16/04/2024 08:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
Chỉ 5 tháng sau ngày xuống hạng, SHB Đà Nẵng gần như sẽ trở lại V-League từ mùa giải sau. Đội bóng từng 2 lần vô địch V-League này hiện có 33 điểm sau 13 vòng đấu, nhiều hơn đội có xếp sau là PVF-CAND đến 8 điểm, trong khi giải hạng Nhất QG-Bia Sao Vàng 2023/24 chỉ còn 7 trận đấu nữa. SHB Đà Nẵng trở lại V-League cũng là chuyện bình thường, nhưng …
SHB Đà Nẵng đứng chót bảng V-League 2023 với 14 điểm và chỉ có vỏn vẹn 2 trận thắng. Mặc dù được dẫn dắt lần lượt bởi HLV Phan Thanh Hùng và Phạm Minh Đức, đều giàu kinh nghiệm và có tài năng, nhưng SHB Đà Nẵng vẫn là một trong những đội bị rớt hạng với thành tích tệ nhất lịch sử V-League. Nguyên nhân được chỉ ra cũng khá rõ: đội bóng này trẻ quá.
Vấn đề nằm ở chỗ này: Cũng đội bóng trẻ ấy, với 16 cái tên sinh sau năm 2000 được đăng ký, lại gần như vượt trội so với phần còn lại của giải hạng Nhất.
Tính đến nay, SHB Đà Nẵng do HLV Trương Việt Hoàng dẫn dắt chưa thua trận nào, thắng 10 và chỉ hòa 3. Đó là những chỉ số mang tính thống trị. 4 đội bóng vô địch giải hạng Nhất gần nhất chỉ có tối đa 12 trận thắng cả mùa, mà đó đều là các cái tên sừng sỏ, được đầu tư lớn để thăng hạng như CAHN, Bình Định …
Và cũng cần lưu ý đến chi tiết: giữa 2 mùa giải 2023 và 2023/2024 rất gần nhau. Cũng có nghĩa là về bản chất, SHB Đà Nẵng chưa chắc đã khá hơn lúc họ còn đá V-League, thế mà họ vẫn vượt trội so với các đội hạng Nhất. Điều này phản ảnh 2 vấn đề: Thứ nhất là khoảng cách giữa 2 hạng đấu chuyên nghiệp quá xa nhau. Thứ hai, là giải hạng Nhất có quá nhiều đội không muốn… thăng hạng, thế là cứ để cho đội bóng trẻ trung của ông Trương Việt Hoàng thoải mái trở lại với V-League.
Chúng ta không biết nếu giành được suất đá V-League thì SHB Đà Nẵng có đầu tư tăng cường lực lượng hay không, nhưng việc một đội phải rớt hạng vì gặp khó khăn về con người mà lại ngay lập tức thăng hạng cũng chỉ với chừng đó con người thì khó mà đem lại tính cạnh tranh cho V-League ở mùa tới.
Ở góc nhìn rộng hơn, đội hình của SHB Đà Nẵng đa phần là trẻ, thế nhưng họ vẫn chơi tốt hơn rất nhiều đội bóng khác ở giải hạng Nhất, thì cũng có nghĩa là chưa chắc cầu thủ trẻ đã học hỏi, trui rèn được nhiều ở sân chơi hạng hai có quá ít tính tranh đua này.
Đó là điều đáng suy nghĩ. V-League vốn dĩ không phải là đất dành cho cầu thủ trẻ, cứ nhìn đội Nam Định đang có cơ hội vô địch V-League thì biết, không có tuyển thủ U23 nào. Theo lý thuyết, chúng ta có thể tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ở giải hạng Nhất.
Nhưng qua câu chuyện của SHB Đà Nẵng thì cũng chẳng có gì thiết thực lắm. Sự phát triển của cầu thủ không chỉ là đá thật nhiều trận (chủ yếu dành cho các lứa U19 trở xuống), mà là được chơi bóng thực thụ ở môi trường cạnh tranh cao để họ trưởng thành nhanh. Vậy mà như đã thấy, V-League thì không có chỗ, còn xuống hạng Nhất thì gặp vấn đề về chất lượng.
Đó là chưa kể các trận đấu tại giải hạng Nhất, hạng Nhì của Việt Nam đang có những dấu hiệu thiếu tích cực trong thi đấu. Số đội bóng thiếu mục tiêu thăng hạng quá nhiều chính là mầm mống, là điều kiện để tiêu cực nẩy sinh.
Về cơ bản, một giải đấu mà chỉ có 1 đội muốn thăng hạng, cũng chẳng quá lo đến chuyện xuống hạng, thì chắc chắn là không thể tin rằng mọi trận đấu đều sòng phẳng. Môi trường đó, dù không phải độc hại, thì cũng chẳng có gì tốt cả, đặc biệt là với cầu thủ trẻ.
Một chuyên gia bóng đá vừa nhận định, mô hình tháp bóng đá của Việt Nam hiện không đến mức đỉnh to mà đáy nhỏ, tuy nhiên vẫn chưa ra hình tháp mà chỉ là dạng "nhà ống", trên dưới ngang nhau. Số đội từ hạng Nhì muốn lên hạng Nhất đã ít, từ hạng Nhất để khao khát lên V-League càng ít hơn vậy thì mỗi mùa giải liệu có bao nhiêu trận đấu thực sự chất lượng để nâng tầm cầu thủ?
Cứ lấy ngay trường hợp của SHB Đà Nẵng. Nhờ một mùa giải thiếu thốn kinh phí mà các cầu thủ trẻ được "ném" vào sân chơi V-League. Mặc dù xuống hạng nhưng rõ ràng là thông qua trải nghiệm ấy mà họ vẫn có chất lượng cao để thống trị giải hạng Nhất. Vấn đề là sau khi được "nhúng" vào một môi trường kém về chất thì liệu những gì tốt nhất mà họ từng có còn tồn tại cho đến mùa V-League sắp đến hay không?
Đó là bài toán mà các nhà quản lý cần giải trước khi nói đến chuyện nâng cấp đào tạo trẻ và chiến lược xây dựng tuyến kế thừa ở đội tuyển quốc gia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất