17/08/2022 06:18 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sắp nửa chặng đường V-League 2022 trôi qua, về cơ bản chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá tích cực. Tuy nhiên, vẫn đan xen nhiều gam màu tối mà BTC cần phải sớm khắc phục để đưa bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới.
“Vui vì chất lượng của giải đấu ngày một được nâng tầm. Những tuyển thủ quốc gia vẫn giữ được phong độ trong khi cầu thủ trẻ có cơ hội ra sân nhiều hơn và phần nào họ đã chứng tỏ năng lực của bản thân. Chính những nét tích cực đó đã kéo người hâm mộ đến các sân bóng đông đầy. Ở chiều ngược lại, câu chuyện muôn thưở về công tác trọng tài lại đã dấy lên những điều báo động. Những hành xử không chuẩn chỉ của khán giả vào sân cho đến tình trạng bạo lực sân cỏ có nguy cơ tái diễn cũng phải được lưu tâm. Đặc biệt, điểm yếu trọng tài bắt đầu bùng lên. Những “lỗ rò” trên cần nhanh chóng được giải quyết để cải thiện hơn nữa hình ảnh của giải đấu.
Tôi dự cảm lượt về V-League sẽ vô cùng căng thẳng, rất đáng xem, đặc biệt ở cuộc đua tranh của nhóm cuối bảng. Riêng đường đua vô địch, rõ ràng “cờ” đang trong tay CLB Hà Nội”.
CLB Hà Nội gần như vô đối
* Thể thao & Văn hóa: Ông vừa nhắc đến CLB Hà Nội trong cuộc đua vô địch, phải chăng đây là ứng viên sáng nhất
- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Không nghi ngờ gì nữa, Hà Nội FC là ứng viên sáng nhất cho ngôi vô địch năm nay. Nhìn cái cách họ thắng HAGL trong trận “chung kết” lượt đi hay vượt qua những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Viettel, Hải Phòng, SLNA và Bình Định đã minh chứng điều đó. Ngoại trừ cú sảy chân ở Đà Nẵng tại vòng 5, CLB Hà Nội chưa để thua bất kỳ đội nào. Hiếm CLB nào ở V.League khởi đầu chật vật ở nhóm cuối rồi lên đỉnh bảng theo cách thuyết phục như vậy.
Không chơi quá bay bổng, hoa mỹ như thời 2018 -2019, Hà Nội FC lúc này vẫn đá đẹp nhưng cũng luôn xù xì, gai góc để vượt qua những thời điểm khó khăn. Lối chơi thực dụng đang như "kim chỉ nam" của HLV Chun Jae Ho dành cho các học trò của mình. Thêm vào đó, việc chuyển trạng thái rất nhanh cũng là điểm mạnh của Hà Nội FC lúc này. Những pha bóng chuyển trạng thái, phản công nhanh quân số tấn công của họ ít hơn đối phương nhưng vẫn chiến thắng, giải quyết được tình huống.
Hà Nội FC vẫn áp đặt lối chơi với mọi đối thủ nhưng khi cần cũng lui về đá phòng ngự phản công trước những đội sừng sỏ, thậm chí chấp nhận đá thế “cửa dưới” để chờ thời điểm tung đòn quyết định.. Hiệp 1 trận gặp HAGL là ví dụ, Hà Nội nhường thế trận cho đối thủ ngay trên sân nhà Hàng Đẫy để tung đòn kết liễu trong hiệp 2.
Lực lượng dồi dào trải đền các tuyến, tập thể đồng đều với nhiều cá nhân xuất sắc. Kinh nghiệm, sự tinh quái và lối chơi cực kỳ cẩn trọng, biết mình biết người. Cầu thủ Hà Nội biết tôn trọng đối thủ, biết lúc nào cần “cương”, lúc nào “nhu” để thể hiện năng lực, kiểm soát được tình hình. Bản lĩnh của một đội bóng lớn, của ứng viên sáng nhất cho chức vô địch nằm ở chỗ đó.
Hải Phòng chiều sâu đội hình hạn chế, SLNA còn non nớt của dàn cầu thủ trẻ, Bình Định chưa có được sự gắn kết, trong khi HAGL vẫn thiếu bản lĩnh. Tiếc cho HAGL với cú "sảy chân" trên sân Hàng Đẫy, cũng như mùa giải trước đầy thăng hoa, song rốt cuộc lại "đứt gánh giữa đàng", song có lẽ số phận đã an bài để CLB Hà Nội tìm lại "đỉnh cao", còn HAGL của Kiatisuk lại phải chờ thêm mùa bóng nữa để đền đáp sự kỳ vọng của bầu Đức.
Theo tôi, cờ trong tay Hà Nội cho dù còn nguyên cả lượt về. Có thể họ không dễ dàng băng băng về đích khi gác đội á quân đến 18 điểm như mùa giải 2018 nhưng Hà Nội FC sẽ vô địch mùa này.
Cần “dựng lại ngọn cờ” cho bóng đá TP.HCM
* Trái ngược với sự thăng hoa của CLB Hà Nội là nỗi buồn của bóng đá phương Nam. Ông có bất ngờ không khi cả CLB TP.HCM và Sài Gòn FC sa sút đến vậy?
- Tôi không bất ngờ về điều này. Vấn đề sâu xa đến từ việc 2 đội bóng của TP.HCM thiếu nền tảng, thiếu cơ chế và thiếu chiến lược để phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Còn riêng sự chuẩn bị của cả 2 CLB cho V-League 2022 nói thật cũng là thiếu chuyên nghiệp từ việc thay quân, đổi tướng rồi chuyện ồn ào về chuyển nhượng, lương thưởng hồi đầu mùa giải. Lực lượng vừa mỏng, vừa yếu, cầu thủ chỉ ở mức trung bình khá, không có sự ổn định, hẳn nhiên sẽ dẫn đến những ngậm ngùi như lúc này.
Vào lúc này, 2 đội bóng đều đang ráo riết tăng cường lực lượng, bổ sung cầu thủ, HLV cần thay cũng thay rồi. Đó cũng chỉ là các biện pháp “chữa cháy”. Nhưng xét về căn cơ, tính ổn định lâu dài của CLB mới là điều cần quan tâm. Chiến lược 2 CLB thay đổi quá nhiều, mỗi năm một HLV, một đội hình... thì mọi thứ rối rắm là dễ hiểu.
Thêm vào đó, tinh thần không mạnh mẽ, phong độ chập chờn, lối chơi xộc xệch nên việc trượt dài là đương nhiên. Nếu nói về giải pháp để trụ hạng thì CLB TP.HCM có “cửa” hơn vì chỉ cần cải thiện nền tảng thể lực, nhất là những nhân tố mới trở lại như Sầm Ngọc Đức, Trọng Long, Lee Nguyễn thì có thể giải quyết phần nào cơn khủng hoảng. Còn CLB Sài Gòn khó hơn vì đội hình nhìn thấy yếu đều. Một sớm một chiều cầu thủ không dễ dàng thích nghi phong cách mới của Lê Huỳnh Đức nên cần có thời gian.
* Nếu việc thay quân, đổi tướng chỉ như liệu pháp “chữa cháy”, vậy bóng đá TP.HCM cần những giải pháp căn cơ, dài lâu nào để gầy dựng lại như ngày xưa?
- Trước khi nghĩ đến thành tích, hãy “dựng lại ngọn cờ” của bóng đá TP.HCM. Có thể mùa này sẽ phải rớt hạng, phải ngậm ngùi trong thất bại. Nhưng “trong tro còn lửa”, bằng mọi cách phải khơi lại, thổi bùng ngọn lửa đó. Phải lấy lại cho được tình yêu bóng đá cho người hâm mộ thành phố.
Tôi xin kể câu chuyện, có lần khi được mời về dẫn dắt một đội bóng ở TP.HCM, tôi đã hỏi người bạn cũng là người có trách nhiệm: "Anh mời tôi về vì ngọn cờ doanh nghiệp của anh hay vì ngọn cờ của bóng đá TP.HCM?". Người bạn này không trả lời được câu hỏi này và cho dù sau đó không biết bao nhiêu tiền của đổ vào đội bóng nhưng chỉ vài năm tên đội bóng mất dạng trong bản đồ bóng đá Việt Nam.
Nếu Cảng Sài Gòn rớt hạng năm 2003 đã kết thúc ngày tháng vàng son của bóng đá Sài Gòn thì việc đội bóng tôi nhắc đến ở trên mất dạng này đã mở đầu cho hành trình buồn của bóng đá TP.HCM. Sau đó, cũng đã những nhà đầu tư giàu tiềm lực "nhập khẩu" những đội bóng ở nơi khác và gắn mác bóng đá TP.HCM. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn buồn hiu hắt cho đến hôm nay. Người hâm mộ bóng đá Thành phố không thấy cái hồn đã một thời khắc sâu trong họ qua những cái tên Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp. Khán đài vì thế ngày càng trống trải.
Theo tôi, để nói đến chiến lược phát triển dài hạn bóng đá TP.HCM, thì phải giải được câu hỏi đầu tư bóng đá làm gì? Nếu làm rõ được, thì chúng ta sẽ có câu trả lời. Thẳng thắn mà nói bóng đá TP.HCM thiếu nền tảng của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp và thiếu tính kết dính với cộng đồng. Không phải vô cớ AFC đưa ra tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp mà cả 2 CLB đều đang thiếu là: Đào tạo trẻ, cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực.
Tôi đánh giá cao các nhà đầu tư đã đến với 2 CLB. Nhưng để phát triển bền vững, ngoài chiến lược của đội bóng thì sự hợp tác, chung tay với địa phương sẽ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, có thể thấy CLB TP.HCM và Sài Gòn FC vẫn chưa có chiến lược rõ ràng. Điều này dẫn đến họ không có sự ổn định về mặt con người từ ban huấn luyện, cầu thủ, đào tạo trẻ...
Hầu hết các đội bóng V-League đều gắn bó, có sự cộng sinh tích cực với địa phương trong việc xây dựng lực lượng. Nếu bóng đá TP.HCM có sự kết hợp gắn bó với địa phương như Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng... thì tính gắn kết, bản sắc địa phương sẽ rõ ràng hơn nhiều. Như bóng đá chuyên nghiệp đã trải qua 22 năm, nhiều đội bóng có tên sống nhờ ông bầu nhưng họ chỉ muốn hái kết quả ngay, không chăm cái gốc. Các ông bầu vui thì chơi, buồn thì nghỉ ai mà nói được, thiệt nhất vẫn là bản sắc bóng đá địa phương mà thôi
Nếu không làm được điều đó, quả là đáng tiếc cho TP.HCM khi bóng đá chưa được đặt đúng vị trí của nó.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất