Góc nhìn 365: Đừng sợ tổn thương

26/03/2020 06:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hoang mang. Ai cũng sợ. Trước là sợ thiệt cho chính mình, sau là sợ thiệt... mạng. Giữa mùa dịch, ai không lo cho mình và người thân?! Nhưng, lo lắng không giống như sợ mình bị tổn thương.

'V-League chưa thể quyết đá tập trung một địa điểm'

'V-League chưa thể quyết đá tập trung một địa điểm'

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã khẳng định V-League 2020 sẽ vẫn diễn ra nhưng chưa có thời điểm cụ thể. Và ông Trần Anh Tú cũng cho biết VPF đã nghe về đề xuất đá tập trung của các CLB nhưng vẫn chưa thể quyết định.

Người của VFF và VPF cho rằng, họ không tính đến khả năng lùi mùa giải 2020 qua 2021. Đấy là họ chỉ tính và lo cho công việc của mình, song vẫn phải nghe chỉ đạo. Cụ thể, sau một công văn của Tổng cục TDTT, VPF đã phải hoãn ngày khai cuộc giải hạng Nhất, và sau đó là hoãn các trận đấu V-League 2020 từ vòng 3, cho đến hết tháng 3/2020.

Thực tế mà nói, ai hay tổ chức nào cũng ngại trách nhiệm. Khi mà học sinh còn chưa thể đến trường, đừng nói đến các hoạt động liên quan đến đám đông.

Nếu như các giải bóng đá Việt Nam năm 2020 phải dời đến năm 2021, thậm chí dài hơn khi dịch bệnh kéo dài và chưa thể khoanh vùng, thì làm sao?! Một số ông bầu sẽ bỏ cuộc chơi, nhưng ngay cả điều này, nhà tổ chức đã có kinh nghiệm xử lý tình huống rồi. Chỉ là nếu bóng đá nước nhà phải đối mặt với biến cố nào đấy thì có thể dẫn tới hậu quả là hàng chục, thậm chí hàng trăm người thất nghiệp.

Bóng đá chỉ là một địa hạt nhỏ của xã hội. Có khoảng 3.000 người đã và đang làm việc ở địa hạt này, bao gồm cả các phóng viên thể thao của các tờ báo chuyên về thể thao và có trang thể thao. 3.000 người, từ hệ thống các tuyến trẻ, đến đội ngũ HLV, rồi đầu bếp, tất cả, không bằng một số lẻ tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam.

Trong khoảng hơn một thập niên qua, bóng đá Việt Nam với những người làm việc trong đó, đã có sự tích lũy cả về tài chính lẫn năng lực làm việc ngoài địa hạt. Họ không phải là đối tượng đáng lo và cần sự trợ giúp.

Chú thích ảnh
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn chưa được hoàn toàn dập tắt, đoàn kết cùng nhau vượt qua mới là lựa chọn sáng suốt nhất. Ảnh: Hải Phòng FC

Có một vấn đề, mà giới ngoại đạo có thể không cảm nhận và chia sẻ được. Đấy là vấn đề mà chúng tôi muốn đề cập trong bài báo này: Đám đông.

Văn hóa nghệ thuật và thể thao là đám đông. Sân khấu 4 mặt, như bóng đá hay nhạc kịch, là đám đông. Không có đám đông, các nghề này không tồn tại. Và, đám đông vào lúc này không được tụ họp.

Một số ngành nghề khác vẫn có thể sống được giữa mùa dịch. Nhưng bóng đá hay ca nhạc thì không. Phàm là ngành nghề giải trí - phục vụ, lại dễ bị tổn thương. Họ chưa quen với chủ nghĩa hy sinh.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp rằng, đừng sợ mình bị tổn thương mà cố o bế. Giờ, vấn đề dân sinh - tính mạng con người mới quan trọng, chứ không phải quyền lợi của cá nhân hay tập thể.

Bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung cơ bản như một món ăn tinh thần, dễ gây nghiện như âm nhạc hay phim ảnh vậy. Nhưng, không có nghĩa là không thể thiếu. Trong bom đạn bóng đá vẫn sống, nhưng trong dịch bệnh, thì khác. Cẩn tắc vô ưu.

Ở tầm Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đang là số 1. Ở tầm châu lục thì chúng ta ngang bằng hoặc kém hơn Thái Lan một chút. Nhưng thứ hạng ấy, giờ không quan trọng nữa. Không quan trọng, thì cố giữ làm gì, để tự mình bị tổn thương?!

Phàm là người làm bóng đá, trước là vì tình yêu, sau mới tính tới quyền lợi. Làm tốt thì những điều tốt đẹp tự nhiên sẽ về. Cứ thong thả, rồi giông tố sẽ qua!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm