21/02/2025 07:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau trường hợp trọng tài FIFA Nguyễn Mạnh Hải bị CLB Quảng Nam hơn một lần làm đơn tố cáo, đến lượt một "ông FIFA" khác là Lê Vũ Linh bị Thanh Hóa "đấu tố".
Nếu như Quảng Nam yêu cầu Ban Trọng tài VFF và VPF không phân công trọng tài Nguyễn Mạnh Hải làm nhiệm vụ trong các trận đấu của họ từ nay cho đến hết giải, thì công văn của CLB Thanh Hóa thậm chí còn đặt vấn đề tiêu cực của trọng tài Lê Vũ Linh ở trận đấu với CLB TP.HCM.
Làn sóng phản ứng và phản đối trọng tài ở mùa giải năm nay đang lên đến đỉnh điểm, trên khắp các sân cỏ cả nước. Nó như hiệu ứng domino vậy và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người trong cuộc, ở đây là các đội bóng, muốn một lời giải thích từ những người trách nhiệm, nhưng dường như yêu cầu của họ đã không được đáp ứng một cách đầy đủ.
Vai trò của những người điều hành trận đấu (trọng tài và trợ lý trọng tài) hay giải đấu (BTC) quan trọng đến đâu, chắc không phải bàn thêm. Nay trọng tài (các vị "vua áo đen") bị dồn vào thế chân tường, với những sai sót dường như có hệ thống và lặp lại, thì các quan trọng tài (còn gọi vui là "Thái Thượng Hoàng") phải đứng ra chịu trách nhiệm hay ít nhất nhận sai mới phải.
Thực ra, vấn đề trọng tài Việt Nam không mới và thậm chí xưa như... trái đất. Vắt qua nhiều thế hệ các Trưởng/Phó Ban khác nhau, thì các tồn tại chưa từng được giải quyết một cách triệt để.
Trọng tài Lê Vũ Linh (trái) và HLV Popov (phải) của Thanh Hoá ở trận CLB TP.HCM gặp Thanh Hoá vừa qua. Ảnh: Tuấn Phạm
Hằng năm, Ban Trọng tài VFF đều đề bạt các ứng viên trọng tài FIFA và được thông qua với số lượng nhất định. Ví như Nguyễn Mạnh Hải, Lê Vũ Linh, Trần Ngọc Ánh, Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà (nam) vậy. Ngoài ra còn có ít nhất 7 trợ lý trọng tài FIFA và các trọng tài nữ, futsal... Tuy nhiên, nếu để ý quan sát, hiếm khi chúng ta thấy một đại diện trọng tài Việt Nam được phân công làm nhiệm vụ ở các giải đấu châu lục và thế giới, thậm chí ngay tại khu vực Đông Nam Á, các giải trẻ.
Ngoại ngữ chỉ là một trong những điều kiện cần khi tham gia điều hành giải quốc tế, không phải yếu tố quyết định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ cầm cân nảy mực Việt Nam rõ ràng không đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của bóng đá ở đẳng cấp cao. Đến ngay như V-League, hạng Nhất quốc gia hay thậm chí các giải trẻ, bóng đá nữ..., vẫn còn sai, vẫn còn bị tố, thì bản lĩnh nào đứng trên sân cỏ quốc tế?
Các đợt tập huấn trọng tài trước và giữa mùa giải, các khóa học, bồi dưỡng nghiệp vụ..., phải chăng cũng có vấn đề, khi chất và lượng trọng tài và trợ lý trọng tài vẫn không đổi, suốt bao năm qua? Rồi tính tổng thể cả các trọng tài nữ và futsal, hiện số lượng đội ngũ trọng tài và trợ lý trọng tài của Việt Nam lên đến hàng trăm và không ít người có trình độ chuyên môn tốt. Trình độ giữa trọng tài chính và trọng tài VAR được cho là cũng một chín, một mười, được tập huấn rất kỹ. Ấy vậy mà, tại sao sai sót cứ lặp lại?!
Phim hay chờ đoạn kết, chỉ sợ ném chuột vỡ mất bình quý thôi!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất