21/06/2024 12:39 GMT+7 | Bóng đá Việt
Mùa giải bóng đá cấp CLB châu Á mới sẽ có các thay đổi lớn. AFC sẽ dựa trên thứ hạng của các nền bóng đá và chia ra các giải đấu phù hợp. 12 làng cầu hàng đầu mới có đại diện ở AFC Champions League Elite. Sau đó, các nền bóng đá tầm trung sẽ dự AFC Champions League Two (AFC Cup cũ), và đây sẽ là sân chơi của các CLB Việt Nam ở mùa tới.
Dù format không khác gì AFC Cup cũ, nhưng điểm đặc biệt của AFC Champions League Two đó là có sự xuất hiện của các đại diện đến từ các quốc gia hàng đầu châu Á, đó là các đội đứng hạng 3 hoặc hạng 4 giải VĐQG của Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia…, cũng như các đội bị loại từ vòng sơ loại của AFC Champions League Elite. Thể thức này tương tự bóng đá châu Âu áp dụng từ lâu.
Như vậy, ngoài việc tham gia thi đấu sẽ có tiền thưởng, thì những nền bóng đá có nhu cầu phát triển như Việt Nam sẽ được cọ xát nhiều chất lượng hơn. Hiểu theo cách của các nhà tổ chức, thì việc nhận được suất tham gia những giải đấu này là lợi ích rất lớn cho các CLB, một món quà không dành cho tất cả.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cách phân bổ suất cho từng nền bóng đá lại dựa trên thành tích thi đấu của các CLB chứ không liên quan gì đến đội tuyển quốc gia. Ngay giai đoạn bóng đá mà bóng đá Việt Nam thăng hoa nhất, vượt xa Thái Lan trên bảng xếp hạng FIFA, thì tại đấu trường cấp CLB, người Thái vẫn luôn có 3 đại diện tại các cúp châu Á. Chính vì thế, thứ hạng AFC theo điểm số sức mạnh của bóng đá Thái Lan là 8, còn của Việt Nam là 14 (đứng sau Malaysia – 13).
Lâu nay, chúng ta rất ít quan tâm đến khía cạnh này của nền bóng đá. Thậm chí có khi còn "bỏ qua" khi nói về những "giấc mơ lớn" như dự World Cup. Đại loại, chúng ta lập kế hoạch cho tầm nhìn chủ yếu dựa trên thành tích của đội tuyển (như vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022), hoặc thứ hạng FIFA (đứng đầu Đông Nam Á). Trong khi ai cũng biết, vai trò của các CLB là rất quan trọng. Và thông thường, đó là thước đo có tính chính xác hơn, dễ định lượng và tính toán hơn.
Ở góc độ khác, khả năng nâng tầm nền bóng đá từ góc độ CLB vừa khó, nhưng cũng dễ hơn cấp độ đội tuyển quốc gia. Điểm then chốt nằm ở giá trị đầu tư và chất lượng ngoại binh, đây là điều mà dù đội tuyển Việt Nam có muốn thì cũng không làm được.
Thông qua sự phát triển của CLB, thì chúng ta cũng dễ rút ngắn được khoảng cách so với nhóm đầu châu Á. Ở mùa AFC Champions League vừa qua, Hà Nội FC có 2 trận thắng thuyết phục trước đại diện Trung Quốc và Nhật Bản, là một điển hình.
Một chi tiết khác cũng đáng quan tâm, đó là nếu có nhiều suất dự Cúp châu Á, thì tính sơ sơ, mỗi CLB hàng đầu Việt Nam sẽ đá trên dưới 40 trận mỗi mùa. Bài toán về kinh nghiệm và cọ xát quốc tế có thể được giải thông qua cấp CLB.
Lợi ích và vai trò của các CLB khi tham dự những giải đấu châu lục là thế, nhưng không ai biết có bao nhiêu đội bóng tại V-League thực sự quan tâm đến việc cố gắng giành quyền để đá quốc tế. Lâu nay, mục tiêu của các CLB ở Việt Nam chủ yếu là chức vô địch V-League, chưa thấy ai nói đến mục tiêu thứ 2.
Tuy nhiên, sau khi V-League chính thức đổi lịch thi đấu để phù hợp cho các CLB dự Cúp châu Á, thì hy vọng các CLB sẽ đầu tư mạnh hơn vào lực lượng, thông qua việc chiêu mộ ngoại binh tốt để "mang chuông đánh xứ người".
Cuối cùng, chính việc đề cao tầm quan trọng của các giải châu Á cũng là cách giúp các CLB có "đời sống riêng". Một mùa giải sẽ không còn gói gọn trong việc tranh đua chức vô địch V-League, mà còn là tranh đấu tại Cúp quốc gia hòng tìm suất thông qua giải đấu này, là những trải nghiệm ở sân chơi châu Á, là cơ hội để cầu thủ có thể lọt vào tầm ngắm của những tuyển trạch viên quốc tế đến từ J-League, K-League …
Đó là những bước chân nhỏ của nền bóng đá. Chúng ta cần những CLB có tiếng nói ở sân chơi châu lục, tương tự như những kỳ vọng đặt vào đội tuyển.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất