Bóng đá Việt Nam và chuyện của cái cúp

28/11/2023 06:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cúp quốc gia Casper 2023/24 vừa đá xong vòng loại và phải đến tận tháng 3 mới tái đấu. Thể thức thi đấu của Cúp quốc gia vẫn theo thông lệ quốc tế, nhưng với nhiều lý do, giải đấu này chưa có được vai trò quan trọng như cần phải có trong sự phát triển của nền bóng đá.  

Nếu hỏi Cúp có thực sự cần thiết và hấp dẫn không, thì cứ xem trận đấu giữa Bình Phước và Nam Định. Khán đài kín chỗ và đội nhà thua 0-4. Với những đội chưa và không biết bao giờ mới lên đá V-League như Bình Phước thì rõ ràng việc tiếp đón một đội bóng có nhiều "sao số" như Nam Định cũng là cơ may để hâm nóng bầu không khí bóng đá ở địa phương. Về góc độ này, Tây cũng như ta, lợi ích khá rõ ràng.

Về yếu tố cần thiết, thì thậm chí còn nhiều hơn cả bóng đá quốc tế. Số lượng CLB ở Việt Nam ít, số trận đấu trong một mùa cũng vì thế không nhiều, thêm được trận nào thì tốt trận đó, đã vậy còn được tiền thưởng thắng trận. Nếu đá từ vòng loại đến trận chung kết, thì thêm được đến 5 trận và tối thiểu cũng 1 tỷ đồng tiền thưởng và suất dự AFC Cup, nên không thể nói là các đội không muốn đá Cúp khi mà chỉ có lợi, không có hại gì cả.

Vậy thì tại sao Cúp quốc gia vẫn chưa thực sự thu hút được các CLB, nhất là với người hâm mộ? Thực tế thì sự sôi động trên khán đài sân Bình Phước là không quá phổ biến. Những trận đấu ở Cúp về cơ bản là luôn vắng khán giả, bao gồm cả những trận bán kết, chung kết. Phải chăng là động lực để thi đấu ở sân chơi không lớn nên tự thân nó không tạo ra được các yếu tố "câu khách" như kiểu các trận đua tranh vô địch, trụ hạng như V-League?

Chuyện của cái cúp - Ảnh 1.

Trận Bình Phước-Nam Định ở Cúp quốc gia Casper 2023/24 đã thu hút được một lượng khán giả đông đảo. Ảnh: Song Ngọc

Có một chi tiết đáng chú ý, đó là trong số 11 đội từng vô địch Cúp quốc gia trong kỷ nguyên V-League (từ 2002 đến nay) thì hiện chỉ có 5 đội vẫn còn đang chơi ở V-League. Rất nhiều đội vô địch Cúp quốc gia đã phải xuống hạng rồi… biến mất, như Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, Thanh Quảng Ninh, Hòa Phát Hà Nội, Vissai Ninh Bình. Ngược lại, trong số 14 CLB đang chơi V-League hiện nay, có đến 8 đội đã vô địch Cúp quốc gia.

Điều này khiến cho giá trị của Cúp trở nên kém đi trong góc nhìn của người hâm mộ. Điển hình như Hải Phòng từng thắng Cúp nhưng nếu họ không vô địch V-League thì danh hiệu có được năm 2014 cũng mấy người nhớ.

Không ít lần người ta nói về cảnh "chợ chiều" của Cúp quốc gia nhưng sau 31 mùa giải, có vẻ như vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Phía các nhà tổ chức, họ cũng đã áp dụng mọi yếu tố tốt nhất có thể như không đá ngoại binh để tạo công bằng cho các đội hạng thấp, tăng giá trị tiền thưởng. Bản thân các nhà tổ chức cũng "sốt ruột" về tình trạng kém hấp dẫn của giải đấu này vì nó ảnh hưởng đến công tác vận động tài trợ.

Thế nên, có lẽ cần phải đột phá nhiều hơn về thể thức thi đấu cho giải đấu được xem là đứng thứ 2 của bóng đá quốc nội. Điểm yếu lớn nhất của Cúp quốc gia chính là yếu tố cạnh tranh. Dù có những yếu tố mang tính kích thích, nhưng về bản chất thì Cúp quốc gia "vô thưởng, vô phạt" trong môi trường bóng đá Việt Nam vốn chỉ đề cao việc "tồn tại" hơn là tìm cách để phát triển.

Nên đã có ý kiến cho rằng nếu "gắn" thành tích ở Cúp quốc gia với các giải đấu V-League, hạng Nhất thì tính tranh đua sẽ cao hơn. Ví dụ như "thưởng" điểm số chẳng hạn, hoặc việc thi đấu tốt ở Cúp quốc gia sẽ được tích điểm theo dạng điểm fairplay để xét thứ hạng trong trường hợp cụ thể nào đó như thay cho việc đá play-off thăng, xuống hạng. Mặc dù những điều này không phổ biến trên thế giới, nhưng việc gì cũng có ngoại lệ, tùy vào đặc thù từng nền bóng đá. Kiểu như bóng đá Mỹ không có lên, xuống hạng… 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm