Cà phê thể thao: Giấc mơ khép kín của U19 Việt Nam

12/09/2014 19:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi người hâm mộ bóng đá cả nước háo hức với triển vọng mà đội tuyển U19 do Học viện HAGL Arsenal JMG làm nòng cốt vẽ ra, thì nhà báo Hồng Ngọc – như thường lệ - lại “bới” ra vấn đề của nó.

Cà phê thể thao: Chào anh Hồng Ngọc! Chắc hẳn anh phải bị thuyết phục bởi màn trình diễn của đội tuyển U19 Việt Nam, do Học viện HAGL Arsenal JMG làm nòng cốt chứ?

Hồng Ngọc: Nếu so với thứ bóng đá ở V-League mà chúng ta vẫn thường xem, và cả so với những trận đấu của đội tuyển Việt Nam do các đàn anh thể hiện, không chỉ tôi mà bất kỳ ai quan tâm đến bóng đá Việt đều bị thuyết phục. Không phải đến bây giờ, mà chỉ cần 15 phút đầu tiên xem các em thi đấu khi vừa “xuống núi” là đã bị thuyết phục rồi.

Phải chăng nó vẽ ra một tương lai xán lạn cho bóng đá Việt Nam, hay ít nhất cũng tạo ra một mô hình mẫu mực để phát triển bóng đá nước nhà?

Chưa có tương lai xán lạn nào cả. Và tôi cũng không cho rằng nó là mô hình mẫu mực. Niềm tự hào của chúng ta vẫn thua tan nát khi du đấu ở Nhật Bản, dù là trước các đội bóng sinh viên. Chuyến du đấu ấy phát lộ ra rằng, chúng ta nuôi một bầy gà chọi, chỉ cho ăn và tập với hướng đạo nghề nghiệp rõ ràng thì vẫn chưa bằng các đội bóng sinh viên Nhật Bản. Cả nền bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất 1 đội U19 như vậy, còn Nhật Bản có vài chục đội bóng sinh viên. Nhưng ngay cả ở top đầu châu Á, họ vẫn bị cạnh tranh gay gắt, và dự World Cup mà vào vòng 2 đã được xem là thành công.

Chúng ta phải tự hỏi, nếu một nhóm cầu thủ trong đội đó gặp vấn đề từ chuyên môn đến chuyện hậu trường thì tương lai của đội bóng này là thế nào? Với người Nhật thì họ không lo điều đó, vì có tới vài chục đội bóng sinh viên có trình độ còn cao hơn vậy, chưa nói tới lứa trẻ của các đội nhà nghề.

Nhưng Học viện HAGL Arsenal JMG đã được giáo dục về văn hóa, về con người rất kỹ, nó sẽ giúp họ có sức đề kháng tốt với những nguy cơ “bệnh tật” ngoài xã hội?

Trước hết, chúng ta phải làm rõ khái niệm đề kháng. Nguyên lý của nó nằm ở động lực cơ bản của phát triển: Cạnh tranh. Cơ thể con người có hệ miễn dịch, là cấu trúc và quá trình sinh học để tiêu diệt các vi sinh vật lạ, các tế bào bất thường, qua đó chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng vào cơ thể để gây bệnh. Nó được thực hiện bằng cách làm mạnh hệ miễn dịch, như được cung cấp dưỡng chất tốt, được phát triển trong môi trường lành mạnh, và được rèn luyện.

Nhưng phát hiện độc đáo nhất của y học là vaccine lại chỉ ra một cách thức lý thú: Đưa mầm bệnh vào cơ thể người dưới dạng không còn khả năng phát tác gây bệnh, nhưng đủ để cơ thể nhận ra sự xâm nhập của vi sinh vật lạ, nhằm kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra nhân tố chống lại bệnh đó, giúp cơ thể miễn nhiễm với bệnh này về sau.

Trong mô hình đào tạo kiểu “bế quan luyện công” của Học viện HAGL Arsenal JMG thì mới là ở phần việc thứ nhất: phát triển trong môi trường lành mạnh, được cung cấp dưỡng chất và bảo vệ tốt. Nhưng để miễn nhiễm với bệnh tật thì phải tiêm vaccine, đưa mầm bệnh vào cơ thể một cách có chủ đích và có kiểm soát.

Khi bầu Đức còn cấm cầu thủ từ lò của mình nhận tiền thưởng, thì tôi chắc chắn rằng họ vẫn chưa được “tiêm vaccine”. Chúng ta sẽ phải chờ xem các cầu thủ này sẽ phản ứng ra sao khi tiếp xúc với môi trường đầy mầm bệnh ở V-League các mùa giải tới. Cá nhân tôi thì không vững tin với triển vọng này.

Anh dựa vào đâu khi nhận xét như vậy, hay đơn thuần là cảm nhận cá nhân?

Nếu xét từ cảm nhận cá nhân thì là tích cực, qua những gì các em đã thể hiện. Nhưng tôi đưa ra nhận xét khác với cảm nhận là bằng lý tính, xét từ phương diện cơ bản nhất: cạnh tranh.

Tôi từng nói mô hình đào tạo của Arsenal không phải là mẫu mực. Nó chú trọng đào tạo cầu thủ chứ không đào tạo đội bóng, và thường chỉ làm tốt ở vài vị trí là hậu vệ cánh, tiền vệ tổ chức. Để bù đắp khiếm khuyết, nó thiết lập một hệ thống có tính mở rất cao.

Trước tiên, Arsenal được ưu tiên tuyển dụng những cầu thủ xuất sắc nhất từ toàn bộ hệ thống của mình trên khắp thế giới, chứ không phải chỉ tuyển dụng cầu thủ từ Arsenal mẹ, như chúng ta đã biết đôi chút về ràng buộc giữa HAGL Arsenal JMG và CLB Arsenal. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, họ vẫn tiếp tục săn lùng cầu thủ trẻ trên khắp thế giới tới tận tuổi 16-18 để bổ sung vào đội trẻ của mình. Chúng ta đã biết Arsenal nổi tiếng với các vụ mua, “bắt cóc” cầu thủ trẻ từ khắp nơi, nhất là từ lò La Masia của Barca để bổ sung cho đội trẻ của mình trước khi đưa họ lên đội 1.

Trong khi HAGL Arsenal JMG là một mô hình hầu như khép kín. Không có cạnh tranh với các lò khác cùng hệ thống, không có bổ sung cầu thủ từ bên ngoài về để cạnh tranh, và thậm chí thiếu sự cạnh tranh ngay trong lòng nó, khi một lứa cầu thủ được nuôi từ năm 11-12 tuổi từ lúc tuyển đầu vào đến giờ, có rất ít sự luân chuyển qua lại với các cầu thủ cùng lứa.

Nói đúng ra thì đó chỉ là một lớp cầu thủ chứ không phải là học viện hay trung tâm đào tạo, vì đã là học viện, trung tâm thì phải có nhiều lớp, có cạnh tranh và sàng lọc. Cạnh tranh phải là một quá trình lâu dài và liên tục, chứ nó không phải chỉ được thực hiện một lần ở khâu xét tuyển đầu vào lúc 11-12 tuổi.

Cạnh tranh sinh tồn là động lực tiến hóa trong tự nhiên, và cạnh tranh là phương thức thúc đẩy chủ nghĩa tư bản đạt được những thành tựu hiện hữu phi thường so với các giai đoạn khác trong lịch sử nhân loại. Nó buộc người ta không ngừng nỗ lực để tiến bộ, vì không tiến bộ sẽ bị bỏ lại phía sau, thậm chí bị gạt ra ngoài lề.

Khi con người nỗ lực để tiến bộ, nó giống như cơ thể ta được nuôi dưỡng và rèn luyện trong một môi trường tốt để tăng sức đề kháng vậy. Nhưng đồng thời sự nỗ lực đó phải được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống, với tính mở cao, trong môi trường có thể ô nhiễm, tức là người ta được tiêm vaccine vậy.

Vậy chúng ta cần gì để Học viện HAGL Arsenal JMG có vai trò lớn hơn giúp bóng đá Việt Nam có những giấc mơ đẹp không phải nhờ chùm chăn?

Thứ nhất, phải có nhiều trung tâm đào tạo tương tự HAGL Arsenal JMG hiện tại, chứ không phải chỉ một, để các cầu thủ giỏi bị cạnh tranh. Thứ hai, phải sửa chữa mô hình HAGL Arsenal JMG hiện tại, cho giống với học viện hơn: mỗi khóa đào tạo gồm nhiều lớp với trình độ khác nhau, có “lên lớp”, “xuống lớp”. Thứ ba, tăng cường đào tạo tại chỗ và đào tạo cộng đồng, để giảm bớt chi phí đào tạo do việc tăng lớp, và hình thành văn hóa bóng đá địa phương. Thứ tư, có sự gắn kết chặt chẽ với bóng đá học đường, để ươm mầm thời kỳ tiền đào tạo.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm