Cú sốc bán độ giải trẻ: Vì đâu đến nỗi?

23/03/2020 13:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối các giải đấu chuyên nghiệp tạm hoãn vì dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam những ngày qua rúng động với thông tin về một số nghi án bán độ của các cầu thủ trẻ.

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Malaysia buồn vì hoãn lịch đấu Việt Nam. Công an điều tra nghi án bán độ ở giải U19

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Malaysia buồn vì hoãn lịch đấu Việt Nam. Công an điều tra nghi án bán độ ở giải U19

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Malaysia buồn lòng vì hoãn lịch đấu Việt Nam. Công an điều tra nghi án bán độ giải U19 QG

Chỉ trong một thời gian ngắn, báo chí liên tiếp đăng tải thông tin về nghi án tiêu cực của một số cầu thủ trẻ, như vụ một số cầu thủ của U21 Đồng Tháp liên quan tới vụ dàn xếp tỉ số trong trận gặp U21 Vĩnh Long tại vòng loại U21 quốc gia 2019.

Cụ thể, Huỳnh Văn Tiến đã rủ rê tất cả các cầu thủ khác trong đội, trừ đội trưởng Hoàng Duy và tiền vệ Công Minh, tham gia dàn xếp tỉ số, cá cược theo hình thức tài/ xỉu với số tiền 150 triệu đồng. Sau khi thắng cược và nhận được 133 triệu, Tiến chia cho 9 cầu thủ đá chính, 2 cầu thủ dự bị.

Chưa dừng lại ở đó, trong bản tường trình, cầu thủ trẻ của U21 Đồng Tháp còn khai tại giải hạng Nhì quốc gia 2019, khi Tiến và đồng đội thi đấu cho CLB Gia Định đã được một anh lớn ở đội này hứa hẹn nếu đá thắng ở trận gặp Long An, Tiến và 7 cầu thủ nữa nhận được 75 triệu đồng. Đến trận gặp Vĩnh Long, Tiến nhận được 9 triệu đồng và chia cho 2 cầu thủ nữa. Mỗi người cầm về 3 triệu.

Dựa vào những gì Huỳnh Văn Tiến đã tường trình với ban huấn luyện, không khó để nhận ra số tiền mà các cầu thủ trẻ Đồng Tháp nhận được sau những phi vụ bán độ chỉ dừng lại ở mức trên dưới 10 triệu đồng.

Ngoài sự việc của U21 Đồng Tháp, VFF cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra về nghi án dàn xếp tỷ số ở trận đấu giữa U19 Bình Định và U19 Đắk Lắk tại vòng loại giải U19 quốc gia 2020. Trước đó, VFF cũng đã đưa ra bản án kỷ luật dành cho những cầu thủ trẻ này.

Vẫn biết thu nhập của các cầu thủ trẻ chẳng đáng là bao, đặc biệt ở các đội bóng nhỏ, vì theo tìm hiểu, các lứa U của Đồng Tháp chỉ sống bằng tiền trợ cấp hàng tháng trong những giai đoạn tập chay và không có giải để tham dự, nhưng đó chẳng thể nào là lý do để bào chữa được cho hành vi sai trái như tham gia dàn xếp tỷ số.

Chú thích ảnh
Tường trình của cầu thủ Huỳnh Văn Tiến. Ảnh: Tuổi Trẻ

Các giải bóng đá trẻ vẫn luôn là mục tiêu nhắm đến của trang cá cược mang tính hệ thống. Trong quá khứ, không ít những cầu thủ trẻ phải chấm dứt sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp còn dang dở chỉ vì một lần trót dại. Nhìn vào tấm gương của những đàn anh đi trước, các cầu thủ trẻ ngày nay hẳn lường trước được những gì có thể phải đối mặt khi “nhúng chàm”.

Không ít những ngôi sao đầy tiềm năng của bóng đá Việt Nam phải đối diện nguy cơ đánh mất cả tương lai chỉ vì một lần “lỡ dại”, nhưng nguyên nhân nào khiến các cầu thủ trẻ bất chấp tất cả để tiếp tay cho hành vi sai trái vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải.

Nó đến từ sự lỏng lẻo trong công tác giám sát, quản lý cầu thủ của đội bóng, HLV? Sự nương tay trong những án phạt được đưa ra? Hay những lỗ hổng của cả một hệ thống giải đấu trẻ vốn mong manh, dễ bị tổn thưởng đang bị khai thác triệt để? Có bao nhiêu trận đấu kiểu như vậy vẫn chưa được phanh phui? Có người đứng đằng sau vi phạm ấy hay không? Liệu đó chỉ bề nổi của một tảng băng chìm?

Và rồi sau khi vụ việc bị phát giác, các cầu thủ trẻ Đồng Tháp gần như vẫn bình an vô sự. Nhân vật chủ mưu Huỳnh Văn Tiến chỉ phải viết đơn xin nghỉ tập trung, tập luyện và thi đấu có thời hạn trong 2 tháng mà không nhận tiền ăn và tiền công hàng tháng. Các cầu thủ còn lại gần như chẳng phải nhận án phạt nào ngoài việc bị cắt giảm chế độ.

Lãnh đạo Trung tâm TDTT Đồng Tháp thậm chí còn thừa nhận buộc phải nương tay với dàn sao trẻ vì sợ sẽ không còn đủ người đá trong thời gian tới: "Chúng tôi tham khảo anh em và phía an ninh, quyết định xử lý ở góc độ lần đầu tiên sai phạm, có độ thành khẩn và xử lý theo tình người nhằm giúp các em có cơ hội quay đầu lại. Nếu kỷ luật hết 11 cầu thủ này thì 5-7 năm nữa Đồng Tháp chưa có lứa cầu thủ chơi được ở giải hạng Nhất.

Ngoài ra, năm nay các em sẽ thi đấu giải U21 quốc gia, lại đang ở độ chín của sự nghiệp, nên chúng tôi đặt mục tiêu giành thành tích cao hơn chiếc HCĐ ở giải 2019. Các cầu thủ khác khi Tiến đưa tiền thì cầm nên án phạt như vậy là được.

Còn Tiến đúng là án nhẹ thật. Đáng lẽ phải treo giò 1-2 năm, nhưng treo giò 1 năm, tôi nghĩ Tiến sẽ không thể quay trở lại. Chúng tôi bàn rất nhiều chuyện xử lý Tiến ra sao. Gia đình Tiến rất nghèo và em ấy là thu nhập chính”, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Đồng Tháp Phạm Quốc Dũng chia sẻ.

Một lần nữa thành tích vẫn được đặt lên hàng đầu? Nó quan trọng hơn danh dự, sự trong sạch của một nền bóng đá? Hệ quả sẽ ra sao nếu những cầu thủ ấy vẫn ra sân thi đấu trong tương lai sau khi thoát án treo giò? Liệu họ có còn “ngựa quen đường cũ” hay không? Những cầu thủ trẻ lớp dưới có còn bị lôi kéo nữa không?

Câu chuyện đằng sau sẽ vẫn ở nguyên trong bóng tối khi những biện pháp, bản án không đủ mạnh, có sức răn đe. Sự “chiều chuộng” của những người có trách nhiệm sẽ khiến những cầu thủ vi phạm “nhờn thuốc”.

Và rồi, ngày mai, ngày kia, một vụ bán độ, dàn xếp tỉ số theo kịch bản tương tự lại xảy ra. Một bản án kiểu xoa dịu, “có tình” lại được tuyên. Không còn bất ngờ, bàng hoàng nữa.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm