Bóng đá Việt Nam sẵn sàng đối phó với tiêu cực

05/02/2024 05:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

Không khí Xuân đang đến cận kề, mang theo nhiều hy vọng của bóng đá Việt Nam trong năm mới Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, "Vui xuân không quên nhiệm vụ", các CLB cần tự nhắc mình về vấn nạn tiêu cực luôn có đất diễn trong nền bóng đá.

1. Vụ việc 5 cầu thủ Bà Rịa-Vũng Tàu bị khởi tố vì tiêu cực trong những ngày cuối năm khiến bóng đá Việt Nam lại rúng động vì chuyện buồn. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng "sờ gáy" các cầu thủ. Tuy nhiên, vẫn có người "làm liều" và giờ, tất cả đối diện với nguy cơ tù tội và có thể thôi luôn sự nghiệp quần đùi áo số.

Bóng đá Việt Nam đã vô số lần chứng kiến những nỗi đau như đã diễn ra ở đội bóng miền Đông Nam Bộ. Những lý do như CLB nợ nần tiền lương, thưởng, lót tay… khiến cầu thủ khốn khó được viện dẫn để có thể được xử nhẹ tay, nhưng đó không phải là gốc rễ của vấn đề.

Hành vi của nhóm cầu thủ này nhiều khả năng đã mang tính hệ thống. Và tưởng chừng mọi thứ sẽ khép lại trong vòng bí mật, thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Sự việc này với họ có thể bị xem nhẹ tựa lông hồng, nhưng lại làm tổn hại niềm tin của những người yêu bóng đá nước nhà.

Lật lại lịch sử, "bóng ma" tiêu cực luôn lẩn khuất ở bóng đá Việt Nam từ những năm 90 đến thập niên 2000. Từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia, những chiếc "vòi bạch tuộc" vươn dài để thao túng các cầu thủ không giữ nổi mình. Bóng đá Việt Nam đã phải chấp nhận đau thương, sẵn sàng mất đi không ít tài năng để làm lại.

Tuy nhiên, điều đó không là bài học đắt giá cho thế hệ đàn em, đàn cháu của họ có thể lấy đó làm gương để răn đe mình. Trước sự cố của CLB Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng loạt người trẻ của Đồng Tháp đã dính án dàn xếp tỷ số. Trong số này có cả tuyển thủ quốc gia đương thời Võ Minh Trọng. May mắn cho cầu thủ quê Cần Thơ là ý chí và sự động viên của gia đình đã giúp Minh Trọng đứng dậy sau vấp ngã.

Rất có thể, những cầu thủ của Bà Rịa-Vũng Tàu từng chơi bóng với Minh Trọng cũng xem nhẹ việc sai trái mà họ đã làm. Điều đó khiến họ sẵn sàng "bán mình cho quỷ dữ". Ở thời điểm mạng xã hội bùng nổ, việc các giải đấu ở sân sau V-League như giải hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba hay các giải trẻ, giải tập huấn luôn có "kèo cá cược" khiến người trong cuộc càng dễ sa ngã.

Tư tưởng các cầu thủ xem nhẹ những trận đấu kiểu vô thưởng vô phạt, hết động lực cho họ phấn đấu hay muốn tìm chút cảm giác phiêu lưu bằng cách cá cược là điều dễ hiểu cho nhiều người. Nếu qua mắt được lực lượng chức năng, thực hiện trót lọt những giao dịch đó, số tiền được nhận có khi còn nặng ký hơn cả lương thưởng ở CLB. 

Bóng đá Việt Nam luôn sẵn sàng đối phó với tiêu cực - Ảnh 1.

Vụ việc xảy ra ở trận Bà Rịa-Vũng Tàu gặp Đà Nẵng ở giải hạng Nhất quốc gia 2023/24 là rất đáng tiếc. Ảnh: CLB Bà Rịa-Vũng Tàu

Chính những cầu thủ trẻ Đồng Tháp khi bị "sờ gáy" năm 2020 cũng đã thừa nhận thực tế này. Những lý do khôi hài khác như "mua bán độ" bằng cách đặt cược cho đội nhà thắng cũng cho thấy ý thức thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ.

Sự cố ở CLB hạng Nhất Bà Rịa-Vũng Tàu thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo cho làng bóng đá Việt. Từ nhiều năm qua, V-League cũng xuất hiện không ít trận đấu mà giới chuyên môn đánh giá là "có mùi". Tuy nhiên, thời gian đã vùi lấp những hoài nghi và nhiều vụ việc có thể cũng chìm xuồng.

2. Một trọng tài dày dạn kinh nghiệm ở V-League cho biết, nếu tinh ý, rất dễ phát hiện các trận đấu "có mùi". Việc các CLB cho điểm, nhường điểm, thi đấu không hết sức… không thiếu.

Tuy nhiên, các "vua áo đen" cũng ý thức được nhiệm vụ của mình là điều hành trận đấu. Còn những vấn đề liên quan là ngoài tầm với. Đau đớn nhất với họ chính là việc bị "đánh bùn sang ao" khi các lãnh đạo CLB, HLV hay cầu thủ đổ thừa cho trọng tài ở những trận đấu đó. Như thế, dư luận sẽ hướng "gạch đá" sang trọng tài thay vì chú ý đến vở diễn tồi ở trận đó. Việc quy định các trọng tài không được phép phát ngôn cũng khiến các "vua áo đen" không thể phân trần. Các CLB nắm rõ chi tiết đó nên rất dễ "lái" dư luận có lợi cho mình.

Vài năm qua, đơn vị điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là VPF cũng đã cho thấy sự chuyên nghiệp khi bắt tay với các đơn vị chuyên phát hiện các trận đấu bất thường để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ dừng ở mức tương đối. Đến khi nhóm cầu thủ ở giải hạng Nhất vừa qua bị khởi tố, VPF mới yêu cầu CLB Bà Rịa-Vũng Tàu phải báo cáo tình hình.

Điều này cho thấy, chỉ khi cơ quan điều tra quyết tâm bỏ thời gian và công sức "đánh án", những "con sâu làm rầu nồi canh" mới được đưa ra ánh sáng. Khi đó, làng bóng đá mới tận tường trắng đen thay vì cứ hoài nghi rồi cho qua. 


Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm