiên của lượt về và cũng là trong lần đầu tiên họ có 2 cầu thủ nhập tịch đã sắp đến tuổi về hưu ấy trong đội hình nhờ mệnh đề “yếu trâu vẫn hơn khỏe bò”, để tạm thoát ra khỏi vị trí phải xuống hạng.
Có lẽ cũng chỉ là tạm thời thôi, bởi thực tế đã trả lời không phải cứ có nhiều cầu thủ nhập tịch đồng nghĩa với chiến thắng trên sân cỏ. Ninh Bình là đội bóng có 3 cầu thủ nhập tịch nhưng chỉ đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng. Hoàng Anh Gia Lai cũng đầy rẫy các cầu thủ Việt gốc ngoại nhưng chỉ đủ sức trụ hạng thảnh thơi. Đồng Tâm Long An và Bình Dương ngày trước vô địch V-League là khi họ chưa có cầu thủ nhập tịch nào.
Cũng có những cầu thủ nhập tịch rồi đá vẫn hay như Nguyễn Rogerio, nhưng rất nhiều người nhập tịch xong lại chơi khá tệ như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Kesley, Sakda, Nirut...
Nguyên nhân có phải là nhập tịch chỉ vì tiền nên mọi thứ xong rồi thì mặc kệ chứ không đơn thuần chỉ là do các CLB đã biến các lão tướng thành cầu thủ Việt?
Vũ Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất