Dấu hỏi từ một bản hợp đồng

11/07/2019 16:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian vừa qua, dư luận đang xôn xao với thông tin VFF phải thanh toán khoản chi phí hoa hồng lên tới 30% trích từ bản hợp đồng mà VFF mới ký với một thương hiệu rất lớn trong lĩnh vực sản phẩm dinh dưỡng.

Chuyện của VFF, chuyện của ông Park

Chuyện của VFF, chuyện của ông Park

Cuộc thương thảo gia hạn hợp đồng giữa VFF và HLV Park Hang Seo mới bắt đầu nhưng lập tức đã nảy sinh những thông tin gây tranh cãi, buộc HLV Park phải lên tiếng thanh minh, giải thích. Chuyện này suy cho cùng cũng không có gì ngạc nhiên, bởi đàm phán kinh tế chẳng bao giờ là dễ dàng, nhất là khi 2 bên không ở vị trí tương đương nhau.

Cụ thể, trong bài viết “Thông tin bất ngờ vụ VFF “mất” 18 tỷ từ hợp đồng tài trợ”trên báo Giao thông Online xuất bản ngày 9/7/2019 có nêu chi tiết: “một thương hiệu lớn mới đây đã ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc tài trợ cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam trong vòng 3 năm, tổng giá trị hợp đồng ước tính lên tới khoảng 60 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Truyền thông và đầu tư Nam Hương (Nam Hương), đơn vị trung gian kết nối 2 đơn vị này hưởng 30% tổng giá trị hợp đồng và phải có trách nhiệm chăm sóc hình ảnh, làm truyền thông cho đơn vị tài trợ trong suốt thời gian hợp đồng”.

Việc VFF phải mất tới 30% tiền hoa hồng cho đơn vị trung gian cho bản hợp đồng này khiến dư luận rất bất ngờ và thắc mắc. Một Uỷ viên BCH VFF khoá VIII chia sẻ với chúng tôi rằng ông không thể hiểu được vì sao trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và ưu ái từ xã hội, mà VFF lại phải nhờ trung gian để đi tìm kiếm tài trợ, hơn nữa, khoản tài trợ này lại mất tới 1/3 cho chi phí hoa hồng, như thông tin của báo Giao thông Online.

Theo Uỷ viên BCH này thì việc VFF ký kết hợp đồng với một bên thứ 3 để tìm kiếm vận động tài trợ cho các ĐTQG cũng là chuyện bình thường, phù hợp với xu thế của thể thao chuyên nghiệp ngày nay, nhưng điều không bình thường là ở chỗ chi phí hoa hồng cho thương vụ nói trên là quá lớn, trong khi bóng đá Việt Nam đang rất có giá và bản thân nhà tài trợ cũng là doanh nghiệp nội địa 100% nên việc kết nối không phải là nhiệm vụ quá khó khăn.

Tuy nhiên, đây không phải là điều không bình thường duy nhất trong vụ việc này, bởi cũng theo báo Giao thông, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và đầu tư Nam Hương, lại là thành viên Ban Tài chính và Vận động tài trợ VFF, do ông Lê Văn Thành làm trưởng ban.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoài Anh, TTK VFF, xác nhận bà Hương là thành viên Ban Tài chính và Vận động tài trợ VFF từ tháng 12/2018.

Trước thông tin thắc mắc về vai trò của bà Hương trong thương vụ này, ông Hoài Anh giải thích trên báo Giao thông rằng: “Quy chế hoạt động của VFF là tập thể quyết định, nên không có chuyện một cá nhân có thể thay mặt tập thể quyết định bất kỳ công việc gì. Ở sự việc VFF nhận tài trợ, mọi thủ tục được tiến hành theo đúng quy chế Ban Tài chính và vận động tài trợ”, nhưng ông Hoài Anh lại không cho biết quy chế ở đây cụ thể là gì.

Nếu là thành viên thông thường của Ban Tài chính và Vận động tài trợ VFF, hẳn nhiên bà Hương sẽ phải có trách nhiệm giúp VFF được hưởng quyền lợi tốt nhất khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà tài trợ, nhưng ở đây, khi bà Hương sắm cùng lúc 2 vai, vừa là thành viên VFF, vừa là người phụ trách đơn vị trung gian thụ hưởng hoa hồng từ VFF, người ta có quyền thắc mắc và đặt câu hỏi.

Thu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm