Bóng đá Việt Nam còn cái mặt nạ nào chưa rơi?

24/08/2012 13:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Việc bầu Kiên bị bắt tạm giam vì hành vi “kinh doanh trái phép” thực sự là cú sốc với không ít CĐV bóng đá Việt Nam, đặc biệt là những người đã trót coi ông bầu tóc bạc là thần tượng, là người hùng sau bài phát biểu gây chấn động dư luận ở hội nghị tổng kết mùa giải năm ngoái và kèm theo đó là sự ra đời của VPF cùng cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình V-League với AVG.

Đánh giá xung quanh sự việc này cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, và có không ít ý kiến cho rằng không nên đánh đồng doanh nhân Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật Hình sự với bầu Kiên trong lĩnh vực bóng đá, vì khi trả lời phỏng vấn TT&VH cách đây 4 năm về câu hỏi tại sao rất thành công trên thương trường nhưng lại luôn thất bại trong bóng đá, chính bầu Kiên cũng từng nói rằng: “Bóng đá và kinh tế là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau”.

Phải chăng bóng đá và kinh tế là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, và dù kết luận chính thức sau này của Toà án là gì đi chăng nữa thì bầu Kiên vẫn xứng đáng được coi là người hùng của bóng đá Việt Nam? E rằng câu trả lời sẽ là không, bởi chẳng phải người ta vẫn dùng câu: “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” để nói lên rằng thay đổi bản chất, tính cách của một người là rất khó đấy sao.



Có sự khác biệt nào giữa bầu Kiên, ông chủ bóng đá và một doanh nhân? Ảnh: V.S.I

Hiểu một cách đơn giản về câu nói này thì nếu bạn thật sự là một người tốt, bất cứ việc làm nào của bạn cũng thể hiện những phẩm chất tốt đẹp mà bạn đang sở hữu và ngược lại. Rất hiếm có trường hợp một người có thể đồng thời sở hữu 2 bộ mặt hoàn toàn trái ngược nhau với 2 tính cách tương phản tuyệt đối, chuyện này hoặc chỉ xuất hiện trong phim ảnh, sách báo, hoặc là siêu phẩm của một nhân vật có khả năng “diễn kịch” tới mức xuất thần nhập hoá.

Nếu bầu Kiên là người thực sự tâm huyết với bóng đá Việt Nam, muốn xây dựng tương lai lâu bền và tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam thì lẽ ra ông bầu này đã thể hiện từ rất lâu rồi chứ chẳng phải chờ đến tận mùa bóng năm ngoái. Có thâm niên hàng chục năm làm bóng đá, bầu Kiên hoàn toàn có thể giúp bóng đá Việt Nam xây dựng lộ trình chuyên nghiệp thực thụ từ giai đoạn “hồng hoang” còn đang mò mẫm thử nghiệm, chứ không phải chờ tới khi đã thành hình như hiện tại mới bắt đầu cải biến những thói hư tật xấu vốn đã biến thành căn bệnh kinh niên.

Vả lại, nếu coi mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là “bùn” thì cách làm bóng đá của bầu Kiên cũng khó có thể gọi là “sen” để mà tự hào: “Trong đầm gì đẹp bằng sen; Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hãy nhớ lại xem, ai là người đầu tiên thực hiện phương pháp mua bán sáp nhập đội bóng để trụ hạng, để rồi cách làm này trở thành trào lưu của bóng đá Việt Nam trong sự bất lực của VFF.

Và mới cách đây 4 năm, vì sao 4 trụ cột ở hàng thủ SLNA là Viết Nam, Huy Hoàng, Đình Đồng và Hồng Tiến lại bị ban Kỷ luật VFF phạt tiền 15 triệu và treo giò 4 trận sau trận thua của đội bóng xứ Nghệ ở vòng 22 V-League 2008? Đấy là bởi 4 cầu thủ này đã thi đấu không đúng phong độ một cách kỳ lạ để giúp chủ nhà HN.ACB giành chiến thắng với tỷ số 4-2.

Nói cho cùng thì bầu Kiên cũng chỉ mới trở thành thần tượng của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong vòng gần một năm qua, còn thua kém rất xa so với vị thế oai phong cũng như uy tín cao vời vợi của doanh nhân Nguyễn Đức Kiên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và tiền tệ, nhưng rồi cuối cùng thì chính ông Kiên lại bị bắt giữ vì tội danh “kinh doanh trái phép”, một sự kiện khiến người ta không khỏi suy nghĩ: “Có lẽ nào lại tồn tại một sự khác biệt rất lớn giữa một bầu Kiên ghét cái xấu như kẻ thù trong bóng đá và một doanh nhân Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố và bắt tạm giam”?

Rất khó để đưa ra lời đáp xác đáng cho câu hỏi này, bởi khi Tòa án chưa chính thức kết tội thì bầu Kiên vẫn còn cơ hội để minh oan cho chính mình, và để đánh giá một con người tốt hay xấu cũng không phải vấn đề đơn giản. Nhưng người xưa đã dạy: "Một sự bất tín, vạn sự bất tin", nếu sau này cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được rằng con người doanh nhân của nhà buôn Nguyễn Đức Kiên thực sự đã vi phạm pháp luật thì con người bóng đá của bầu Kiên có lẽ cũng chẳng còn đáng để tin cậy nữa.

Trước trường hợp của bầu Kiên, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đã chứng kiến một ca “sụp đổ thần tượng” khác, đấy là chuyện xảy ra cách đây 7 năm, ông Trần Nghĩa Vinh, lúc ấy đang giữ chức TGĐ PJICO và là đồng Chủ tịch CLB PJICO SLNA, đã từng rao giảng rất nhiều lời hay ý đẹp về quan niệm làm bóng đá sạch của mình, nhưng rồi rất nhanh sau đó, ông Vinh đã bị khởi tố và bắt giam vì tội danh “nhận hối lộ”, khiến cho những phát biểu trước đây của ông Vinh trở thành trò cười.

Thế mới biết, nói là một chuyện, còn làm như thế nào lại là một việc hoàn toàn khác, và không biết đến bao giờ người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới thoát khỏi cái cảnh nơm nớp lo lắng vì sợ lại có thêm một “thần tượng” nào nữa đánh rơi cái mặt nạ hoàn mỹ để lộ ra chân diện mạo chẳng mấy tốt đẹp của mình.

Xuân Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm