Bóng đá Việt Nam và Thái Lan: Đến 'cự ly ngắn' cũng thua?

17/10/2015 06:06 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - “HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto đã từng tạo được các cột mốc kỳ vĩ cho bóng đá Việt Nam giai đoạn 2007-2008, đấy là bởi họ đã được thừa hưởng các thế hệ cầu thủ có đẳng cấp nối tiếp nhau. Từ lứa của Như Thành, Huy Hoàng, Thế Anh, Dương Hồng Sơn, Minh Phương, Tài Em…, toàn hảo thủ cả, đến thế hệ chúng tôi, với Tấn Tài, Vũ Phong, Minh Đức, Quang Thanh, Việt Cường, Quang Cường, Thanh Bình… Tôi cho rằng sức mạnh nội tại của nền bóng đá, cũng như cơ thể các ĐTQG mang tính quyết định rồi mới xem xét đến việc ai là HLV trưởng”, tiền đạo Lê Công Vinh khẳng định.

Còn Phan Văn Tài Em, đồng đội cũ của Công Vinh, nhà vô địch AFF Cup 2008, thì ngắn gọn hơn: “Chỉ HLV Calisto mới có thể trị được Thái Lan”. Điểm lại lịch sử các cuộc đối đầu giữa 2 nền bóng đá từ 12 năm đổ lại, tức hậu “thế hệ vàng”, mới thấy tính thời điểm, thời vận quan trọng đến đâu với hoạn lộ của một HLV trưởng.

Chấp Văn Quyến vẫn thắng Thái Lan

Những năm đầu thế kỷ 21, bóng đá Việt Nam chào đón một thần đồng thực sự, đấy là Phạm Văn Quyến. Từ VCK U16 châu Á tại Đà Nẵng năm 2000 đến SEA Games 2005 (Bacolod, Philppines), xen giữa đó là các kỳ Tiger Cup (giải vô địch Đông Nam Á), vòng loại Asian Cup và vòng loại World Cup…, Văn Quyến là số 1, dù tuổi đời còn rất trẻ (Phạm Văn Quyến sinh năm 1984).

Tại SEA Games 22 trên sân nhà Mỹ Đình năm 2003, Văn Quyến khiến cầu trường nổ tung với bàn mở tỷ số vào lưới U23 Thái Lan (phút 55), trước khi Thonglao gỡ hoà phút 81, kéo lại 1 điểm cho người Thái trong trận đấu ở vòng bảng. Chúng ta thua 1-2 ở chung kết sau đó (với bàn thắng vàng của Nattaporn thứ 96), nhưng bàn thắng quân bình tỷ số 1-1 của Văn Quyến ở phút 90 +1 đích thị là khoảnh khắc vàng.

Cơn bão tiêu cực tại Bacolod (Philippines năm 2005) đã khiến nền bóng đá không chỉ mất Văn Quyến, mà còn mất thêm rất nhiều cầu thủ trẻ đầy tài năng cùng thời khác là Quốc Vượng, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Hải Lâm. Trong đó, cặp Văn Quyến – Quốc Vượng được cho là khắc tinh của bóng đá Thái Lan. Nhưng có thể khẳng định đây là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam có thể nói là thừa mứa tài năng.

Các cột mốc vĩ đại của nền bóng đá kể từ thời sau hội nhập đều không tự nhiên mà đến trong 2 năm 2007-2008. Chúng ta không chỉ thắng mỗi Thái Lan (AFF Cup 2008), mà có thể chơi khá ngang bằng với các đại diện Tây Á như Bahrain, Qatar, UAE, Oman, Lebanon…, lọt vào đến vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh, giành quyền chơi tứ kết và chỉ chịu thất bại trước nhà vô địch Asian Cup 2007 là Iraq.

Vẫn phải thừa nhận rằng, HLV Alfred Riedl và đồng nghiệp Henrique Calisto đã là những chiến lược gia kỳ tài, nhưng nếu không có sự cộng hưởng, cổ vũ của thời thế, thì đến thánh cũng không thể giúp nền bóng đá hoá rồng thông qua các giải đấu cụ thể trong khoảng thời gian này.

Thời vận không thông…

Ở số báo trước, chúng tôi đã đặt ra các vấn đề về thời vận của nền bóng đá cũng như các đời HLV trưởng và rằng, HLV Toshiya Miura có thể đã không được thời thế ủng hộ, khi ông chỉ được tiếp quản một cơ thể các ĐTQG khá rệu rã, so với các đời HLV tiền nhiệm.

Dẫn dắt các ĐTQG kể từ năm 2014, HLV trưởng người Nhật Bản mới chỉ tạm thời chấm dứt cuộc khủng hoảng mini kéo dài từ năm 2011 đến 2013.

Cụ thể, ông đưa đội tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014 trên sân nhà, giúp U23 Việt Nam đoạt HCĐ SEA Games 28 (Singapore); trước đó nữa, HLV Miura cũng đã đưa Olympic Việt Nam vào chơi vòng 1/8 Asian Games 17 (bằng thành tích của phó tướng Phan Thanh Hùng ở Asian Games 16, Quảng Châu – Trung Quốc năm 2010). Ngay cả việc giành suất dự VCK U23 châu Á 2016 của đội U23 Việt Nam dưới quyền HLVMiura cũng chưa phải kỳ tích.

Không khó để nhận thấy rằng ở giai đoạn này chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có chiều hướng đi xuống, khi nhà tổ chức hạn chế suất đăng ký ngoại binh (hạng Nhất 2015 chỉ có 8 đội và thậm chí không dùng ngoại binh, chẳng khác giải phong trào là mấy). Khâu đào tạo trẻ tuy là nở rộ, từ Viettel, đến PVF và HAGL…, nhưng lại chưa đến mùa gặt và chúng ta cũng không thể “bán lúa non”.

Rất, rất nhiều những yếu tố khách quan, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đường hoạn lộ của HLV Toshiya Miura, càng khi tài năng cầm quân của ông vẫn chưa hết bị nghi ngờ. Và sau các trận thua mất mặt trước Thái Lan, hẳn chúng ta đã biết đích xác được mình đang ở đâu và như thế nào. Thực tế, bóng đá Việt Nam cũng chỉ thắng được Thái Lan 2 lần sau 19 cuộc đối đầu ở mọi cấp độ ĐTQG, ở mọi giải đấu chính thức cấp khu vực.

Thôi thì hy vọng qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai…

1. Sau 5 lần gặp nhau tại các kỳ Tiger Cup (sau này là AFF Cup), kể từ giai đoạn 2002 – 2008, đội tuyển Việt Nam chỉ giành 1 chiến thắng trước Thái Lan. Đấy là trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008 tại Rajamangala (thắng 2-1). Chúng ta có thêm 1 trận hoà (chung kết lượt về AFF Cup 2008) và để thua 3 trận (0-4 ở bán kết Tiger Cup 2002, 0-2 ở bán kết AFF Cup 2007 và 0-2 ở vòng bảng AFF Cup 2008).

2. Tính từ SEA Games 22 (Hà Nội, năm 2003) đến SEA Games 25 (Vientiane, năm 2009), U23 Việt Nam và U23 Thái Lan đã gặp nhau tổng cộng 4 lần, với 2 trong số đó là các trận hoà, còn lại Thái Lan toàn thắng.

4. Kể từ sau triều đại Henrique Calisto kết thúc năm 2010 đến năm 2015, bóng đá Việt Nam và Thái Lan đã 4 lần gặp nhau trong khuôn khổ các kỳ SEA Games, AFF Cup và vòng loại World Cup, chúng ta thua cả 4. Tại SEA Games 28 (Singapore 2015), U23 Việt Nam thua 1-3 ở vòng bảng; vòng bảng AFF Cup 2012, tiếp tục thua 1-3. Và tại vòng loại World Cup 2018, bảng F, thầy trò HLV Miura lần lượt thua 0-1 và 0-3.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm