20/02/2021 08:28 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup - sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra lần đầu vào năm 1930 tại Uruguay, nhưng phải tới lần thứ 2 vào năm 1934 tại Ý, vòng đấu loại mới được tổ chức. Cũng giống như thế, bóng đá Việt dù có tới hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, nhưng vì hoàn cảnh của đất nước, lần tham gia vòng loại FIFA World Cup đầu tiên phải mãi đến năm 1974...
... Khi đó, đội tuyển miền Nam Việt Nam đã thắng Thái Lan 1-0 ở vòng loại bảng 1 khu vực châu Á để bước tiếp vòng nhóm A vòng loại FIFA World Cup 1974 khu vực châu Á - châu Đại Dương cùng Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc). Nhưng rồi, chỉ trong vòng 5 ngày thi đấu ở Hàn Quốc, tuyển miền Nam Việt Nam thua Nhật Bản 0-4, thua Hong Kong 0-1, đã sớm dừng bước trong lần đầu tham dự.
Xét ở góc độ chuyên môn, đây là điều cực kỳ đáng tiếc, bởi vào cuối thập niên 50 và những năm 60 của thế kỷ trước, bóng đá miền Nam Việt Nam được xếp vào hàng những đội bóng mạnh nhất châu lục, việc tìm kiếm 1 suất tham dự World Cup chưa hẳn đã là quá tầm, nhưng rồi vẫn là...
Giấc mơ xa...
Nhắc lại những dòng lịch sử cũ để thấy giấc mơ FIFA World Cup xa tới thế nào. Mặc cho đội tuyển U20 nam từng tham dự vòng chung kết FIFA U20 World Cup; đội tuyển futsal dự vòng chung kết futsal World Cup, kể cả đội tuyển bóng đá nữ gần chạm tay vào suất đi sân chơi lớn nhất thế giới, thì FIFA World Cup dành cho đội tuyển nam quốc gia - thứ bóng đá chuẩn của sân 11 người vẫn bị coi là mục tiêu quá tầm, dù với tư cách thành viên của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, đội tuyển Việt Nam liên tục tham dự qua các kỳ World Cup.
Cụ thể, bắt đầu từ năm 1994, tức là 3 năm sau khi trở lại với sân cỏ quốc tế (tham dự SEA Games 1991), đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại FIFA World Cup đầu tiên và dù đã có 1 trận thắng trước Indonesia nhưng là chưa đủ để đi tiếp. Tính đến vòng loại FIFA World Cup 2018, tức là sau 7 lần tham dự, chưa bao giờ vượt quá vòng loại thứ nhất tại khu vực châu Á (tại khu vực châu Á thường có đến 3 vòng loại và các trận play-off liên châu lục để xác định xuất dự vòng chung kết FIFA World Cup).
Cũng theo thống kê, qua 7 lần tham dự, đội tuyển Việt Nam đá 37 trận chỉ thắng 10, hòa 3 và thua 24, ghi được 42 bàn, nhưng để thủng lưới tới 75 lần.
Tất nhiên, với khoảng cách lớn về trình độ chuyên môn, việc không thể tiến xa ở sân chơi này là hoàn toàn có thể hiểu được. Hơn thế, việc tham dự vòng loại FIFA World Cup chỉ được xem là cơ hội cọ xát đỉnh cao cho bóng đá nước nhà chuẩn bị cho những giải đấu vừa tầm hơn.
Mặc dù vậy, dấu ấn của đội tuyển Việt Nam ở sân chơi này không phải là không có. Đó là 2 chiến thắng hoành tráng tới 13-1 trước Macau (Trung Quốc) tại vòng loại FIFA World Cup 2018 mà ở đó, danh thủ Lê Công Vinh ghi được 7 bàn. Hay cũng tại vòng loại này là màn ngược dòng ngoạn mục để đánh bại tên tuổi lớn của làng cầu châu Á Qatar với tỷ số 2-1 tại sân Mỹ Đình...
Và giấc mơ đang tới gần
Vào lúc này, bóng đá Việt Nam đang trải qua những ngày tháng tươi đẹp nhất dưới triều đại của ông thầy Hàn Quốc Park Hang Seo, chúng ta đang là nhà đương kim vô địch Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup, vô địch SEA Games và đứng trong Top 8 Asian Cup, thì... World Cup vẫn là giấc mơ xa bởi nhìn vào mặt bằng bóng đá châu lục hiện tại thì cơ hội có mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh gần như chỉ bằng con số 0.
Nhưng tại sao và như thế nào, ở lần tham dự vòng loại FIFA World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam lại đang trở nên tăng nhiệt tới bất ngờ?
Thực ra không khó để tìm ra câu trả lời. Trước hết, sau nhiều thành công để có mặt trong Top 15 đội tuyển hàng đầu châu Á, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lọt thẳng vào vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á với hạt giống là số 2. Vị trí hạt giống này giúp cho thầy trò HLV Park Hang Seo có lá thăm thuận lợi để có thể nuôi hy vọng tiến vào vòng 3 - vòng loại cuối cùng. Và nếu có mặt ở vòng 3, dù có thể chưa chạm đến tấm vé dự vòng chung kết World Cup tổ chức tại Qatar năm 2022, thì đội tuyển Việt Nam cũng giành được suất dự vòng chung kết ASIAN Cup 2023 (vòng loại thứ 2 FIFA World Cup 2022 cũng là vòng loại ASIAN Cup 2023).
Và trước khi vòng loại FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, hy vọng đó đã phần nào trở thành hiện thực. Sau 5 trận đã đấu, thầy trò HLV Park Hang Seo đang chiếm ngôi đầu bảng G với 11 điểm sau 3 trận thắng (thắng Malaysia 1-0; thắng Indonesia 3-1, thắng UAE 1-0), 2 hòa (hòa Thái Lan 2 trận cùng tỷ số 0-0).
Và theo những thông tin mới nhất, Liên đoàn bóng đá châu Á AFC vừa quyết định bảng G vòng loại FIFA World Cup 2022 khu vực châu sẽ được tiếp tục vào tháng 6 tới với hình thức thi đấu tập trung (tại Thái Lan hoặc UAE) và tại đây đội tuyển Việt Nam sẽ lần lượt gặp các đối thủ: Indonesia tại lượt 9 (ngày 7/6), Malaysia tại lượt 8 (ngày 11/6), UAE tại lượt trận 10 (ngày 15/6).
Theo nhận định chung của giới chuyên môn, với 11 điểm có được (hơn đội thứ nhì là Malaysia 2 điểm), thầy trò HLV Park Hang Seo đang đứng trước cơ hội rất lớn để lần đầu tiên trong lịch sử tiến vào vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á, một mốc son mới trong lịch sử bóng đá nước nhà. Nói giấc mơ World Cup tới gần hơn là thế!
Tại sao Việt Nam không đăng cai vòng loại FIFA World Cup 2022 Thông tin từ cuộc họp của AFC, Thái Lan và UAE là hai quốc gia đã xin đăng cai các trận còn lại của bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Việt Nam không nộp đơn đăng cai. Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "FIFA và AFC rất ấn tượng với hình ảnh đẹp của V-League mùa giải vừa qua. Tuy nhiên theo quy định phòng dịch, công dân các nước khi đến Việt Nam hiện nay phải thực hiện cách ly 14 ngày. Bên cạnh đó, AFC cũng yêu cầu các đội bóng khi tham dự loạt trận cuối phải xét nghiệm Covid-19 liên tục. Họ cũng đưa ra một số tiêu chuẩn như chúng ta phải có 5 khách sạn tốt, 5 sân tập riêng biệt cho các đội....Đây là những điều kiện mà Việt Nam chưa thể đáp ứng". |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất